Ta tìm gì khi đọc sách về thiền định? Một khoảnh khắc tĩnh lặng để suy ngẫm về tư tưởng của tiền nhân, một cơ hội soi chiếu vào những bộn bề sâu thẳm trong lòng, hay là một đường hướng trưởng thành cho tâm trí? Bộ ba cuốn sách “Cảm xúc”, “Hiểu” và “Yêu” của đạo sư Osho sẽ đưa độc giả bước vào ba hành trình tỉnh thức đầy mạo hiểm và nhiều bất ngờ.
Nói đến mạo hiểm, là nói đến sự vượt thoát khỏi những khuôn phép xã hội cứng nhắc và những thành trì giáo điều cũ kỹ. Còn nói đến bất ngờ, là nói đến sự duyên dáng và tinh tế của vị đạo sư này khi kéo những cuộc đàm luận về triết học và thần học đến gần hơn với những tình huống thực tế và hài hước trong đời sống. Xuyên suốt ba tập sách, lời giảng của Osho chậm rãi đưa độc giả tìm về với bản ngã chân thật, thứ đã bị đè nén bởi những khuôn khổ hành xử “giả mạo”, bị bóp méo bởi sự phân cực trong tư tưởng và hành động. Phần thưởng ở cuối con đường hành thiền là quay trở về với tâm hồn toàn vẹn của chính mình, trong an tĩnh và tinh khôi.
Với “Hiểu”, Osho đối thoại với cái tôi lý tính của mỗi hành giả, lần giở từng lớp vỏ băn khoăn và suy tư. Khổ hạnh và lạc thú liệu có thể ở bên cạnh nhau? Zorba Phật - đạo và đời liệu có thể hòa quyện trọn vẹn trong một con người? Tại sao khái niệm mới lạ này lại không thể tồn tại được trong các hệ tư tưởng cũ? Osho có cách riêng của mình để đáp lời các môn đệ đang nhiều hoang mang.
Phá vỡ sự chia rẽ trong những sự tồn tại đối nghịch, Zorba Phật giúp hòa giải mâu thuẫn bên trong mỗi cá nhân, “là sự khởi đầu của một chủng người mới - hoàn toàn tự do được làm chính mình, để cho bản chất tự nhiên của mình được bung nở”.
Osho hứa hẹn một “trạng thái xuất thần, hương thơm của sự thần thánh thiêng liêng, đôi cánh của tự do tối thượng” mà thiền sinh có thể tìm thấy trong sự đồng hành trọn vẹn của cơ thể và linh hồn, trong nỗ lực giữ cân bằng giữa tâm hồn và lý trí. Osho chỉ rõ vấn đề khi tâm trí liên tục bị buộc phải chọn lựa. “Hãy duy trì trạng thái không chọn lựa. Bất cứ chuyện gì xảy ra, và cho dù bạn đang ở đâu - bên trái hay bên phải, ở giữa hay không ở giữa - hãy tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc đó…Nếu tìm cách né tránh nỗi buồn, bạn sẽ phải phá hủy khả năng được hạnh phúc”.
Osho gọi trạng thái cân bằng giữa các điểm phân cực của cơ thể và tâm trí là sự chứng kiến, hay là ngọn nến tỉnh thức soi sáng bản thể. “Bạn không cần ai nói với bạn điều gì tốt và điều gì xấu. Tất cả những gì bạn cần là sự thức tỉnh của nhận thức bên trong bạn, thứ cho phép bạn nhìn thấy mọi vật như chúng vốn có. Khi đó sẽ không còn câu hỏi về lựa chọn”, Osho kiến giải. Từ trạng thái hợp nhất tự nhiên của nội tại, hành giả mở ra con đường hợp nhất bản thân với đời sống và vũ trụ, đem đến một con người tràn đầy hạnh phúc.
Trong “Cảm xúc”, Osho nhắc lại vai trò và sức mạnh của trái tim, vốn đang bị đánh giá thấp so với sự đề cao mà chúng ta luôn dành cho sự tỉnh táo của tâm trí. Nhưng sao chúng ta cần tự do bày tỏ những hỉ nộ ái ố của bản thân? Đó chẳng phải là nguồn cội của rắc rối hay sao?
Osho cho rằng, các hệ tư tưởng từ cổ chí kim đã dựng nên những hình mẫu đạo đức bó buộc con người trở thành một ai đó khác. Chính quá trình cam chịu và kìm nén này khiến chúng ta thực hành một phương cách sống rời xa bản ngã an lạc nguyên sơ, và chịu sự điều khiển hoàn toàn của thế giới vật chất xung quanh.
Osho động viên hành giả nhìn nhận vẻ đẹp của sự sợ hãi, của những trạng thái tinh thần được gọi là “tiêu cực” thay vì phủ nhận hay trốn tránh. “Một người không biết tức giận thì cũng không biết yêu thương. Hoa hồng chỉ mọc ở những cành có gai”, theo Osho, sự vượt thoát của bản ngã ra khỏi vị thế nô lệ của tâm trí là cuộc cách mạng vĩ đại nhất có thể xảy ra với một người.
Quá trình thiền tập sẽ dẫn dắt thiền sinh tách bạch được rõ ràng đâu là phản ứng tâm trí, đâu là cảm nhận của trái tim, từ đó giành lấy quyền làm chủ bản thân trong mọi tình huống. Trạng thái vượt thoát khỏi những ràng buộc trong tâm trí mở ra một chương trưởng thành mới cho nội tâm, nơi tỉnh thức giành lại sự hiện hữu chân thật, bồi dưỡng lòng tin vào những điều tự nhiên, bao gồm cả cảm xúc. “Nếu có thể tin tưởng vào tự nhiên, chẳng mấy chốc bạn sẽ trở nên tĩnh lặng, hạnh phúc, vui vẻ và hân hoan, bởi vì tự nhiên đang hân hoan.”
Sự kìm nén không chỉ hủy hoại chính mỗi chúng ta, mà còn tước đi khả năng yêu thương người khác. Osho giảng giải: “Trong trạng thái căng thẳng, lo lắng và phải đương đầu khó khăn, con người đánh mất bản thân và trở thành một người khác.” Chính vì quá trình mất mác này mà con người trở nên hỗn loạn, khổ đau và luôn đeo lên mình những chiếc “mặt nạ”. Phiên bản giả mạo này không chỉ đè nén bản ngã mà còn hủy hoại tình yêu, bởi “Hai người giả mạo cứ gặp nhau, còn hai người thật sự vẫn ở hai thế giới khác nhau”.
Trong “Yêu”, Osho còn nhấn mạnh sự quan trọng của tình yêu trong quá trình cầu nguyện, thiền định và tỉnh thức. Chính tình yêu là chìa khóa mở cánh cửa để ta bước vào sâu thẳm tâm hồn. Để dấn thân vào tình yêu, vị đạo sư khẳng định, mỗi người trước tiên cần là một cá nhân trưởng thành, độc lập về mặt nhận thức. Điều đó có nghĩa là ta cần triệt tiêu cái tôi vừa hiếu thắng vừa ngây ngô để mở lòng đón nhận tình yêu một cách không sợ hãi, cũng như thừa nhận sự yếu đuối của bản thân. Trưởng thành trong nhận thức sẽ là bước đệm quan trọng để trưởng thành trong tình yêu.
Osho cũng nhắc ta ngừng tìm kiếm một hình mẫu hoàn hảo trong tình yêu, bởi sự viển vông của hình mẫu này là lý do khiến ta cảm thấy cô đơn và bất hạnh. Thay vì nghĩ cách để được yêu, ta hãy chỉ yêu. “Bạn không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì từ ai. Nếu ai đó yêu bạn, hãy cảm thấy biết ơn nhưng đừng đòi hỏi gì cả, bởi vì người kia không có nghĩa vụ phải yêu bạn. Nếu được yêu, đó là một điều kỳ diệu. Hãy để tim bạn rung lên bởi sự kỳ diệu đó”.
Đúng với tinh thần tỉnh thức trong khoảnh khắc, các tập sách của Osho như một dòng chảy không ngừng trong tâm thức, không có điểm khởi nguồn, cũng chẳng có điểm kết thúc. Các hành giả không cần phải đọc sách theo một trình tự nhất định, mà có thể bắt đầu ngay với những chủ đề mà mình quan tâm, với những câu hỏi mà mình suy nghĩ. Và dù có quan tâm đến việc hành thiền hay không, độc giả cũng có thể dễ dàng tìm thấy những khoảnh khắc giác ngộ thú vị trong nhận thức lẫn cảm xúc đến từ gia tài triết lý sáng tạo và đồ sộ của vị thiền sư nổi loạn này.