Học yêu thương và tha thứ bản thân
Tôi nói với cô ấy rằng tôi chỉ có thể giúp khi cô quyết tâm xem xét lại bản thân và những lựa chọn của mình, khi cô chịu trách nhiệm về chính cô và không cố tìm ra vấn đề của những người đàn ông ái kỷ trong đời mình nữa.
Tôi nói thêm rằng hai chúng tôi có thể dành rất nhiều thời gian để lý giải tại sao những người đàn ông này lại hành xử như vậy với cô, nhưng việc này cuối cùng sẽ không đi đến giải pháp. Sự chữa lành mà cô ấy tìm kiếm không liên quan đến việc thấu hiểu những người đàn ông này, mà mục đích là chữa lành bản thân cô. Việc nhận ra điều này đã giúp Jennifer chuyển hướng sự tập trung của cô từ những người khác sang công việc khó khăn hơn: soi xét nội tâm của chính mình.
Sau này, Jennifer đã bộc bạch rằng việc đối diện để thấu hiểu bản thân không phải lúc nào cũng diễn ra dễ dàng, nhưng một khi cô đã làm được điều đó, mọi chuyện dần chuyển biến tích cực. Jennifer cho biết thông qua việc chữa lành những tổn thương, cô học yêu thương và tha thứ cho bản thân, và cô cũng thu hút được nhiều người tuyệt vời đến trong đời mình, những người mà cô chưa hề gặp trong vòng tròn những mối quan hệ cũ, và đây là điều mà cô vô cùng cảm kích.
Qua câu chuyện của Jennifer, bạn có thể nhận thấy rằng cô đã phát triển mô thức chịu trách nhiệm về hành vi của người khác và nhận lỗi về mình, và đó là cách cô tương tác và kiểm soát những mối quan hệ. Từ những tổn thương thời thơ ấu, Jennifer đã phát triển những phản ứng bốc đồng như phòng thủ, mặc cảm tội lỗi và tự trách bản thân. Cô ấy thậm chí còn có thể bị cuốn vào vòng lặp đổ lỗi cho những người đàn ông trong đời mình, trong đó có người ông của cô, nhưng trò chơi đổ lỗi này sẽ chỉ khiến Jennifer bị mắc kẹt trong tâm thế nạn nhân.
Jennifer dần học cách phát triển những công cụ hồi đáp hữu hiệu như chịu trách nhiệm về những lựa chọn trong đời mình, không đổ lỗi cho người khác và chính mình, và học cách thiết lập ranh giới rõ ràng với bản thân và người khác. Phần người lớn có trách nhiệm của cô đã trang bị được khá nhiều công cụ hồi đáp hữu hiệu, và thông qua việc thực hành theo quy trình chữa lành, cô đã biết cách sử dụng những công cụ đó không chỉ trong công việc mà cả trong các mối quan hệ của mình.
Chúng ta thường thiết lập những ranh giới hiệu quả trong công việc, như Jennifer đã làm, nhưng lại cho rằng những ranh giới này không cần thiết trong đời sống cá nhân. Và rồi chúng ta thắc mắc tại sao cuộc đời mình lại rơi vào tình trạng hỗn độn và lộn xộn như thế. Chúng ta có những công cụ làm ranh giới, nhưng chỉ sử dụng chúng một cách ngẫu nhiên và không phải trong mọi lúc. Chúng ta cũng có một bộ sưu tập bao gồm những phản ứng bốc đồng và công cụ hồi đáp hữu hiệu, nhưng chúng ta cần học kỹ năng sử dụng các công cụ phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Học cách phát triển những công cụ hồi đáp hữu hiệu
Bộ công cụ hồi đáp hữu hiệu của bạn bao gồm những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi hữu ích giúp bạn ứng xử theo một cách thức tích cực và rõ ràng. Những công cụ này giúp bạn thiết lập mối quan hệ bền vững với bản thân và người khác. Chúng không được phát triển từ phần tổn thương bên trong bạn mà từ phần nội tâm lành lặn, trọn vẹn và bám rễ vững chắc vào bản thể chân thật của bạn.
Bạn sử dụng những công cụ này khi ở trong trạng thái cân bằng, sáng suốt và không dễ bị kích động, dù bạn đang ở một mình hay với người khác. Khi bạn không sáng suốt, việc tiếp cận những công cụ hồi đáp hữu hiệu có thể trở nên khó khăn hơn vì chúng ta sẽ dễ dàng chọn ngay một công cụ thuận tiện nhất hoặc sẵn có khi một tình huống xảy đến. Nếu bạn đang ở trạng thái sợ hãi hay quá bối rối, công cụ tiện dụng nhất không phải lúc nào cũng là công cụ hiệu quả nhất, đặc biệt khi bạn đang mất phương hướng và bị tổn thương. Trong tình huống đó, việc thu mình lại hay buông lời xúc phạm thường dễ dàng hơn so với việc giữ bình tĩnh, biểu đạt rõ ràng suy nghĩ, cảm xúc của mình và thiết lập những ranh giới lành mạnh.
Nhiều công cụ hồi đáp hữu hiệu phát triển đều đến từ việc tôi quan sát cách hành xử của cha mẹ mình và những người lớn khác khi họ ở trạng thái cân bằng, sáng suốt và rõ ràng trong suy nghĩ và ý định. Tôi đã học từ họ cách bày tỏ tình thương và sự tử tế, cũng như cách họ mở rộng vòng tay nhân ái để giúp đỡ những người kém may mắn. Đồng thời, tôi cũng phát triển những công cụ hồi đáp hữu hiệu bằng cách quan sát những người bạn của tôi, những người luôn cân bằng, sáng suốt và sống đúng với con người thật của mình, để học ở họ cách giải quyết tình huống.
Trong quá trình thực hành những bài tập chữa lành, bạn sẽ phát triển lòng trắc ẩn đối với phần tổn thương bên trong bạn, tức phần sử dụng những công cụ phản ứng bốc đồng. Bạn sẽ nhận thức rõ rằng những công cụ phản ứng mang tính bột phát này từng hữu ích cho bạn nhưng bây giờ đang cản trở bạn sống đời sống của người trưởng thành trọn vẹn.
Cũng như những công cụ phản ứng do tổn thương, những công cụ hồi đáp hữu hiệu của bạn cũng được phát triển qua thời gian. Những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi này đã giúp ích cho bạn trong thời thơ ấu và có thể vẫn đang tiếp tục hỗ trợ bạn trong hiện tại. Chúng giúp bạn duy trì trạng thái cân bằng, sáng suốt và kết nối với bản thể chân thật của mình.
Với nhận thức sáng suốt sau khi được chữa lành, bạn sẽ nhận ra những công cụ hồi đáp hữu hiệu của mình vì bạn thấy được những kết quả lành mạnh, tích cực mình nhận được khi sử dụng chúng. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng lựa chọn những công cụ hiệu quả này thay vì những công cụ phản ứng do tổn thương.
Tôi mong bạn sẽ trải qua những tháng ngày tuyệt vời ở phía trước vì bạn luôn bộc lộ bản thể tốt đẹp của mình, luôn yêu thương, tin tưởng và tôn trọng chính mình. Bạn đã trở lại là nguyên bản toàn vẹn của chính mình. Những phần tổn thương bị lạc lối bên trong bạn đã hợp nhất với phần trưởng thành của bạn. Bạn không còn cảm thấy bị bỏ rơi hay đau khổ. Bạn đã kết nối trở lại với bản thể của mình. Chào mừng bạn trở về nhà.
Theo Chữa lành những đứa trẻ tồn thương bên trong của Robert Jackman