Bạn không có một con người thật, bạn đa chân tính
Bạn có muốn né tránh câu hỏi này như tôi đã làm khi đối mặt với Sarbin hay không? Tôi hy vọng là không, bởi vì khi được thêm vào hai từ “thật sự”, ý nghĩa của câu hỏi này trở nên sâu sắc hơn nhiều và đòi hỏi bạn phải nghiêm túc tự suy xét bản thân. Bạn đang được yêu cầu tìm kiếm giữa các đặc điểm nhận dạng khác nhau mà mình sở hữu và khẳng định một bản sắc gần với sự thật nhất, hoặc đưa ra một mô tả chính xác nhất về con người cốt lõi của bạn. Và quan trọng hơn, câu hỏi này ngụ ý rằng có tồn tại một con người chân thực của bạn - chân tính của bạn - và bạn nên tìm kiếm nó.
Có lẽ lời khuyên mà chúng tôi thường đưa ra nhất cho những người đang phân vân trước một quyết định khó khăn là “Hãy cứ là chính mình”. Nhưng xét theo nhiều khía cạnh khác nhau, lời khuyên này không đặc biệt hữu ích, một phần vì nó mơ hồ, và một phần, dù có vẻ khó tin, là vì nó không thật sự mang lại lợi ích cao nhất cho người nghe.
Trước khi chúng ta tiếp tục và phân tích những điểm chưa hợp lý của các quan điểm truyền thống về chân tính, hãy cùng xem các quan điểm này đang thống trị các cuộc thảo luận trong xã hội đương đại như thế nào. Chân tính đã trở thành đề tài nóng hổi trong các phòng họp lãnh đạo và trường dạy kỹ năng quản lý trên toàn cầu, khi mà “khả năng lãnh đạo dựa trên chân tính” trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trong nhiều hội thảo và khóa học của các công ty.
Sự phổ biến này có lý do rất rõ ràng: cuộc khủng hoảng tài chính và các vụ bê bối đạo đức trong thập niên qua đã thúc đẩy người ta đưa ra những tiêu chuẩn mới cho một nhà lãnh đạo tài giỏi, đó là trung thực và minh bạch. Các nhà lãnh đạo cần truyền đạt thông tin rõ ràng và không giả tạo. Họ phải thành thật và không được chơi trò mánh khóe. Họ cần phải chân thực.
Nếu sống đúng chân tính có nghĩa là thành thật và ngay thẳng thì chắc chắn đây cũng là điều bạn nên hướng đến đúng không? Nhưng chuyện không đơn giản như thế.
Tôi tin rằng hành trình tìm kiếm chân tính đã bị định hướng sai theo một cách nào đó, vì thật ra, bạn không có một con người thật. Trên thực tế, bạn có thể có đa chân tính. Trong thời đại mà người ta quá chú trọng ý tưởng về một con người thật, đa chân tính có thể là một khái niệm phức tạp và gây tranh cãi, nhưng có nhiều hơn một chân tính không có nghĩa là chúng ta thiếu chiếc la bàn đạo đức, thiếu trung thực hay thậm chí là có mâu thuẫn nội tâm. Đa chân tính chỉ đơn giản là một con người thành thật có thể khác nhau tại những thời điểm khác nhau, và con người thật sự của bạn có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh.
Sự chân thật không phải là liều thuốc chữa bách bệnh
Dù sự cởi mở và minh bạch có thể là phương tiện kết nối cực kỳ hiệu quả giữa chúng ta và những người khác, sự chân thật không phải là liều thuốc chữa bách bệnh. Herminia Ibarra, một giáo sư chuyên ngành kinh doanh ở Pháp, đã viết một bài phân tích sâu sắc và khơi gợi nhiều tranh luận về lý do tính chân thật trong nghệ thuật lãnh đạo có thể không tuyệt đối tốt đẹp như nhiều tổ chức hằng tin tưởng. Bà lập luận rằng việc bộc lộ hoàn toàn bản thân, bao gồm tất cả ưu và khuyết điểm, có thể khiến năng lực lãnh đạo của chúng ta bị suy giảm chứ không phải được củng cố.
Bà đưa ra ví dụ về Cynthia, một tổng giám đốc làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và vừa được thăng chức. Khi Cynthia đảm nhiệm vị trí mới này, phạm vi và mức độ phức tạp của các trách nhiệm mà cô gánh vác tăng lên rất nhiều. Đây là một thử thách dễ làm người ta nản lòng thoái chí, và lẽ ra Cynthia có thể chỉ đơn giản tôi luyện bản thân để từ từ thích ứng với yêu cầu của công việc và giả vờ tự tin cho đến khi cô thật sự tự tin. Nhưng thay vào đó, cô đã chọn sự thành thật 100%.
Cô tin vào lợi ích của tinh thần lãnh đạo minh bạch và hợp tác. Ibarra kể lại: “Vì vậy, Cynthia thành thật chia sẻ với các nhân viên mới của mình rằng ‘Tôi muốn làm tốt công việc này nhưng nó thật đáng sợ và tôi cần sự giúp đỡ của mọi người’. Sự ngay thẳng của cô đã phản tác dụng; cô bị mất uy tín với nhân viên, những người đang muốn và cần một nhà lãnh đạo tự tin”.
Trường hợp của Cynthia là một ví dụ đáng chú ý về nét tính cách tự do. Cô ấy thể hiện khuynh hướng lo âu vốn có của mình, với suy nghĩ rằng điều này có thể giúp người khác thấy cô là người thành thật. Thật không may, thay vào đó cô đã bị cho là yếu đuối.
Nếu Cynthia cố gắng ra vẻ điềm tĩnh thì sao? Nếu phát huy nét tính cách tự do để giả vờ điềm tĩnh, cô có thể nhận được sự tin tưởng và cam kết của nhân viên. Lẽ ra cô đã có thể nâng tầm công trình cá nhân cốt lõi của mình vì công ty. Bằng cách thực hành các thói quen và cách ứng xử điềm tĩnh, cô có thể thật sự trở nên điềm tĩnh hơn khi được khích lệ bởi lòng tin của đồng nghiệp vào năng lực lãnh đạo của cô.
Tôi biết thoạt nghe thì cách “giả mãi thành thật” này có thể bị xem là thiếu trung thực trong mắt một số người. Nhưng tôi tin rằng việc thay đổi cách hành xử đặc trưng của bạn để phù hợp với các tình huống khác nhau hoàn toàn không phải là giả dối hay đi ngược lại chân tính. Lý do là vì người ta mặc định rằng mọi hành vi không đồng bộ với cảm xúc nội tại đều là giả dối, do đó mới có lời kêu gọi “hãy luôn làm con người thật của mình”. Nhìn từ góc độ này, những nét tính cách tự do đều là sự lừa dối. Nhưng tôi mong bạn hãy xem xét lại mặc định đó. Khi tự hạn chế bản thân trong chỉ một khuôn mẫu, bạn đang chặn đứng khả năng đưa bản thân trở thành một điều gì đó to lớn hơn.