Cảm xúc Osho - Cảm xúc không sai, chỉ là chúng ta đang hiểu sai về cảm xúc

Nguyễn Phương20/09/2022 16:36
Cảm xúc Osho - Cảm xúc không sai, chỉ là chúng ta đang hiểu sai về cảm xúc

Bài viết này không chỉ bạn cách sống hạnh phúc hơn, bài viết này chỉ nhắc lại những gì bạn vốn có là chính mình!

“Cảm xúc không thể bất biến. Đó là lý do “cảm xúc” được gọi là “emotion” trong tiếng Anh - “emotion” bắt nguồn từ “motion”, nghĩa là sự chuyển động. Chúng chuyển động; do đó chúng là “cảm xúc”. Cảm xúc của bạn liên tục thay đổi.”- trích Cảm xúc-Osho.

Có thể nói, đây là một cách lý giải đầy mới lạ, nhưng hợp lý. Cuộc sống của chúng ta được vây quanh bởi cảm xúc, được tạo nên bởi rất nhiều cảm xúc, và chúng liên tục thay đổi, liên tục chuyển động, chỉ là chúng ta quá dễ dàng chìm đắm trong chúng, quá trói buộc bản thân với chúng, nên trong vô thức, chúng ta đánh đồng bản thân với chúng phụ thuộc và mắc kẹt trong mọi cảm xúc. Và lẽ dĩ nhiên, chúng ta bắt đầu đau khổ, mệt mỏi, tuyệt vọng… kết quả là chúng ta hoặc trở thành nô lệ hoặc trốn chạy cảm xúc của mình.

Nhưng cả hai đều không phải là giải pháp tối ưu.

Tại sao ư?

Cảm xúc luôn thay đổi, đừng đồng hóa bản thân với cảm xúc. Hãy tận hưởng nó.

Bạn có phải là một người thích phiêu lưu? Bạn có sẵn sàng trao gửi cuộc sống và bản thân mình cho một người luôn thay đổi, sáng nắng chiều mưa, họ có thể vừa nói sẽ yêu thương bạn suốt đời, vài phút sau lại nổi giận trách móc bạn, hôm nay họ ở bên cạnh bạn, ngày mai lại tìm niềm vui nơi khác? Bạn sẽ gọi họ là gì nhỉ?

Một kẻ tệ bạc, dối trá, phản bội, trừ phi bạn mất trí, bằng không, bạn sẽ ngay lập tức nói chia tay với họ. Nếu bạn cũng đồng tình với hành động trên, vậy sao cảm xúc cũng là một người “người tình” đầy biến động như vậy, bạn vẫn nhất định bám chặt lấy họ?

“Khoảnh khắc này bạn buồn, khoảnh khắc kia bạn vui; bây giờ bạn tức giận, lát sau bạn đầy lòng trắc ẩn. Lúc này bạn cảm thấy yêu thương, lúc khác bạn lại chìm trong thù hận; buổi sáng bạn thấy vui tươi, buổi tối bạn thấy ảm đạm. Và cứ như vậy. Đây không thể nào là bản chất của bạn, bởi đằng sau những thay đổi này cần có một thứ gì đó giống như sợi chỉ đỏ kết nối tất cả lại với nhau.”

Thật vậy, mỗi ngày bạn đều trải qua hàng trăm cung bậc cảm xúc, chúng như những bông hoa trên một vòng hoa lớn, bạn nhìn thấy bông hoa chứ không thấy được sợi dây gắn kết chúng, nếu không có sợi dây gắn kết bất biến này, những bông hoa cảm xúc của bạn sẽ nhanh chóng rơi rụng, tan vỡ.

Vậy thì bạn phải làm gì để tách mình ra khỏi muôn vàn cảm xúc ấy, để tìm thấy bản thể bất biến của mình.

Cảm xúc là những bông hoa thật đẹp, nhưng bạn chỉ nên ngắm nhìn chúng, tận hưởng chúng, đừng nghĩ mình là những bông hoa kia!

Hãy để Osho giúp bạn trả lời câu hỏi này.

Không có cảm xúc tốt-xấu. Cảm xúc chính là hai khía cạnh của một hiện tượng.

Nếu đã ví những cảm xúc như những bông hoa, vậy thì làm sao để so sánh vẻ đẹp giữa hoa hồng, hoa sen, hoa hướng dương hay bất kỳ loại hoa nào khác. Mọi loài hoa đều có vẻ đẹp riêng, có hương thơm riêng, cảm xúc cũng vậy. Hạnh phúc, buồn bã, tức giận, lo lắng, đau khổ, an vui, sợ hãi… chúng có thể đối ngược nhau, chúng có thể tạo ra trạng thái tích cực-tiêu cực khác nhau, nhưng chúng không có tốt-xấu.

Bạn dựa vào đâu để nói rằng cảm xúc hạnh phúc vui vẻ là tốt, cảm xúc đau khổ tức giận là xấu?

Nếu không có đau khổ, bạn lấy gì để biết mình đang hạnh phúc, nếu không có giận giữ, làm sao biết mình vui vẻ.

Mọi hiện tượng trên cuộc sống này luôn tồn tại với hai mặt đối lập, có ngày mới có đêm, có cao mới có thấp, có trước mới có sau, có xuất hiện cùng với không và ngay cả cảm xúc cũng không thể nằm ngoài quy luật này.

Mọi cảm xúc chúng ta có chính là tự nhiên, chúng được sinh ra như cây cối, mây gió, như chính sự tồn tại của bạn vậy, chúng không phân biệt tốt xấu, chỉ có tâm trí và định kiến của chúng ta phân loại và gán mác cho chúng.

Chúng ta muốn được chiều chuộng, chúng ta muốn được vuốt ve, muốn được tung hô, nên cái gì làm chúng ta thoải mái chúng ta cho nó là tốt, cái gì khiến chúng ta khó chịu chúng ta coi là xấu.

Bản thân bạn có thể luôn làm điều tốt được không? Và là sao để biết đâu là việc tốt, đâu là việc xấu? Vậy hà cớ gì bạn bắt cảm xúc phải mãi “tốt” với bạn, bạn nghĩ ai có thể sống mãi trong tích cực, trong niềm vui bất tận, một người mà không bao giờ buồn khổ giận giữ?

Hãy chấp nhận chúng- mọi cảm xúc của bạn một cách trọn vẹn nhất, và bạn sẽ tìm thấy được vẻ đẹp của từng bông hoa, bạn sẽ có một vườn hoa, cuộc đời của bạn sẽ nở hoa!

“Đừng nói thực tại đó tốt, đừng nói thực tại đó xấu. Khi bạn nói điều gì đó là tốt, sự quyến luyến nảy sinh, sự hấp dẫn nảy sinh. Khi bạn nói điều gì đó là xấu, sự chán ghét nảy sinh. Nỗi sợ là nỗi sợ, không tốt cũng chẳng xấu. Đừng đánh giá, hãy cứ tiếp nhận nó đúng như nó vốn là. Hãy cứ để nỗi sợ là nỗi sợ.”

Cảm xúc, dù tích cực hay tiêu cực, đều không thể kìm nén.

Bởi vì tâm trí chúng ta không ngừng phân loại, đánh giá, phân tích, quy chụp, nên với những cảm xúc mà bị cho là “xấu” thường sẽ bị tìm cách đè nén, kiểm soát và loại bỏ nhiều hơn. Ví như sự tức giận, ghen tức, đau khổ, lo lắng… Thậm chí, trong một vài trường hợp nhất định, con người ta được dạy phải kìm nén cả nỗi vui của bản thân.

Bạn có thấy tất cả những điều trên đều đang trái với tự nhiên không?

“Chúng ta đã được dạy phải kìm nén cảm xúc của mình, chúng ta đã được dạy không được nhạy cảm. Chúng ta đã được dạy rằng cảm xúc không mang lại lợi ích. Hãy thực tế, hãy cứng rắn. Đừng mềm lòng, đừng yếu đuối, nếu không bạn sẽ bị lợi dụng. Hãy cứng rắn lên! Người ta không cho phép cảm xúc được bộc lộ; mọi cảm xúc đều bị kìm nén. Người coi trọng cảm xúc bị cho là yếu đuối; người nương theo cảm xúc bị nhìn nhận là có tâm tính trẻ con, chưa trưởng thành.”

Đây là cái cách mà chúng ta đang vận hành cuộc sống của mình, dồn nén, kiểm soát, chối bỏ, chạy trốn, lừa gạt lẫn nhau cũng như chính bản thân mình… chúng ta đang tự biến mình thành một quả bom, và sớm hay muộn, bạn sẽ phát nổ. Đây là cơ chế hoạt động của hầu hết các vụ sát hại có chủ đích.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn có thể vô trách nhiệm và vô thức, bạn bung xả nó ra ồ ạt và va đập đến những người xung quanh, bạn có một con đường khôn ngoan hơn, tinh tế hơn, quay lại bài toán cũ: bạn không cần làm gì cả, đừng phản ứng hay phóng đại mọi cảm xúc tìm đến mình, tách mình ra khỏi cảm xúc, quan sát và tận hưởng nó như bạn đang xem một vở kịch hay trong nội tâm vậy.

Nước mắt không chỉ dành cho phụ nữ, mạnh mẽ không phải đặc quyền của đàn ông.

Cả phụ nữ và đàn ông cùng được sinh ra với tuyến lệ và não bộ, nếu tuyến lệ không dành cho đàn ông, hẳn nó đã biến mất từ lâu trong quá trình tiến hóa, và não bộ với phụ nữ cũng vậy. Song hành với những giáo điều về kìm nén, chúng ta còn đang ngày ngày sống dưới áp lực giới tính. Có thể phụ nữ là đại diện cho tình cảm, cho sự nhẹ nhàng, và đàn ông mang trên mình nhiều lý trí, sức mạnh, nhưng không có nghĩa là người này phải trốn tránh điểm mạnh của người kia. Và cũng có một sự thật không thể chối cãi là: nếu bạn quá tập trung phát triển tối đa một năng lực nào đó, đồng nghĩa với việc những phẩm chất khác sẽ suy yếu đi, mà ở đây chính là tình yêu thương. Bạn có nghĩ một người đàn ông luôn cứng rắn, lý trí hoặc một người phụ luôn yếu mềm, mong manh và xúc cảm là một hình mẫu lý tưởng.

Người đàn ông không bao giờ rơi nước mắt sẽ không thể yêu thương bạn đúng cách, người phụ nữ không thể nói lý lẽ sớm muộn sẽ khiến bạn đau khổ.

Chìa khóa ở đây chính là sự cân bằng, hài hòa

Hãy để cho tất cả những cảm xúc của bạn phát triển một cách tự nhiên nhất, hãy coi chúng là những người bạn tốt, yêu thương chúng, chấp nhận chúng, hòa hợp với chúng. Mắc kẹt trong lý trí hay tình cảm đều không phải một ý hay, cảm xúc luôn tồn tại, nhưng đừng quên ta còn ý thức.

Còn rất nhiều những “nhầm lẫn” tai hại nữa về cảm xúc khác mà chúng ta luôn mắc phải, trên đây chỉ là một vài ví dụ điển hình. Hẹn bạn với nhiều câu chuyện thú vị hơn trong cuốn sách “Cảm xúc” của Osho nha!


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 05/11/2024