Sài Gòn một thuở “Dân Ông Tạ đó!” 3 - Từ chuyện ăn, chuyện ở đến chuyện người, chuyện đời

Lan Phương17/02/2024 08:00
Sài Gòn một thuở “Dân Ông Tạ đó!” 3 - Từ chuyện ăn, chuyện ở đến chuyện người, chuyện đời

“Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó 3” cùng hai tập trước hoàn thiện bức tranh về khu Ông Tạ ngày xưa, về những nét đẹp trong văn hóa, nếp sinh hoạt của con người và đồng thời cũng là những tình cảm thương nhớ, tự hào, tâm huyết của Cù Mai Công

Là cây bút nổi tiếng với những trang viết đầy tình cảm về Sài Gòn qua những tác phẩm “Sài Gòn by night”, “Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương”, “Tuổi mực tím Sài Gòn”, Cù Mai Công một lần nữa đưa người đọc lạc vào một vùng đất lịch sử của thành phố - nơi mà thuở ban đầu chỉ có nhà cửa thưa thớt với những hàng rào đất rộng của người bản địa miền Nam, dưới sự biến đổi của những người di cư đã trở thành một khu vực sầm uất và khá giả - khu Ông Tạ. Với lợi thế của người cố cựu, được thừa hưởng ký ức từ cha mẹ và lớp người đến vùng đất này năm 1954, tác giả ôn lại khái quát thuở ban đầu cộng đồng Bắc di cư đến vùng Ông Tạ, đưa người đọc lang thang giữa những địa danh, những ngôi nhà, những nếp sống đã phần nào làm nên nét truyền thống khác biệt của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. 

 Thói ăn

Sự di cư của bà con Bắc 54 mang theo văn hóa ẩm thực miền Bắc trở thành nét đặc trưng của Ông Tạ. Miền đất này bỗng trở thành nơi giao thoa văn hóa hai miền mà chẳng rõ từ khi nào, sớm đã thấm đượm tình đồng bào thân thiết, gắn bó. “Dù là chợ nào, chắc chắn món quà sáng, bữa cơm trưa, buổi nhậu tối của bà con lúc ấy rặt Nam Bộ. Còn những món Bắc như phở, bún riêu, canh bún, canh cua rau đay, rau muống xào tỏi, cà pháo - mắm tôm, bánh chưng bánh dày, bột sắn…thì hoàn toàn xa lạ”. Ấy vậy mà, cũng bởi cái miệng của dân Ông Tạ, kể cả Bắc 54 không có thói quen kỳ thị vùng miền, cứ món nào ngon là ăn - “Nó như cách ăn uống của người Sài Gòn bao lâu nay”, Ông Tạ trở thành vùng có món ăn thức uống “sặc mùi” Bắc 54 - nhiều người tới giờ vẫn bảo Ông Tạ nổi bật là…thịt chó. 

Dưới ngòi bút giản dị, đậm chất hoài niệm của tác giả, người đọc nghe mùi vị bánh dày đậu nơi khóe miệng “...cắn vào miếng bánh, tôi thấy lại cả một thời thơ ấu được mẹ mua làm quà sáng cho con: vừa đủ dẻo để quến vào lưỡi, nhưng cũng vừa đủ khô để không bết trong răng. Nhân đậu xanh ngọt dìu dịu, không quá ngọt như nhân bánh rán. Nếu nhân đậu xanh mặn, cũng mặn nhè nhẹ. Ăn một lần bốn, năm cái không ngán, không khô cổ ”. Tất cả những hàng quà tấm bánh đơn sơ, mâm cơm ngọt lành của Ông Tạ xưa nuôi bao thế hệ tuổi thơ êm ái trưởng thành. Những “Ông Tạ đệ nhất xôi” hay “Bánh cuốn Ông Tạ”“Thủ phủ giò chả Sài Gòn - Gia Định”, hay đặc biệt là “Phở bò trên vùng đất nuôi bò” mà “không người Ông Tạ nào trong ký ức tuổi thơ của mình không phảng phất mùi phở. Cái mùi ấy, cái tình ấy giữa cơn ba đào của cuộc mưu sinh, biến đổi thời cuộc “tình ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng”. Dè đâu chỉ cần nhắc một câu “ốm phở” là quá khứ “tình ngỡ đã xa xăm, bỗng về quá thênh thang”.

Cù Mai Công viết: “ Mẹ tôi hay bảo: “Ăn chơi mỗi người mỗi ý - Lịch sự mỗi người mỗi mùi”. Đó là sự tôn trọng nét riêng. Thế nhưng cái nét riêng ấy dần dà cũng hòa trộn vào nhau, thành nét chung phở Ông Tạ. Bởi Bắc 54 Ông Tạ, khác với nhiều vùng Bắc 54 khác, do là một vùng đất di cư tự phát nên không phải là một “làng” của toàn những người chung quê miền Bắc. Ông Tạ có phở Nam Định, Hà Nội, Hưng Yên…và có phở Ninh Bình, Hải Phòng, Hải Dương…Tất cả lẫn vào nhau từ lúc nào, theo “gu” chung của miệng Ông Tạ, miệng Sài Gòn”. Như vậy có nghĩa, mảnh đất thân thương này là nơi giao thoa văn hóa ba miền, như sợi dây vô hình gắn kết dân tộc sau vết nứt chiến tranh. Giọng văn bình dị, thân thuộc của tác giả khiến một người chưa từng đặt chân lên mảnh đất Sài Gòn, được đưa vào từng con ngõ nhỏ, từng hàng giò chả bánh kẹo  (như kẹo lạc, trà Bắc, kẹo dừa ngào đường mật, bún chả, gỏi cuốn, bò viên, đậu hũ miến chiên giòn…) từ những ngày xa xưa, cảm nhận hơi thở của một thời xa lắm quả thực là như một giấc mơ. 

Nếp ở

Với “Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!” 3”, khu Ông Tạ giống như một thực thể có linh hồn, có tính cách, không chỉ là chứng nhân lịch sử cho những thay đổi trong xã hội ở Sài Gòn. Chúng ta không chỉ có cơ hội được ngắm nhìn khu Ông Tạ - một phần của Sài Gòn xưa, hay nâng cao vốn hiểu biết của mình về lịch sử mà còn có thể cảm nhận những cảm giác nhớ thương, hoài niệm về những kỉ niệm xưa. Cù Mai Công tua lại thời gian để đi vào từng con phố, con ngõ, cảm nhận hơi thở của lịch sử và văn hóa, tái hiện “nếp nhà” xưa cũ nơi đây một cách chân thực và giản dị nhất. 

“Năm 1964 (mười năm sau di cư 1954), khi vùng Ông Tạ đa số còn nhà trệt, gác gỗ, thậm chí còn sót lại một ít nhà lá, nền đất; một số nhà lên được một trệt, một lầu đúc thì ngay ngã ba Ông Tạ vọt lên một tòa “cao ốc” một trệt, ba lầu, một sân thượng: nhà ảnh Á Đông”. Ấy như một tòa nhà định hướng cho cả vùng Ông Tạ, có lẽ không chỉ là địa lý mà còn cả về hy vọng, ước mơ sống của bà con Bắc 54 trên vùng đất mới. Không đi sâu vào phân tích và mổ xẻ kiến trúc như trong tác phẩm “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương”, tác giả theo dòng cảm xúc về những con người gắn liền với kí ức tuổi thơ. Đó là bà cụ Rật xóm Mắm “như bao bà mẹ Bắc 54 Ông Tạ: vất vả, tần tảo, chịu thương chịu khó, thật thà và lành như đất; lúc nào cũng cười tươi, khoe hàm răng đen nhánh” với “những hạt xôi lạc, xôi đỗ đen, xôi đỗ xanh mềm tơi của bà xưa nuôi nhiều đứa trẻ con Ông Tạ ăn học, lớn khôn”. Đó là Ông giáo Dũng Hẻm 148 - người đã chỉ cho tác giả cách sống của một nếp nhà Ông Tạ bình thường như bao nhà Ông Tạ khác: “Giấy rách giữ lấy lề”, “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nơi đây được coi là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Cũng bởi lớn lên từ nếp nhà lương thiện, chính trực, được nuôi dưỡng bởi tình yêu thương từ xóm làng thân thiết, ấm áp mà những đứa trẻ từ đất Ông Tạ trưởng thành phần lớn đều là bác sỹ, kỹ sư, nhà văn…

Một phần trong sự giao liên về văn hóa quan trọng không thể không nhắc tới tín ngưỡng tôn giáo - chìa khóa quan trọng gắn kết truyền thống hai miền. “Tính khu biệt văn hóa của người Ông Tạ hình như chỉ nhen lên thuở ban đầu, như nhiều khu định cư Bắc di cư khác ở miền Nam. Nhưng họ nhanh chóng hội nhập với miền Nam, với Sài Gòn, với tất cả những người các vùng miền tìm đến đây. Đó là “bí quyết” trong phát triển mạnh mẽ của Ông Tạ so với những khu toàn tòng Bắc  di cư Công giáo khác sau 1954 và trước 1975. Tính khác biệt tôn giáo cũng nhanh chóng bị xóa nhòa. Ngay sau khi khối Bắc di cư tràn đến vùng Ông Tạ, cùng với các nhà thờ Công giáo, hàng loạt chùa Bắc (hệ Bắc tông) cũng đồng thời được xây dựng”.

Trường xưa, bạn cũ

Từ nhà ra ngõ, tác giả đưa người đọc về những tháng ngày tuổi học trò từ lớp xóm, trường làng trên đất sình lầy. “Trước 1954, vùng Ông Tạ hình như chỉ có một trường đạo nhỏ thuộc giáo xứ Chí Hòa. Học sinh không nhiều. Ngay khi cộng đồng Bắc di cư 54 đặt những bước chân đầu tiên ở khu vực toàn đầm lầy, kinh rạch ngang dọc, mồ mả khắp nơi này, vô số lớp xóm, trường làng đã mọc lên như nấm sau mưa…Vô số tài năng, tên tuổi được học hành từ đây, nếu nói từ ấy, đây là đất học có lẽ cũng không quá”. Bằng nhiệt huyết và tình yêu thương từ những lớp học vỡ lòng, “cô lẫn trò cùng ngồi trên một tấm phản, như thầy đồ và học trò xưa. Dăm bảy đứa gì đó. Cô vừa dạy vừa nấu nướng ở gian sau nhà. Lớp vô danh, không tên tuổi, không bảng hiệu, vậy thôi, nhưng các thầy cô vô số lớp học này dạy dỗ học trò như cha như mẹ. Giao con cho các lớp học này, cha mẹ nào cũng yên tâm. Học trò có thể bị các ông bà giáo già béo tai, xoắn tai, gõ thước kẻ, quỳ gối…nhưng thương học trò lắm”

Cũng nhờ có những “trường làng, lớp xóm” ấy mở đường cho sự ra đời và phát triển của hệ thống giáo dục vùng Ông Tạ mà những trang kí ức của tuổi thơ bọn trẻ nơi đây được tô màu hồng của tháng ngày “nhất quỷ nhì ma” tươi đẹp. “Trẻ con Tân Chí Linh đố đứa nào không từng là khách hàng thân thiết của xe bán chè đá và đá nhận bên hông cổng trường, đối diện bún riêu bà Hán. Hôm nào xe bán dế tới đậu bên hông cổng trường, tiếng dế kêu réc réc rộ lên là kỷ niệm khó quên của tuổi học trò Chúa Cứu Thế chúng tôi, có đứa chuông reo vào lớp vẫn nấn ná”

Rồi từ những trường mầm non, lần lượt từng ngôi trường trung học nổi tiếng được xây dựng, trong đó có Nguyễn Thượng Hiền - nơi mà “mấy ngàn thí sinh dự thi trong một niên khóa, trường không đủ phòng thi, phải mượn nơi khác gần đó”. Tuổi thơ tác giả cùng bạn bè đồng trang lứa “ngày ngày đạp xe đi học. Có đứa nhỏ con, lại đi xe (vòng bánh) 650, leo lên xe, đạp vẹo bên này ngả bên kia ngó đủ mệt, vậy mà đứa nào cũng hãnh diện lắm. Gia đình khu Ông Tạ đều đông con, bố mẹ túi bụi lo kiếm ăn, nhà bao việc. Thế là đứa nào cũng tự đi học. Đứa nào nhà gần trường thì đi bộ. Sáng, trưa, chiều, áo trắng học trò vùng Ông Tạ rải trắng đường Phạm Hồng Thái”. Tác giả hoài niệm về bao nhiêu tiếng cười ngày xưa ấy - vàng trong lớp học sân trường. Ấy là khu nhà tôn giữa rừng có bóng nắng hầm hập, mồ hôi đẫm ướt áo thầy lẫn trò, có tiếng mưa gõ át cả tiếng thầy cô và có những mơ mộng tuổi học trò giữa khu rừng xanh mát. Học trò “chập chững rủ nhau, cùng nhau bước những đầu tiên với cuộc sống, với hào hùng sử Việt”. Những ngày chiến tranh biên giới, rồi thời bao cấp cực khổ, “học trò Nguyễn Thượng Hiền không chỉ ngồi học mà còn phải lăn ra đời kiếm sống cùng cha mẹ”. Những tháng ngày ấy khiến tình cảm thầy trò ngày nào vẫn luôn vẹn nguyên, thắm thiết. Bao thế hệ học trò nơi đây đã sống hết tình, đã yêu thương trọn nghĩa cùng nhau, để nay thành một ngôi trường khang trang, “lừng lẫy” của thành phố…

Có thể nói, qua đôi mắt của tác giả Cù Mai Công, khu Ông Tạ có lẽ không chỉ là một kí ức mà còn là một giấc mơ tuyệt đẹp. Tác giả đắm chìm vào những thước phim của quá khứ, tua lại thời gian để đi vào từng con phố, con ngõ, cảm nhận hơi thở của lịch sử và văn hóa và dẫn người đọc đi cùng với mình trên hành trình tìm về với những góc phố xưa; và cũng chính vì điều này, khi tác giả đặt bút viết cuốn sách này, hẳn cũng là lúc những khung cảnh tươi đẹp ấy đã rời xa, để lại một bầu trời đầy thương nhớ cho tác giả. Phải chăng khu Ông Tạ là một giấc mơ mà tác giả muốn làm sống lại mãi? Chúng ta có thể cảm nhận một cách rõ ràng về tình cảm mà tác giả dành cho vùng đất này, cảm tưởng như ông đã dành từng giây phút trong cuộc sống của mình để ngắm nhìn, tận hưởng, suy ngẫm về khu Ông Tạ, về Sài Gòn - Gia Định, và cả về những con người đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ vùng đất đặc biệt này. Phải dành hết tâm can để thương, để nhớ, để khắc ghi những gì thuộc về khu Ông Tạ thì mới có thể viết những dòng văn đầy ắp tình cảm thế này dành cho khu Ông Tạ. Thật không ngoa khi nói rằng nếu như có cuốn sách nào có thể có những dòng văn khắc họa sinh động về khu Ông Tạ, về Sài Gòn xưa, thì đó gần như chỉ có thể là cuốn sách “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó” của tác giả Cù Mai Công.

“Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó 3” là mảnh ghép hoàn hảo cùng hai tập trước hoàn thiện bức tranh văn học về khu Ông Tạ ngày xưa, về những nét đẹp trong văn hóa, nếp sinh hoạt của con người và đồng thời cũng là những tình cảm thương nhớ, tự hào, tâm huyết của Cù Mai Công. Đây là một cuốn sách truyền cảm hứng, dạt dào tình cảm và chứa đựng những khía cạnh lịch sử rất hấp dẫn, làm xao xuyến trái tim không những của những người con Sài Gòn mà tất cả những ai yêu mến thành phố này. Hãy cùng chúng tôi ngược dòng thời gian tìm về miền ký ức trong trẻo và tinh khôi nhất của mảnh đất Ông Tạ, để hiểu thêm về một vùng đất của những nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, là vùng đất của những con người thảo hiền, của những người tài cống hiến cho quốc gia. 

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận