Người chồng đầu tiên của Jennifer không chỉ bạo hành bằng lời nói mà còn không thể ở trong một mối quan hệ một vợ một chồng; anh ta có nhiều nhân tình bên ngoài. Người chồng thứ hai của cô có hai con trai ở tuổi thiếu niên và là một người đa nhân cách. Anh ta đối xử tử tế với gia đình và bạn bè nhưng lại bạo hành bằng lời nói với Jennifer trong những lúc chỉ có hai người. Anh ta có nhân tình khi đang ở trong mối quan hệ với Jennifer.
Người chồng thứ ba của Jennifer duy trì được mười hai năm. Fred là một người đàn ông góa vợ, người mà sau này Jennifer nhận ra là một kẻ ái kỷ có sức hấp dẫn, luôn kiểm soát và có xu hướng bạo hành. Khi hai người gặp nhau, Fred đang một mình nuôi ba con nhỏ. Xuyên suốt mối quan hệ, anh ta luôn bạo hành bằng lời nói với Jennifer và các con của anh ta.
Lý do chủ yếu khiến Jennifer tiếp tục sống cùng Fred là vì cô lo sợ khi nghĩ đến việc để lại bọn trẻ đơn độc đối phó với anh ta. Cô tự hứa với lòng sẽ chỉ ở lại cho đến khi đứa con cuối cùng rời khỏi nhà để đi học đại học. Jennifer cảm thấy tự hào về bản thân khi cô có thể từ bỏ mối quan hệ, nhưng Fred lại không để cô được sống yên ổn. Anh ta theo dõi Jennifer và đặt thiết bị định vị trên xe cô; khi phát hiện ra việc này, cô cảm thấy vô cùng sợ hãi.
Lúc Jennifer đến gặp tôi, cô ấy đang ở trong tình trạng suy sụp, rối bời và mệt mỏi trong vòng xoáy căng thẳng của mối quan hệ này. Khi ở chỗ làm, Jennifer cảm thấy hài lòng về bản thân và cô cố gắng duy trì trạng thái tích cực khi trở về nhà hay gặp gỡ các cô bạn của mình; dù vậy, cô vẫn cảm thấy đau khổ trong lòng.
Như một hệ quả của sự thao túng tâm lý từ người chồng cũ bị hội chứng ái kỷ, Jennifer đôi lúc cảm thấy tỉnh táo, lạc quan và đôi khi lại thấy mình như sắp phát điên. Jennifer biết luôn có cách tốt hơn để vượt qua hoàn cảnh nhưng đồng thời, cô cũng lo sợ rằng cuộc đời mình sẽ tiếp diễn như thế này mãi. Mặc dù đã rời bỏ người chồng ái kỷ của mình, Jennifer vẫn đang trải qua những triệu chứng hậu sang chấn từ mối quan hệ vô cùng độc hại này.
Jennifer bắt đầu thực hiện quy trình chữa lành mang tính chuyển hóa. Trong lúc ghi xuống dòng sự kiện thời thơ ấu của mình từ khi sinh ra đến độ tuổi hai mươi, Jennifer nhớ ra một sự kiện nổi trội vào năm cô tám tuổi. Vào thời gian ấy, Jennifer phụ giúp ông của mình bán dưa hấu tại quầy trái cây của ông. Một ngày nọ, doanh thu bán hàng bị hao hụt 25 xu. Ông của Jennifer, thay vì hành xử như một người lớn hiểu biết và nhận ra rằng có lẽ cháu mình đã thối nhầm tiền cho khách, lại buộc tội cô bé là lấy trộm tiền. Trải nghiệm này đã hủy hoại Jennifer.
Dù cảm thấy tồi tệ vì đã khiến ông mình thất vọng, nhưng cô bé vẫn nghĩ rằng mình luôn thối đúng tiền cho khách và giữ tiền cẩn thận. Nhưng dù sao đi nữa, Jennifer vẫn tin tưởng ông mình – chắc hẳn ông đã nói đúng và cô đã sai. Xét cho cùng, tại sao ông lại phải nói dối hay gây tổn thương cho cô chứ? Vì đây là ông của cô và là người luôn nói yêu thương cô, nên Jennifer hiển nhiên cho rằng đó là lỗi của mình.
Vào lúc tám tuổi, Jennifer chưa có đủ kỹ năng và nhận thức để tạo lập ranh giới, và câu cửa miệng “Tôi xin lỗi” của cô bắt đầu hình thành từ đó. Jennifer chấp nhận cách tương tác mới với thế giới này: cô dần quen với suy nghĩ mình là một nạn nhân và chịu trách nhiệm cho hành vi sai trái của người khác. Cô dần quen với việc tin tưởng người khác hơn chính bản thân mình.
Trải nghiệm này trở thành một dấu mốc quyết định trong cuộc đời Jennifer và là câu chuyện mà cô bắt đầu nói với bản thân. Tuổi tổn thương của Jennifer được kích hoạt vào lúc tám tuổi, và từ đó trong cô bắt đầu hình thành một niềm tin cố hữu rằng cô là một người kém thông minh và cần nhận lấy trách nhiệm, nhận lỗi vì hành vi của người khác.
Thông qua việc nhìn nhận lại những lựa chọn và mô thức mối quan hệ của mình trong quãng đời trưởng thành, Jennifer có thể thấy được rằng ba người đàn ông từng có mối quan hệ với cô có rất nhiều điểm chung. Cả ba người đều bị tổn thương tâm lý theo hướng ái kỷ, đều là người ích kỷ, bạo hành theo cách riêng, và đều không hành xử đúng đắn như lời họ nói về bản thân. Jennifer cũng phát hiện thấy cả ba người đàn ông này đều có những đặc điểm tính cách giống như người ông của cô: họ đều khiến cô tin rằng mình là một người kém thông minh và vô giá trị, và cùng góp phần tạo nên cảm giác bất an thường trực trong cô.
Trong khi thực hành theo quy trình chữa lành, Jennifer nhận ra được những mô thức này một cách rõ ràng và cô học được sự cần thiết của việc lập ra những ranh giới lành mạnh, cả với bản thân cô và trong những mối quan hệ của cô. Jennifer nhận thấy việc cô liên tục tìm đến kiểu đàn ông như vậy và thu hút họ về phía cô là vì ký ức tổn thương trong tâm thế nạn nhân và ý niệm về bản thân của cô. Vết thương cũ của Jennifer đã cố gắng để tự chữa lành, nhưng không phải theo một cách lành mạnh mà một cách vô thức, cô tiếp tục đến với những người đàn ông tương tự.
Jennifer học cách thiết lập những ranh giới bên trong để chấm dứt những lời độc thoại nội tâm, tự chỉ trích bản thân là một người tệ hại và luôn hành xử sai trái. Cô học cách ngừng nhận lỗi thay cho người khác. Cô đã phát triển những công cụ hồi đáp hữu hiệu mới để hồi đáp tốt hơn đối với những sự kiện kích hoạt. Sau này, Jennifer đã chia sẻ rằng điều quan trọng nhất cô học được là chịu trách nhiệm về bản thân – vì cô là người duy nhất có thể giải quyết những vấn đề của mình – và ngừng đổ lỗi cho những người đàn ông xuất hiện trong đời mình khi mối quan hệ kết thúc.
Thông qua quá trình tự nhận thức về bản thân, Jennifer nhận ra rằng chính đứa trẻ tổn thương bên trong cô muốn ở lại với những người đàn ông này, dù cho phần trưởng thành của cô vẫn biết rằng mối quan hệ hiện tại là không lành mạnh và cô xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn. Những công cụ hồi đáp hữu hiệu và ranh giới mà Jennifer đã phát triển đối với bản thân và những người khác đã tạo cho cô nền tảng để nói “không” với những mối quan hệ tệ hại trong tương lai và phá vỡ vòng lặp độc hại cũ.
Kỳ tới: Để thu hút nhiều người tuyệt vời đến trong đời mình