Tại sao ư?
Hẳn nhiên, dường như ai trong chúng ta cũng đã từng được nghe vài câu đạo lý làm người như: “Tức giận là bản năng, kiềm chế mới là bản lĩnh, hay là kìm nén cơn giận mới là bản lĩnh!”. Hay là các bài cẩm nang về việc kìm nén sự giận dữ, làm sao để con giận mau qua…
Vâng, và cứ thế, chúng ta nghiễm nhiên biến chúng thành kim chỉ nam của cuộc đời mình, chúng ta thấy sự giận dữ trong cơ thể là một điều xấu xí, thậm chí là thật đáng xấu hổ, và chúng ta bắt đầu kìm nén, bắt đầu trốn chạy khỏi những cơn giận dữ của chính mình, sợ hãi trước cơn giận dữ của người khác.
Và rồi chúng ta nhận lại được gì? Một xã hội hàng tỉ dân lúc nào cũng căng phồng lên như những quả bom chờ chực giây phút phát nổ, chúng ta có hàng trăm hàng ngàn sự giận dữ trong mình, nó vẫn ở đó, trong trái tim bạn, trong tâm trí bạn, dồn nén, tích tụ lại, ngày một nhiều.
Bởi vì sao? Vì khi bạn kìm nén, bạn cố gắng chôn vùi hay lảng tránh nó, cơn giận không hề biến mất, nó chỉ tạm lánh mặt sang một bên, nó chỉ đang đeo một chiếc mặt nạ với một danh nghĩa khác, nó vẫn hoạt động, ngấm ngầm và chắc chắn một ngày nào đó, khi cơ hội đến, khi có điều kiện để xuất hiện, chúng chắc chắn sẽ phun trào, lao ra bên ngoài, va chạm đến những người xung quanh.
Chính lúc đó, hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là công thức của hầu hết các vụ phạm tội liên quan đến tính mạng con người. Hẳn nhiên bạn vẫn chưa quên nhân vật Chí Phèo?
Osho từng nói: “Chẳng hạn, bạn được dạy là không bao giờ tức giận và bạn nghĩ một người không tức giận chắc chắn sẽ đầy tình yêu thương. Bạn sai rồi. Một người không bao giờ tức giận cũng sẽ không thể nào yêu thương. Chúng song hành với nhau; chúng được “đóng gói” cùng nhau. Người thật sự yêu thương sẽ có lúc thật sự giận dữ.”
Thật vậy, tức giận là một trong những cảm xúc tự nhiên của con người chúng ta, nó cũng giống như buồn,vui, hạnh phúc, đau khổ, thất vọng, sợ hãi…vậy. Nói nó là bản năng, quả không sai, nhưng buộc phải kìm nén nó thì chưa chắc đã chính xác. Bạn thử tưởng tượng mà xem, nếu bạn chỉ có một quả bóng, dù to hay nhỏ, bạn bơm hơi vào nó, quả bóng sẽ căng phồng lên, ban đầu tạo ra một quả bóng bay đầy xinh đẹp, có thể bay bổng tận trời xanh.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không dừng lại việc bơm hơi vào quả bóng? Bạn cứ tiếp tục thêm vào, thêm nữa, thêm nữa… thì chắc chắn chẳng bấy lâu sau, thứ trước mắt chúng ta là một tiếng nổ kinh hoàng, kèm theo đó là quả bóng xác xơ, vụn vỡ, thậm chí có thể làm bạn và những người xung quanh tổn thương.
Sự kìm nén giận sự cũng hoạt động theo đúng cơ chế như vậy.
Vậy thì chúng ta phải làm gì khi cơ giận xuất hiện?
“Hãy bộc lộ. Nhưng hãy nhớ, bộc lộ không có nghĩa là vô trách nhiệm. Hãy bộc lộ một cách thông minh và như vậy sẽ không có ai bị tổn hại vì bạn. Một người không tổn hại bản thân sẽ không bao giờ làm thương tổn người khác. Và một người tự làm hại mình sẽ nguy hiểm theo một cách nào đó. Nếu không thể yêu thương bản thân, bạn trở thành một hiểm họa; bạn có thể làm hại bất kỳ ai. Trên thực tế, bạn sẽ gây hại.”
Đừng vội lo lắng, đừng vội sợ hãi, bộc lộ sự tức giận không có nghĩa là bạn phải gào thét lên, phải lao vào người này, phải động tay chân với người kia. Bạn có đôi mắt, bạn có ngôn ngữ, bạn có các cơ mặt của mình, và hơn hết, bạn có một ý thức rộng lớn.
Thay vì kìm nén hay cố gắng trốn chạy để mỉm cười, hãy ĐỐI MẶT, chính xác là đối mặt, bạn hãy hít một hơi thật sâu, sau đó nhìn thẳng vào cơn giận dữ trong mình, quan sát nó, lắng nghe nó, thậm chí là nếu hoàn cảnh cho phép, bạn hoàn toàn có thể bộc bạch nó ra, tìm một nơi để chuyển hóa những năng lượng mạnh mẽ của sự tức giận. Hãy dũng cảm đối mặt với nó, một cách thản nhiên và nhẹ nhàng nhất. Bạn sẽ thấy cơn giận của mình đôi khi thật đẹp, thấy nó cũng thật dễ chịu. Miễn sao, bạn đừng cố gắng kìm nén nó quá mức, bằng không, sớm muộn gì bạn cũng sẽ nổ tung!
Thiết nghĩ, chúng ta nên đổi thành: Tức giận là bản năng, dám đối mặt với cơn giận của mình mới chính là bản lĩnh!
Và nếu bạn muốn biết nhiều hơn về chủ đề này, hẹn bạn mình cùng đọc cuốn “Cảm xúc” của tác giả Osho thử nhé!