“- Khi ta chết đi, quan tài của ta phải mở ra hai bên để hai cánh tay ta có thể dang rộng ra ngoài - vì khi sinh ra ta chẳng hề có gì và khi ta chết cũng phải ra đi với hai bàn tay trắng đó mà thôi”.
… Hôm sau, Alexander Đại Đế cho gọi tôi vào để bàn về việc đúc tiền tại Babylon. Tôi ngạc nhiên vì ngài không cho gọi tôi vào điện mà lại cho mời đến vườn hậu viện. Tôi thấy Alexander vẻ mặt suy tư. Nhìn thấy tôi, ngài không nói gì mà chỉ ra hiệu bảo tôi đi cùng. Chúng tôi yên lặng dạo quanh khu vườn. Bất chợt nhà vua nói:
- Kyros, trước đây ta muốn Hy Lạp phải là một quốc gia hùng cường, chạy dài đến tận cùng của thế giới. Hy Lạp phải vĩ đại hơn Ai Cập, phải mạnh mẽ hơn Assyria và Babylon và phải rộng lớn hơn Ba Tư. Ta đã có một kế hoạch vĩ đại cho vương quốc vĩ đại của ta. Nhưng nay, sau khi tấn công và ta đến khám phá Ấn Độ, mọi việc đã chuyển biến rất khác.
Tôi im lặng, đợi nhà vua nói tiếp. Alexander trầm ngâm:
- Ta không ngờ thế giới này bao la, rộng lớn hơn ta nghĩ rất nhiều. Và trên đời lại còn có những thứ còn quý báu hơn cả của cải, vàng bạc châu báu, đất đai nữa. Qua hành trình ý nghĩa đến Ấn Độ, ta đã học được những kiến thức mới lạ, khác hẳn những điều ta học từ Aristotle. Từ trước đến nay, ta vẫn tin văn minh của Hy Lạp là cao siêu nhất nhưng giờ ta đã thấy rõ sự thiếu sót của các bậc thầy ở xứ mình. Người thông thái như Timotheus cũng công nhận như thế. Chúng ta chỉ biết chú trọng vào các sự kiện bên ngoài nhưng không biết gì về những việc xảy ra bên trong. Chúng ta biết về thân xác con người nhưng không biết gì về tâm thức con người. Chúng ta biết về thế giới này nhưng không biết gì về các thế giới khác. Chúng ta biết về thần linh nhưng không biết gì về các định luật vũ trụ. Còn biết bao nhiêu thứ nữa mà chúng ta cần phải học…
Alexander im lặng một lúc rồi nói tiếp:
- Ta đã học được rằng kiến thức, học vấn khác hẳn với minh triết. Người học nhiều bằng cấp, có kiến thức nhiều không hẳn đã tài giỏi uyên bác thông thái hơn người. Người càng ỷ lại, cho rằng mình học nhiều thì càng bám chặt lấy các ý tưởng giới hạn của mình và thường tỏ ra thiếu khoan dung, đồng cảm với suy nghĩ của người khác. Người giỏi lý luận thường thích tranh luận, cãi vã, bất đồng ý kiến với người khác theo suy nghĩ hơn là biết lắng nghe, khám phá và cảm thông. Đó chính là thiếu sót lớn của nền văn minh xứ ta.
Với kiến thức đúng đắn và lý luận rõ ràng, ta có thể cai trị dân chúng dễ dàng. Ta cũng có thể sử dụng khả năng biện luận hay tài hùng biện để kêu gọi mọi người đi theo quan niệm hay mục đích của ta. Nhưng việc này chỉ thuyết phục, lôi cuốn mọi người được một lúc mà thôi. Sau đó, nếu mọi chuyện diễn ra khác với những lời hứa thì mọi thứ sẽ tan như bọt nước, ta chẳng thể thay đổi hay mang lại kết quả gì.
Vì kiến thức chỉ là sản phẩm của trí óc, nên bắt mọi người phải tuân theo một lý lẽ nào đó chỉ là sự áp chế nhất thời, rồi sẽ tạo phản ứng khiến họ sợ hãi bối rối thêm chứ không soi sáng gì cho họ được. Kiến thức giúp ta tranh luận và thuyết phục bằng những lý lẽ xác đáng nhưng sẽ không thực sự cảm hóa được người khác, vì nó không thật sự thu phục được nhân tâm, không xâm nhập vào tâm hồn con người được. Chỉ có những gì đi từ trái tim mới đến được trái tim người khác.
Alexander hôm nay tôi gặp có cái gì đó rất khác với vị Hoàng đế Nam chinh Bắc phạt mà tôi từng biết. Ngài nhìn tôi một cách lạ lùng rồi nói tiếp:
- Kyros, minh triết là điều khó giải thích vì nó xuất phát từ sự uyên thâm và tế nhị nằm sâu trong tâm thức, trong khi kiến thức là sự thu nhặt các sự việc, sự kiện, so sánh và sắp đặt chúng theo một lý luận hay trật tự nào đó. Để cai trị quốc gia hữu hiệu, một hoàng đế có tài là chưa đủ, mà còn phải biết sử dụng tài năng đó một cách sáng suốt và minh triết. Ta không thể cai trị chỉ với những kiến thức đã được thu góp từ xa xưa mà còn phải biết sử dụng sự minh triết để nền văn minh xứ sở chúng ta được trường tồn.
Khi xưa, ta mơ nhìn Hy Lạp sẽ như mảnh đất chạy dài đến tận cùng thế giới nhưng nay ta đã biết phóng tầm mắt lên bầu trời bao la, và mong Hy Lạp sẽ trở thành trung tâm của sự hiểu biết và được điều hành theo những định luật vũ trụ. Do đó, ta muốn thay đổi Hy Lạp với những tư tưởng mới mẻ này, xây dựng một xã hội khác khi xưa. Từ khi về đây, ta đã cho gọi các học giả, các hiền triết Hy Lạp và Ba Tư đến để tham khảo, đối chiếu với những điều mà các hiền triết Ấn Độ đã nói về các quy luật vũ trụ. Tiếc rằng hai người ta tin tưởng là Timotheus và Hephaestion đã không còn nữa. Ngươi là bạn thân Timotheus, ta cũng muốn nghe ý kiến của ngươi…
*****
Điều không ai có thể ngờ được là sau buổi hôm đó, Alexander đột nhiên lâm trọng bệnh. Thật khó tin, mới một vài tháng trước thôi ngài vẫn là vị Hoàng đế khỏe mạnh, dũng mãnh, oai phong, khiến mọi đối thủ phải khiếp sợ, nay lại bất ngờ gục ngã trên giường bệnh. Các y sĩ giỏi nhất từ khắp nơi được mời đến nhưng tất cả đều bó tay. Alexander nằm đó quằn quại đau đớn suốt mấy ngày đêm nhưng không một ai biết ngài bị chứng bệnh gì. Cơn đau dữ dội của ngài rất bất thường và nội bộ triều đình bắt đầu có những lời bàn tán rằng có vẻ như Đại đế đã bị đầu độc.
Tôi và các tướng lĩnh ngày đêm túc trực bên giường bệnh nhưng bệnh tình Alexander ngày một nguy kịch. Trước việc quá bất ngờ này, dù rất đau buồn nhưng Hoàng hậu Roxana vẫn cố gắng bình tĩnh để hỏi nhà vua muốn tổ chức tang lễ như thế nào. Alexander trìu mến nhìn người phụ nữ mà ông yêu thương nhất và khẽ nói:
- Khi ta chết, quan tài của ta phải do những y sĩ giỏi nhất khiêng đi - vì y thuật không thể chiến thắng cái chết. Vàng bạc trong kho phải mang lót trên đường khi di quan từ nội cung ra triều đình - vì khi chết không ai mang bất cứ của cải gì theo được. Khi ta chết đi, quan tài của ta phải để mở rộng hai bên để hai cánh tay ta có thể dang ra ngoài - vì khi sinh ra ta chẳng có gì và khi ta chết cũng ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.
Tất cả triều thần đều sửng sốt với di lệnh này của Đại đế Alexander, người bất bại trong mọi cuộc chinh phạt. Đây là một Hoàng đế rất khác với hình dung quen thuộc của mọi người. Đây là cách mà Vua của Á Châu, chiến binh vĩ đại nhất lịch sử ra đi sao ? Chỉ có Roxana, người luôn túc trực bên giường bệnh với đôi mắt đong đầy thương yêu, là người duy nhất thấu hiểu sâu sắc tâm tình của vị Hoàng đế và khiến ngài yên tâm rằng di ngôn của ngài sẽ được thực hiện.
Hôm sau, Alexander nằm im, hơi thở ngài đã yếu dần. Người chỉ huy lúc đó là Perdicas kính cẩn ghé lại gần giường và hỏi:
- Xin hoàng đế ban chỉ thị, ai sẽ là người thay ngài cai trị xứ này?
Hoàng đế Alexander thở dốc, im lặng khá lâu và sau cùng chỉ nói một câu ngắn bằng một thứ ngôn ngữ lạ lùng rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng . Lúc đó, mọi người đều hỏi: “Hoàng đế nói câu gì sau cùng vậy ?”, Perdicas không hiểu câu Alexander nói nên đành trả lời: “Hãy trao quyền cho người nào xứng đáng nhất”.
Mãi về sau này, khi tu tập ở Ấn Độ một thời gian, tôi mới hiểu câu nói của Alexander là: “Sinh, Lão, Bệnh, Tử - Thành, Trụ, Hoại, Diệt”.
Có lẽ vào lúc cuối cùng, Alexander Đại Đế đã hiểu ra bất kỳ ai khi chết đi đều sẽ mang theo công tội nghiệp quả cho những việc đã làm. Những cuộc chinh phạt triền miên trước đó do Alexander quá khát vọng đã gây ra cái chết của biết bao sinh mạng con người.
GS John Vu - Nguyên Phong