Ngụ cư Sài Gòn hơn 30 năm, tôi đã có 11 năm sống cạnh nhà thờ Chí Hòa, Phường 7, Tân Bình. Một thời gian dài, tôi là hàng xóm của Linh mục Hồ Văn Vui, nhà thơ - thiền sư Phạm Thiên Thư, trùm giang hồ Tân Bình Cường Số Bốn; xa hơn chút nữa thì biết nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, nhà thơ Đỗ Trung Quân; gần kế bên có các nhà báo Trương Quang Vĩnh, ca sĩ Nguyên Vũ, nhà văn Đoàn Thạch Biền…
Gần như không ngóc ngách nào trong toàn khu Ông Tạ mà một kẻ ưa tò mò như tôi không biết. Biết mà vẫn lạ, vẫn sửng sốt, vẫn thú vị, vỡ ra thêm bao nhiêu điều về Đất và Người khi đọc “Dân Ông Tạ đó” các tập 1, 2, 3 của nhà báo, võ sư Cù Mai Công.
Nhà văn Cù Mai Công (phải) trong ngày phát hành cuốn “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương”. |
Cuốn sách như một sự khai mở… quá khứ. Cù Mai Công không chỉ tìm hiểu, lưu trữ và ghi chép. Anh sống với nó, với từng con người, ngôi nhà, góc phố, mảnh bờ tường đầy rêu sứt mẻ bên đám nước ruộng hoang; với đám dế cơm, nhái bén khu vườn rau Lộc Hưng và những bè rau muống bơi trên kênh nước đen Nhiêu Lộc… Anh nhẩn nha và say sưa trò chuyện với chúng trong từng trang sách.
Anh không tìm kiếm mà trải qua. Anh không cần dụng công so sánh hay tìm cách lý giải, bởi anh đã chứng kiến và tham gia chính các sự kiện, dự phần cùng các nhân vật. Hơn thế nữa, với tất cả buồn, thương, giận dữ, tiếc nhớ của đời người… Hơi thở đời sống tạo cho trang viết một sự thăng hoa sinh động hiếm có mà các cây bút sáng tác hay nghiên cứu, dù tài hoa đến mấy cũng khó có thể thủ đắc.
Bằng trí tưởng tượng, nhà văn có thể sáng tạo ra tất cả, trừ sự thật. Trang viết của Cù Mai Công chứa đựng trong lòng nó không gì khác, ngoài sự thật, đôi khi quá riêng tư, đôi khi là hơi vụn vặt.
Các câu chuyện trong sách không đánh số. Hồi ức và kỷ niệm vốn không chịu sắp hàng, không tuân theo trật tự. Nó tự nhảy ào ra, tuôn trào bất cứ lúc nào. Không phải hồi ký, cũng không là tác phẩm nghiên cứu nên chắc chắn không bao giờ là thiếu hay thừa, là sai hay đúng. Cù Mai Công viết như là sống, viết như đã sống. Mà đời sống, trời ạ, làm sao biết ở đâu là nơi bắt đầu, ở đâu là chốn kết thúc?
Trong hai năm 2022 và 2023, cùng với “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương”, Cù Mai Công ra luôn một hơi 3 tập 1, 2, 3 “Dân Ông Tạ đó”. Chắc chắn, Cù Mai Công sẽ còn viết cuốn n và n! (en – nờ giai thừa) để hình thành nên một series đồ sộ về Đất và Người khu Ông Tạ.
Tôi không chắc đến tập mấy thì anh mới kết thúc. Không đánh số, nhưng hồi ức đã tuôn ra thì e không có điểm dừng. Cù Mai Công đã định nói gì, một chuyện nhỏ thôi, anh sẽ nói không bao giờ dừng lại, nếu không bị cắt ngang. Đã nói là phải mím môi, nhíu mày, tay chân khua loạn cho đủ (như anh nghĩ) và thừa (như tôi thấy) biểu cảm. Với đất Ông Tạ, anh sống cả đời người đã tròn hoa giáp và bắt đầu dụng công tìm, sắp xếp tư liệu từ năm 1984. Suốt 40 năm, bao nhiêu là kỷ niệm, hồi ức, đòi anh dừng sao được. Tôi chỉ mong, trong một tập sau nào đó, với sự đồng ý của anh, tôi sẽ được chắp vào phía sau sách một vài lời.
Dĩ nhiên, tôi không viết bạt cho sách của sư huynh Cù Mai Công với tư cách một nhà văn hay nhà báo. Tôi muốn viết, vì chính tôi cũng là dân Ông Tạ. Trong cả tập 1 và 2, Cù Mai Công đều nhắc tên tôi như một cư dân Ông Tạ đã bỏ chữ ngụ cư, đôi khi như một gã giang hồ vặt và đôi khi như một văn nghệ sĩ lạc thời cơ nhỡ. Sống ở đâu thành ma đất đó.
Riêng ở điểm này, Cù Mai Công đề xuất một cái nhìn rất lạ. Ông Tạ thật ra chưa bao giờ là một địa danh trên bản đồ, không có tên trong phân khu hành chính, chưa khi nào có ranh giới địa lý rõ ràng. Đầu ngã ba Lê Văn Duyệt - Thoại Ngọc Hầu trước 1975, nay là Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai, ngày xửa ngày xưa có một tiệm thuốc Bắc kiêm phòng mạch Đông Y của ông Thủ Tạ. Gọi mãi thành quen, chết danh là ngã ba Ông Tạ, một tâm điểm của các xóm bà con Bắc di cư năm 1954. Ngay ngã ba, suốt hơn 60 năm qua luôn là một cái chợ tự phát, mùa nào thức nấy, bán toàn đồ Bắc, nhiều nhất là món quốc hồn không thể thiếu: thịt cầy.
Chợ Ông Tạ thật sự thì phải đi thêm 800m theo đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), băng qua kênh Nhiêu Lộc. Qua nhà trùm du đãng Sơn Đảo, chỗ hẻm Con Mắt trước, đến chợ sau. Trong 60 - 70 năm, chợ Ông Tạ giống như một chợ đầu mối thực phẩm nhỏ của toàn khu vực, dồi dào và “không lo về giá” nên luôn nườm nượp người đi.
Cù Mai Công đưa ra một triết lý rất Nam bộ thời lập ấp: đi chợ ở đâu là dân ở đó. Thành ra, dân Ông Tạ trong mắt anh là gồm tất tật những ai sống trong một khu vực rất rộng từ cư xá Bắc Hải (Q.10), vòng qua khu vục Cống Bà Xếp - Ga Sài Gòn (Q.3), ôm trọn khu vực hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám, lên đến ngã tư Bảy Hiền (Tân Bình), thò sang tận Công viên Hoàng Văn Thụ tới tận đầu đường Hồ Văn Huê (Phú Nhuận).
Tập 2 và 3 của bộ “Dân Ông Tạ đó” mới phát hành trước Tết Nguyên đán 2024. |
Tóm lại, hồi nhỏ cậu bé Cù Mai Công trốn học theo bạn bè hái me, bắt dế đến đâu, nơi đó là Ông Tạ. Lớn chút nữa, tuổi hoa niên, đạp xe đuổi theo tà áo dài của cô bạn cùng lớp về tới đâu, nơi đó vẫn là Ông Tạ. Phải thôi, ở đâu có ngôi nhà ta sống, có cô gái ta thương, ở đó là quê hương. Cả đời, toàn bộ cuộc sống, niềm say mê, những kiếm tìm (thật ra tôi cũng không biết anh đang tìm bóng ai, tìm cái gì), Cù Mai Công chưa bao giờ để ý nghĩ hay bước chân ra khỏi khu Ông Tạ.
Sau này cầm bút, cứ phát hiện ra lân cận có một ông tướng, một ca sĩ, nghệ sĩ, võ sĩ, nhà văn nổi tiếng nào, nơi đó với anh chắc chắn là Ông Tạ. Cũng đúng luôn, ở Sài Gòn, đã thành đạt và nổi tiếng thì đương nhiên - trong tâm thức võ sư Cù Mai Công đẳng cao, người thấp - phải là dân Ông Tạ, cấm cãi.
Nhưng bạn đọc thì vẫn cãi, rất nhiều người đã cãi. Tôi, các anh nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà văn Phạm Công Luận, cả anh Nguyễn Văn Phước chủ nhà sách First News và nhiều người khác nữa phải can mãi Cù Mai Công mới chịu dừng. Nếu không, có khi Cù Mai Công sẽ mở rộng khu Ông Tạ ra mãi. Phía Đông e tới Chợ Bến Thành, Tây lên tuốt Bà Quẹo và Bắc dám chừng phải tới đình Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) anh mới chịu. Phía Nam có vẻ yên tâm hơn, Ông Tạ của Cù Mai Công chắc sẽ không mở rộng ra quá bờ đường Lý Thường Kiệt, không ăn sang tới Q.11. Tôi hay nói đùa: trong cơn say cùng đất quên mất bến bờ, cơn say đeo suốt đời người, khi quy hoạch cảm xúc, Cù Mai Công đã quá lậm tư duy thực dân bành trướng! Nghe thế, Cù Mai Công chỉ cười ha hả!
Một niềm hứng khởi điên rồ, song người Sài Gòn, nhất là bạn đọc xa đất nước vẫn say mê “Dân Ông Tạ đó” như điếu đổ. Rất nhiều người tìm lại được chính mình, tìm được hồi ức quê nhà qua trang sách của Cù Mai Công. Không ít người đột nhiên cảm thấy được chia sẻ, an ủi, được tự hào khi phát hiện ra mình từng là dân Ông Tạ, cũng được Cù Mai Công xem là một kiệt hiệt giang hồ Ông Tạ, của bây giờ hay của thời nào đó xưa lắc tưởng chừng hồi ức đã phủ bụi mờ. Dân Ông Tạ trở thành một nhãn hiệu cầu chứng trong phức cảm quê hương, phức cảm định danh cá nhân của nhiều người. Cả ba tập, in khởi đầu 6.000 -10.000 cuốn, một nửa sách đã bán hết vèo trước khi chính thức ra mắt, phát hành. Cù Mai Công đang là một hiện tượng xuất bản, một kỷ lục xuất bản của thì hiện tại.
Giờ thì rõ, Cù Mai Công sẽ còn viết miệt mài về “Dân Ông Tạ đó”. Và đương nhiên, vì không có tên trên bản đồ hành chính, chỉ tồn tại trong bản đồ cảm xúc và hồi ức, khu Ông Tạ của Cù Mai Công sẽ có cơ hội (hay nguy cơ) mở rộng, kéo dài ra mãi. Ông võ sư cầm bút trứ danh này, như tôi biết, hễ mình thích là mình chơi, việc gì mà chẳng dám làm! Và tất nhiên, làm được!