Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó”! 3: Khí tiết con nhà võ

Quang Thanh06/02/2024 09:00
Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó”! 3: Khí tiết con nhà võ

Võ sĩ huyền thoại “Tiểu Lý Quảng” sau này ít ai biết. Bởi ông không mở lò võ và từ 1949, chuyển sang ngạch lính; không đeo đuổi nghiệp võ suốt đời như nhiều võ sĩ huyền thoại khác. Nhưng khí tiết con nhà võ chân chính vẫn theo ông suốt đời, cả khi trong lính.

16-10-1949, 34 tuổi, ông Lý Văn Quảng nhập ngũ Việt binh đoàn, Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại với cấp bậc thiếu úy. Gia nhập quân ngũ tuổi này có lẽ là muộn. Thực tế công việc của ông là phụ trách thể dục và thể thao trong quân đội.

Không giống như trên sàn đấu…

“Tướng mạo - Quân vụ” (lý lịch trích ngang trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa) ghi rõ nghề nghiệp của ông: “Giáo sư thể dục - thể thao”. Đời lính là theo lệnh chỉ huy, ông đi học trường liên quân Võ bị Đà Lạt, rồi chuyển sang ngạch lính Nhảy dù. Trung úy 1954, đại úy 1957, thiếu tá 1964, trung tá 1967, rồi… “giậm chân tại chỗ” cho tới khi xuất ngũ 1973. Giữa năm 1968, ông dời nhà về khu cư xá Nhảy dù gần Bà Quẹo, cạnh nhà ông là nhà thiếu tá Lê Quang Lưỡng. Lúc đó, ông Lưỡng là lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 Nhảy dù; còn ông đã trung tá. Bốn năm sau, ông Lưỡng lên chuẩn tướng, ông Quảng vẫn trung tá. Một số khóa sinh trường sĩ quan ông giảng dạy sau lên tướng, gặp ông, vẫn một điều thưa, hai điều dạ với “thầy Quảng”.

Con đường “khanh tướng” của ông có vẻ không thành công như trên sàn đấu. Có lẽ một phần do tính ông nóng, và lại thẳng quá. Làm chỉ huy trưởng Căn cứ Nhảy dù Hoàng Hoa Thám, kiêm thanh tra Sư đoàn Nhảy dù, làm gì người ta không quà cáp. Một lần, ông đang ngồi chơi ở nhà với con trai Lý Văn Quyến, quen thân với tôi. Một chiếc xe hơi xịch trước cửa. Chủ xe bước vô tặng bánh Trung thu. Ông biết người này, có con là lính Nhảy dù; ý muốn con được sắp xếp để khỏi ra trận (xưa gọi là “lính kiểng”, “lính ma” – chỉ có tên, không có mặt, không ra trận). Để hộp bánh xuống, nói giả lả vài câu xã giao, người này chào, ra xe đi. Quyến, thằng út mới năm, sáu tuổi thấy hộp bánh là thích rồi, vội mở ra. Cha mẹ ơi, ngoài bánh thì vàng lá Kim Thành xếp đầy hộp. Ông chụp hộp bánh, phóng chạy bộ theo xe, ném vô cửa xe. Vàng văng tung tóe trong xe, vương vãi trên đường, trong ánh mắt sửng sốt lẫn mắc cỡ của người kia.

Hình ảnh ấy của cha mình không bao giờ Quyến quên được. Và không chỉ Quyến, tám con trai, một con gái của ông lẫn bà nhà đều không quên một chuyện năm 1971, khi ông làm phụ tá tỉnh trưởng Tây Ninh được hai năm. Một ngày kia, có người đến đề nghị ông Quảng hối lộ một triệu đồng (khoảng 45 - 50 lượng vàng lúc đó) để chính thức làm tỉnh trưởng Tây Ninh. “Lạ” là ông Quảng không cần phải đưa tiền mà có người (một vị tướng) sẽ ứng cho ông, để ông nắm tỉnh trưởng Tây Ninh, vốn là một tỉnh biên giới (môi trường buôn bán hàng lậu lúc đó).

Ý gì ông không rõ nhưng kinh nghiệm quan trường, ông Quảng đã bí mật ghi âm để làm bằng chứng. Cầm cuộn băng, với quân phục Nhảy dù, ông vào thẳng Dinh Độc Lập xin gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Lúc đầu, sĩ quan bảo vệ không cho ông vào. May có người sĩ quan chỉ huy là người đồng khóa 6 Võ bị Đà Lạt với ông đã đưa ông gặp ông Thiệu.

Năm 1971 là một năm sôi động trên các chiến trường. Tình hình chính trị miền Nam khá bất ổn. Về nhà, ông kể cho vợ con nghe chuyện gặp ông Thiệu. Khi cầm băng ghi âm, ông Thiệu gật gù: “Trung tá cứ để đó, tôi sẽ nghiên cứu”. Rồi lệnh sĩ quan tùy viên gởi tặng trung tá Quảng 50 ngàn (khoảng hơn hai lượng vàng): “Cảm ơn trung tá đã trình báo. Đây là quà Giáng sinh tặng trung tá”. Năm 1972, chiến cuộc lan tràn, khốc liệt hơn nên có lẽ ông Thiệu cũng quên cuốn băng ghi âm đó, không thấy nói hay trả lời gì.

Ai quen đều biết tánh ông nóng. Hồi đi học bên Pháp, trên tàu, anh Pháp nào có vẻ lếu láo với người Việt, ông thách đấu với họ; cho vài anh “lỗ mũi ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc”. Thế là sau đó gặp ông, anh Pháp nào cũng lỉnh mất.

Rõ ràng cái tính nóng này khiến đường quan lộ của ông trục trặc liên miên. Khí tiết không tham lợi của một tay võ sĩ vô địch khiến nhà ông thuộc hạng nghèo “rớt mồng tơi” so với hàng xóm cũng toàn sĩ quan cấp tá trở lên như ông. Gia đình bố mẹ, con cái mười một người, lương sĩ quan, lương vợ con cũng không kham nổi, phải bán nhà trong cư xá sĩ quan Chí Hòa để có tiền xây nhà ở khu đất Nhảy dù cấp cho sĩ quan, gần Bàu Cát. Trong khi nhà xung quanh như nhà đại tá Lưỡng đều xây hai, ba tầng thì nhà ông vẫn chỉ như một ngôi nhà cấp bốn hiện nay.

Ông bà Lý Văn Quảng năm 1957. - Ảnh gia đình cung cấp

Nhưng ông đã “thắng”

Học khóa cao cấp Bộ binh bên Mỹ về ít lâu, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Căn cứ Nhảy dù Hoàng Hoa Thám của Sư đoàn Nhảy dù. Cặm cụi chăm lo cho khu gia binh, vợ con binh sĩ nên ông được rất nhiều lòng cảm mến của thuộc cấp. Có lần, vợ một binh sĩ chuyển dạ sinh nở trong khi chồng đang ngoài chiến trường, ông đã cùng anh tài xế đưa người sản phụ vào bảo sanh viện. Bất ngờ, bà bầu sanh con ngay trên xe Jeep của ông. Vô bệnh viện, “mẹ tròn con vuông”. Cả nhà người lính chảy nước mắt khi rón rén gặp ông, bày tỏ lời cảm ơn. Không ít lần, đang ăn trưa với vợ con, ông bỏ dở bữa để tự lái xe đi hiến máu: một binh sĩ dưới quyền bị thương từ mặt trận chở về, cần máu gấp.

Đây cũng là lúc ông phanh phui tệ nạn của một số sĩ quan Nhảy dù, từ chuyện tham nhũng xây dựng cổng trại, ăn tiền chạy chọt “lính kiểng”, “lính ma” đến tranh giành đất đai… Được lòng lính tráng nhưng có vẻ ông không được lòng ai đó. Nên chuyện ông phải thôi nhiệm vụ ở Sư đoàn Nhảy dù, về làm chỉ huy trưởng Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng (Việt Nam Cộng hòa), rồi chỉ huy trưởng Quân vụ thị trấn, rồi Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 ở Biên Hòa, rồi lên Tây Ninh làm phụ tá tỉnh trưởng Tây Ninh, phụ trách xây dựng nông thôn… có lẽ cũng không khó hiểu.

Cuối cùng, trung tá Quảng nhận sự vụ lệnh thuyên chuyển sang Sở Liên lạc, Nha Kỹ thuật (Lôi Hổ, chuyên nhảy toán và thu thập tin tình báo), làm phụ tá cho đại tá giám đốc Nha Kỹ thuật Đoàn Văn Nu. Vài tháng sau, giữa năm 1973, nhận quyết định xuất ngũ. Lúc ấy ông năm mươi tám tuổi, coi như “hưu non”.

“Tiền lính tính liền.” Một vợ bảy con (một con là trung úy Nhảy dù tử trận ở đồi 31 Hạ Lào năm 1971, ba con còn trong lính). Ông bà cựu trung tá mở một quán cà phê cóc tại nhà. Se súi cho tới 1975, lương hưu không còn, một ít tiền trong ngân hàng mất. Ba con đều là trung úy Quân y (một hành chánh, hai nha sĩ) đi cải tạo. Ông cũng đi cải tạo, nhưng xét lý lịch không có vấn đề, nhất là bị hưu non, vài tuần về. Cả nhà dựa vào việc người vợ gốc Hà Nội hiền lành, thanh nhã của ông đi phụ bán phở tận Hóc Môn. Phụ bán về, bà mang về một bịch nước phở dư cho các con chan cơm ăn. Sau nhà lúc ấy có ao rau muống. Ông kiếm một cành trúc làm cần câu “cải thiện”. Thằng cháu trai Quốc Việt sau giờ học lội ao bắt nhái cho ông câu ếch. Con cái có đứa đi học xa, không có tiền mua xe đạp, cứ lội bộ hằng ngày. Nhìn bữa cơm của nhà có lúc chỉ một nồi cơm độn khoai và nồi canh lõng bõng rau muống bứt sau nhà, ông buông đũa, ra sau nhà, ngồi thừ người. Biết tính bố, các con chỉ len lén nỗi niềm...

Sau 1975, có những người lính Nhảy dù dưới quyền hoặc tài xế ngày xưa cám cảnh gia đình ông, tìm đến chia sẻ chút tiền cầm cự qua ngày... dù ông đã thôi ngạch Nhảy dù từ mấy năm trước 1975. Hàng xóm thấy gia cảnh nhà ông, có người ái ngại, tiếc rẻ nói riêng với vợ ông: “Giá hồi đó ông cầm một ít trong hộp vàng kia thì bây giờ vợ con đỡ rồi”. Bà vội giơ ngón tay lên miệng “suỵt”. Bà biết tính ông nóng nảy, “khả tử bất khả nhục”. Và ông đã ra đi năm 1982, đương khi gia cảnh cùng cực.

Các con ông, có đứa đang tuổi ăn tuổi lớn cũng theo nếp bố, cứ vẫn nhai cơm độn, chia nhau làm việc nhà, có đứa đi làm thủy lợi phụ bữa cơm nhà, và cặm cụi học hành, tự đi bằng đôi chân của chính mình, như bố mình.

Ông Lý Văn Quảng đánh cờ tướng với con út Lý Văn Quyến năm 1974. - Ảnh gia đình cung cấp

Vô địch trên sàn đấu nhiều lần, coi bộ ông lại thua “xiểng niểng” trong quân ngũ và cuộc đời – có người bảo vậy. Tôi lại nghĩ khác. Chín đứa con, không đứa nào theo nghiệp võ như bố, nhưng chúng học được khí tiết võ sĩ của bố và trái tim yêu thương của mẹ, lớn phổng thành người tử tế, biết yêu thương. Ba đứa nha sĩ, hàng xóm nói vui: “Bố chúng mày lên đài, làm rớt răng nhiều đối thủ nên chúng mày làm nha sĩ là đúng rồi” (!). Có đứa sang Mỹ vẫn tình nguyện hiến máu như hồi ở Việt Nam, đăng ký hiến tạng nếu đột ngột qua đời.

Các con ông đứa nào cũng hãnh diện về cha mình và sống nếp nhà của bố của mẹ. Ông đã “thắng” vì đáng kính trọng với nếp nhà mình, giữa dòng đời vốn bao giờ chẳng gập ghềnh…


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 6, 26/04/2024