Lịch sử ghi nhận rõ những tướng lĩnh châu Âu đến chinh phạt châu Á và sau đó lại say mê nền minh triết xứ này đến nỗi quên cả mục đích chính ban đầu. Điển hình là Alexander Đại đế xứ Hy Lạp, vị hoàng đế bách chiến bách thắng đã chinh phục thế giới, dẹp tan Ai Cập, quét sạch Ba Tư, mở rộng bờ cõi đến tận Ấn Độ Dương. Khi đến Ấn Độ, ông là một kẻ chinh phục, oai danh lừng lẫy nhưng khi trở về nước, ông đã trở nên một triết gia khiêm tốn, nhã nhặn.
Hoàng đế Alexander, học trò của hiền triết Aristotle đã bị các bậc hiền giả xứ Ấn chinh phục. Khi dẹp tan các đạo binh của hoàng đế Ấn Độ, Alexander cho mang tất cả những tướng chỉ huy xứ Ấn lúc bấy giờ đến hạch hỏi. Ông vua kiêu căng lớn tiếng: “Thua trận như vậy, các người đã chịu phục ta chưa?”.
Nếu là trường hợp các quốc gia khác, thì vua chúa đều quỳ mọp xin tha tội, và xin thần phục trước sức mạnh của Hy Lạp. Thế nhưng nhà chỉ huy xứ Ấn đã dõng dạc trả lời: “Nhà ngươi chỉ là một kẻ vũ phu tàn ác, làm sao ta phục cho được. Người có thể thắng bằng quân sự, nhưng cai trị thế nào nổi dân của chúng ta ?”.
Alexander nổi giận: “Ta đã cai trị toàn thế giới, có nước nào không phục tài ta, nơi nào làm phản, ta giết trọn cả nước. Ngươi không thấy các đại cường quốc như Ai Cập, Ba Tư còn xin thần phục huống chi Ấn Độ yếu đuối các ngươi ?”
Vị chỉ huy xứ Ấn bật cười: “Chinh phục bằng sức mạnh quân sự thì dễ, chứ chinh phục nhân tâm còn khó gấp trăm ngàn lần. Một kẻ vũ phu như ngươi, làm sao có thể cai trị được Ấn Độ anh minh ?”.
Câu nói bất ngờ làm Alexander Đại đế giật mình. Nên nhớ, ông là một hoàng đế văn võ toàn tài, chứ không phải chỉ là một kẻ chỉ ỷ vào sức mạnh. Từ nhỏ, ông đã được giáo dục bởi các bậc hiền triết Hy Lạp và năm 14 tuổi, ông đã đem quân chinh phạt khắp Địa Trung Hải, tạo các chiến công hiển hách. Ông theo học với triết gia Aristotle và lúc nào cũng có vài chục hiền giả chung quanh để thảo luận. Câu nói của vị tướng lãnh chỉ huy xứ Ấn làm ông suy nghĩ.
Thay vì ra lệnh giết ngay viên tướng này để làm gương, ông đã không giận dữ, lại còn mang ngay đề tài chinh phục nhân tâm ra thảo luận với y. Trong suốt lịch sử châu Âu, chỉ có Alexander là hoàng đế duy nhất đã tranh luận ôn tồn cho đến khi những người vốn là kẻ thù kính phục mới thôi.
Chi tiết các cuộc thảo luận quan trọng này ra sao không tìm được lịch sử ghi chép rõ ràng, nhưng chỉ ít lâu sau, Alexander Đại đế đã cho mời các bậc hiền triết xứ Ấn đến thảo luận với các học giả Hy Lạp vẫn luôn cùng tháp tùng theo đoàn viễn chinh. Chỉ một thời gian ngắn, Alexander nhận thấy các triết gia Hy Lạp không thể sánh kịp với các hiền giả hiểu biết sâu sắc Ấn Độ. Nhà vua bèn đổi thái độ, lấy lễ nghĩa đối xử kính trọng với các vị này.
Thay vì cai trị bằng quyền lực, sức mạnh như vẫn làm với các quốc gia khác, ông ghi nhận những lời khuyên chân tình của các bậc hiền triết, tìm hiểu tôn trọng quyền lợi, những mong muốn dân chúng xứ sở này.
Đoàn quân viễn chinh ngừng lại, không đi sâu vào nội địa xứ Ấn, để ông có thời gian học hỏi, đàm đạo với các bậc thánh nhân, hiền triết. Các cuộc thảo luận nhiều khi kéo dài đến cả tuần lễ, có khi cả tháng. Sau đó, ông đã ra lệnh rút binh trở về Hy Lạp, vì giấc mộng bá vương không còn nữa. Ông dự định sẽ cải tổ lại guồng máy cai trị thế giới theo gương Ấn Độ.
Tiếc thay, nhà vua lại mất sớm. Một sử gia đã than: “Nếu Alexander sống lâu thêm nhiều năm nữa, thì chắn chắn lịch sử văn minh phương Tây ắt đã rất khác hơn rồi”.