Nhiều người hẳn biết câu chuyện Cuộc nổi dậy trên tàu Bounty, hay đã xem qua một trong hai phiên bản điện ảnh của câu chuyện. Ai có thể quên được cái giọng ra lệnh của Charles Laughton, “Anh Christian!”, và thêm vào đó là cảnh bất công đã tạo nên cuộc nổi loạn do Clark Gable lãnh đạo.
Quả thực có một cuộc nổi loạn thực sự trên một con tàu mang tên Bounty. Nguyên nhân dường như là do những hành vi phi nhân của Thuyền trưởng Bligh; nhưng nhìn một cách sâu xa hơn, ta có thể thấy những yếu tố khác.
Chắc chắn một trong số các nguyên nhân là niềm hy vọng của các thủy thủ bị ngược đãi, mong tìm được một bến đỗ thiên đường vĩnh hằng ở một số hòn đảo tuyệt đẹp như Tahiti, nơi họ có thể trú chân mà không màng đến thời gian. Ở đó, khí hậu êm dịu với những ngày nắng đẹp và những đêm trăng vằng vặc, được sống giữa bầu sữa ngọt ngào của mẹ thiên nhiên, họ có thể sống đến hết đời cùng những người bản xứ vui vẻ mà không màng đến mong muốn hay lo ngại gì nữa.
Nhưng hóa ra những kẻ nổi loạn không dám ở lại Tahiti, nơi họ có thể bị những con tàu Anh quốc bắt gặp. Phần lớn bọn họ kết thúc tại đảo Pitcairn, trong sự hối tiếc vì bị cô lập, và nhận thấy ở đó không dễ sống như họ vẫn tưởng. Giả thử họ ở lại Tahiti, không bao giờ bị quấy nhiễu, họ có hạnh phúc không. Chắc chắn là: Không.
Khi cố thoát khỏi thế giới của mình, bạn có thể bỏ lại sau lưng bầu trời xám xịt của phương Bắc, những trách nhiệm về công việc của bạn, những món nợ, và những ai phiền nhiễu bạn, nhưng bạn mang theo chính bản thân mình.
Một người hiện đại bỏ trốn đến một hòn đảo nhiệt đới thì sẽ như thế nào? Anh ta là người nhìn chung vẫn mang những tính khí thất thường và những suy nghĩ, tham vọng và cảm xúc, khát khao và sợ hãi về cơ bản giống hệt như trước. Người ấy có thể tìm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên trong trường hợp đó, anh ta là kiểu người có thể hạnh phúc ở bất kỳ nơi đâu, vì anh ta hạnh phúc với bản thân mình. Về cơ bản, hạnh phúc phụ thuộc vào việc bạn là người thế nào, chứ không phụ thuộc vào nơi bạn sống.
Như người ta vẫn thường nói khá đúng, rằng nếu người bước qua cửa là thiên thần thì người ấy sẽ hiện thân là thiên thần. Nếu người bước qua cửa là ác quỷ, thì ác quỷ sẽ hiện thân.
Khi Joe E. Brown sắm một vai trong vở Harvey, tôi hỏi anh thích lời thoại nào trong đó nhất. Anh nói ngay tức thời - một câu thoại từ người bạn vui nhộn của Harvey: “Tôi luôn cảm thấy tuyệt vời dù ở nơi đâu hay cùng với người nào”.
Joe E. là một trong những người hiểu được rằng một người tạo nên hạnh phúc cho chính mình. Anh ấy không để cho hạnh phúc của mình phụ thuộc vào nơi chốn hay con người nào. Hạnh phúc của anh ấy đúng hơn là phụ thuộc vào cách tiếp nhận riêng của anh ấy với nơi chốn và con người đó.
Anh ấy cũng không thấy cần phải sở hữu và cảm thấy hạnh phúc vì có thứ này thứ nọ. Tôi nhiều lần thấy người ta bị ràng buộc quá nhiều với vật chất, do đó khó khơi được niềm hạnh phúc trong mối quan hệ với người khác. “Sự bất an luôn nằm trên đầu người đội vương miện”, vì chiếc vương miện, cùng tất cả trách nhiệm và nguy hiểm luôn nặng nề hơn cuộc sống thoải mái đơn giản. Có nhiều dạng vương miện.
Mới đây tôi có dùng bữa trưa với một người đàn ông quyền lực trong giới kinh doanh và sở hữu khối tài sản đồ sộ. Anh kết thân với rất nhiều người cùng đẳng cấp. Anh bảo tôi không ai trong số họ hạnh phúc cả.
Thế là anh thắc mắc lý do chung nào khiến các triệu phú đều không hạnh phúc, và tôi không hề ngạc nhiên khi nhận ra rằng điểm mấu chốt chính là tài sản vật chất. Như đã thành một quy luật, những quý ông này dường như đều có mối quan hệ khiếm khuyết với vợ con. Tiền bạc của họ đẩy họ sống theo một kiểu tạo ra những mối quan hệ khiếm khuyết như vậy - và không gì trong số những thứ tiền có thể mua được lại có thể hàn gắn những sự hủy hoại đã rồi đó.
Nhưng điều này không dẫn đến kết luận rằng tiền tài đem lại đau khổ, cũng như nghèo đói, hay vừa đủ chi tiêu, sẽ mang lại hạnh phúc. Hạnh phúc luôn là vấn đề của cá nhân. Một người đàn ông chân chính trưởng thành và giàu có sẽ không bao giờ để tiền làm khổ đời anh ta. Một người nghèo chín chắn hay có thu nhập trung bình cũng hoàn toàn có thể cảm thấy hạnh phúc. Rốt cuộc, đời bạn là do chính bạn tạo nên.
Thường người ta luôn tin rằng mình sẽ hạnh phúc khi đạt được mục tiêu nhất định nào đó. Đôi khi là vậy. Nhưng thường là không, vì một cách để lảng tránh hạnh phúc là đặt ra điều kiện để cảm thấy hạnh phúc, chẳng hạn khi nói: “Thế thì tôi mới hạnh phúc” hay “Thế nên tôi mới không thấy hạnh phúc”.
Bạn sẽ thường thấy điều này hiện diện ở các bà mẹ. Đầu tiên họ nói; “Johnny tốt nghiệp tiểu học thì tôi mới vui lòng!”. Và được một thời gian bạn lại nghe thấy họ nói với bạn bè “Johnny mà tốt nghiệp phổ thông thì tôi mới vui lòng!”.
Rồi họ vui được một thời gian, chí ít cũng trong kỳ hè. Johnny tốt nghiệp đại học cũng tương tự, rồi Johnny kết hôn, rồi Johnny sinh con đầu lòng, khi mẹ giờ đã trở thành người bà ngất ngây mê mẩn thì cảm giác chưa hạnh phúc vẫn còn ngay cả lúc bà trông cháu. Nếu người mẹ không học được cách hạnh phúc ở khoảng giữa những dịp đặc biệt, người ấy không biết rõ hạnh phúc là thế nào.
Cơ duyên (serendipity) là một từ được Horace Walpole định nghĩa là duyên may tình cờ gặp những điều không mong đợi khi đang làm chuyện khác. Hạnh phúc thường như thế. Một số người cả đời tìm kiếm nhưng không bao giờ gặp. Một số khác tận tâm một lòng làm nhiệm vụ hàng ngày, hay giúp đỡ người thân bạn bè, lại thấy họ luôn hạnh phúc.
Hãy làm rõ rằng không nên nhầm lẫn hạnh phúc với hài lòng. Hài lòng có thể là một cảm giác thỏa mãn do trải nghiệm tình dục mang đến, nhưng nếu nó là một phần đạt được do mối quan hệ lừa dối giữa những người trưởng thành, thì bất hạnh sẽ có chỗ để chen vào.
Ta có thể đạt được vinh quang chất ngất - thành tựu lớn đạt được sau nhiều năm cố gắng - nhưng nếu chiến thắng với những vết sẹo thể xác và sự hủy hoại tinh thần, thì ta sẽ không có được hạnh phúc thật sự. Hạnh phúc đến từ sâu thẳm bên trong, là dòng chảy ngầm của cuộc đời. Hài lòng là cảm giác nhất thời, đơn thuần là những bong bóng nổi lên bề mặt, chỉ đem lại cảm giác ngưỡng vọng ngắn ngủi trước khi vỡ tan.
Sự mãn nguyện có lẽ gần với hạnh phúc hơn, nhưng vẫn là thứ gì đó khác. Tôi nhớ lại một câu chuyện tên là Bontsche im lặng. Bontsche, từ ngày sinh ra cho đến lúc chết, là nạn nhân gánh chịu hầu như mọi bất hạnh có thể xảy ra. Anh chịu cảnh đói nghèo, bị chối bỏ và bị bức hại. Nhưng anh ta chưa bao giờ than vãn. (Tôi phải nhận xét ở đây: Không than vãn không phải lúc nào cũng là một đức hạnh. Nó có thể đơn giản là thể hiện sự thiếu nhận thức về những gì có thể xảy đến trong đời).
Và khi chết, anh ta đến trước Đấng Ngôi Cao chờ phán xét, một lời thiêng vọng lên nói rằng cuộc sống tạm ở trần gian của anh là thánh thiện nhất, và để tưởng thưởng, anh có thể được bất cứ điều gì anh ước mong. Bontsche ngần ngừ tự hỏi mình, cuối cùng lắp bắp nói rằng, “Tôi ăn bánh mì phết bơ mỗi sáng được không ạ?”. Anh ta thật phí phạm đặc quyền nhận được khi xem chiếc bánh mì là ý niệm cao nhất về hạnh phúc.
Hạnh phúc hẳn nên là chuyện liên quan tới bạn. Bạn nên ý thức rằng mình có thể hạnh phúc, và đừng bao giờ xem bản thân là người “đến chết vẫn bất hạnh” hay trầm cảm không hồi kết.