'Vượt bẫy cảm xúc' - Nhiều bạn trẻ ngày nay mất khả năng diễn đạt cảm xúc

Nguyễn Phương18/09/2022 08:00
'Vượt bẫy cảm xúc' - Nhiều bạn trẻ ngày nay mất khả năng diễn đạt cảm xúc

Hội chứng mất khả năng diễn đạt cảm xúc (Alexithymia) hiểu theo nghĩa đen là “không có vốn từ để diễn tả tâm trạng”.

Khó khăn trong việc truyền đạt cảm giác

Những người này phải dựa vào những miêu tả chung chung đơn giản như “Tôi cảm thấy căng thẳng”, họ luôn “ổn” hoặc “không tốt lắm”. Ngôn từ có sức mạnh vô cùng lớn. Một từ bị dùng sai có thể khiến chiến tranh bùng nổ, chưa kể vô số cuộc hôn nhân tan vỡ.

Có sự khác nhau một trời một vực giữa “căng thẳng” và “tức giận”, “căng thẳng” và “thất vọng”, hoặc “căng thẳng” và “bất an”. Nếu không thể định danh chính xác những gì mình đang cảm nhận, chúng ta sẽ khó truyền đạt cho người khác hiểu ta cần được hỗ trợ thế nào.

Hậu quả của chứng bệnh này cũng có ảnh hưởng rất rõ ràng

Tình trạng khó định danh cảm xúc thường đi kèm với sức khỏe tâm thần kém, sự không hài lòng trong công việc và trong các mối quan hệ, cũng như nhiều chứng bệnh khác. Những người gặp tình trạng này cũng thường mắc các triệu chứng về thể chất như nhức đầu và đau lưng, như thể cảm xúc của họ đang được thể hiện trên phương diện thể chất thay vì lời nói.

Một sự thật khác là khi người ta không thể diễn tả rõ cảm xúc của mình bằng ngôn từ, cảm xúc duy nhất có thể bật ra một cách rõ ràng chính là tức giận, và không may là người ta thường thể hiện sự tức giận này bằng nắm đấm, hoặc có khi còn tệ hơn.

Học cách miêu tả cảm xúc bằng vốn từ vựng phong phú hơn

Đây chính là phương pháp chắc chắn có thể mang lại sự thay đổi lớn.

Những người có thể xác định đầy đủ các cung bậc cảm xúc – ví dụ như nhận biết cũng như cảm nhận được sự khác nhau giữa nỗi buồn với sự nhàm chán, đáng thương, cô đơn hay lo lắng – sẽ ứng phó tốt hơn rất nhiều với những thăng trầm trong cuộc sống so với những người chỉ nhìn mọi thứ qua lăng kính trắng đen đơn điệu.

Tầm quan trọng của việc định danh chính xác những cảm xúc của mình còn thể hiện ở chỗ một khi chúng ta có thể gọi tên cảm xúc thì chúng có thể mang lại cho ta nhiều thông tin hữu ích. Cảm xúc có thể báo hiệu cho ta biết đâu là phần thưởng và đâu là mối đe dọa.

Chúng giúp ta nhận ra nỗi đau của bản thân mình, cũng có thể cho chúng ta biết nên tham gia vào tình huống nào và cần tránh can dự chuyện gì. Lúc này, cảm xúc không phải là rào cản mà có thể là ngọn hải đăng dẫn đường, giúp chúng ta xác định đúng những gì mình quan tâm nhất và thúc đẩy ta tạo ra những thay đổi tích cực.

Thay vì nói "em không thể chịu nổi anh nữa, anh là đồ xấu xa", thay vì tấn công vào đối phương thì bạn hãy thử chia sẻ rõ hơn những gì mình đang cảm thấy "em cảm thấy tổn thương và cảm thấy không được tôn trọng, khi anh làm như vậy, anh cho cảm cảm giác mình không có giá trị, và em bắt đầu tự ti về chính mình, em không thích như vậy"...

Cảm xúc biến thiên như đồ thị hình sin, bạn chỉ giải quyết được nếu bạn định danh đúng cảm xúc là gì nghĩa là bạn gọi đúng tên cảm xúc đó.

Cảm xúc là thứ mà chúng ta không thể hiểu được tại sao có nhiều biểu hiện và nhiều cấp độ đến như vậy, nhiều khi chúng ta như bị mắc vào cái bẫy cảm xúc mà rất khó để thoát ra, vì vậy khi bạn càng gọi tên cảm xúc ấy một cách rõ ràng thì bạn càng làm chủ nó.

Chắc cũng đã đến lúc, chúng ta cần áp dụng một vài phương pháp từ cuốn sách “Vượt bẫy cảm xúc” của Susan David – nhà tâm lý học hàng đầu thế giới chuyên nghiên cứu về cảm xúc.

Vượt bẫy cảm xúc” (tựa gốc: “Emotional Agility”) - theo định nghĩa của tác giả cuốn sách Susan David - chuyên gia tâm lý đến từ Khoa Y của Đại học Harvard - từ này còn hiểu là “Linh hoạt cảm xúc”, nó không có nghĩa là chỉ nhìn nhận những mặt tích cực và phủ nhận mặt tiêu cực của cảm xúc, mà “Linh hoạt trong cảm xúc nghĩa là thả lỏng, bình tĩnh và sống có ý thức hơn”.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 6, 17/01/2025