Tại sao mỗi chúng ta cần phải đi ngược lại với xu hướng đề cao lý trí, để có thể tự do bày tỏ những hỉ nộ ái ố của bản thân? Osho cho rằng, các hệ tư tưởng từ cổ chí kim đã dựng nên những hình mẫu đạo đức bó buộc, khiến con người trở thành một ai đó khác với bản ngã của chính mình. Chính quá trình cam chịu và kìm nén này khiến chúng ta thực hành một lối cách sống xa rời bản ngã an lạc nguyên sơ và chịu sự điều khiển hoàn toàn của thế giới vật chất xung quanh.
Osho nhắc lại khởi điểm của chúng ta khi còn là một bào thai hạnh phúc và hồn nhiên trọn vẹn trong bụng mẹ. Ông khẳng định quá trình trưởng thành và hòa nhập với xã hội đã tước đi sự tự do trong tâm trí và chất chồng thêm trách nhiệm lên mỗi cá nhân, khiến chúng ta đánh mất “sự hiện hữu” chân thật của mình. Ta lúc này chỉ còn là một tấm gương phản chiếu những thước đo và kỳ vọng của xã hội. Mà trạng thái kìm nén để đóng tròn vai này, chính là cội nguồn của khổ đau, của những vui cười giả tạo và bão tố trong tâm trí.
Osho khuyến khích bộc lộ, biểu đạt, và chấp nhận cảm xúc để đối diện với những vấn đề cá nhân, hơn là liên tục đè nén và sợ hãi chúng và trở thành một kẻ giả dối với chính mình. Con đường giải thoát, theo Osho không có gì khác hơn là hòa hợp các nguồn năng lượng để chấp nhận cảm xúc, chứ không phải là buộc giữ hay hủy diệt chúng. Ông khuyên cần vận dụng mọi nguồn lực để “biến cơn giận thành lòng trắc ẩn, sử dụng tình dục sao cho nó trở thành tình yêu, biến lòng tham thành sự chia sẻ”.
Osho quan niệm thiền là không lập luận cũng không cảm xúc; nó vượt lên trên, vượt ra khỏi sự phân cực. Nó không xuất phát từ cái đầu, cũng không bắt nguồn từ trái tim. Và nếu phải chọn giữa cái đầu và trái tim, ta nên chọn trái tim, bởi vì tất cả những giá trị cao đẹp của cuộc sống con người đều thuộc về cảm xúc: khóc-cười-vui-đau. Ông cho rằng, thiền định thành công sẽ giúp người tu tập bớt phụ thuộc vào lý trí lẫn cảm xúc, và tìm thấy thực tại nơi ý thức không ngừng phát triển vượt lên cả người chủ - trái tim và kẻ hầu - tâm trí.
“Cảm xúc” là những trang sách vừa vặn cho những ai tò mò, và đang đứng trước cánh cửa của phương pháp thiền định hiện đại do đạo sư, triết gia người Ấn Độ - Osho phát triển trong thập niên 80-90 của thế kỷ trước.
Vị đạo sư uyên bác và hài hước này cũng không quên đưa vào các mẩu chuyện ngụ ngôn, truyện cười dân gian từ khắp các nền văn minh và nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau để hỗ trợ luận giải các quan điểm về thiền định của mình. Các câu hỏi và câu trả lời này cũng là tập hợp những ghi chú giúp người tu tập vượt qua những vướng mắc của tâm trí và cơ thể khi thực hành thiền định theo phương pháp của Osho.
Với “Cảm xúc”, Osho dẫn dắt tín đồ tìm về một trạng thái thiền định năng động: sống, nghĩ, cảm và thở tự do như một bào thai cuộn tròn trong bụng mẹ, một đứa trẻ sơ sinh vừa mở mắt chào đời, một con người hiện hữu trên cuộc đời với cảm tình chân thật và trái tim nguyên sơ. Mà ở đó, không có ẩn ức, đè nén hay ràng buộc xã hội nào buộc con người phải từ bỏ bản ngã hồn nhiên của chính mình.
Với quan niệm “cánh cửa dẫn đến thực tại không nằm trong tâm trí mà nằm ở trái tim”, Osho mong muốn thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về cảm xúc trong cuộc sống đương đại, nơi lý trí được trân trọng và đề cao còn cảm xúc thì bị đẩy lùi, che giấu và thậm chí là chối bỏ.