Nếu chúng ta ăn thịt ít đi !
Hôm nay, tôi muốn gửi tới quý độc giả cuốn “Muôn kiếp nhân sinh”, một cuốn sách mà ở đó ta được hiểu những vấn đề mang tính tâm linh một cách cụ thể nhất. Sách được viết bởi bác Nguyên Phong, một người có những am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này đồng thời cách viết của bác cũng gần gũi, dễ hiểu.
Cuốn sách xoay quanh chủ đề về Luật Nhân quả, về luân hồi, về nghiệp quả cá nhân (biệt nghiệp) và nghiệp quả quốc gia (cộng nghiệp). Nội dung sách được dựa trên lời kể của Thomas, một người có cơ hội nhìn thấy những kiếp sống trước đây của anh ta. Và cũng từ đây thông qua những kiếp sống của mình, Thomas đã gửi gắm những bài học cho người đọc và bài học được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất là bài học về Luật Nhân quả. Nhưng hiểu rõ và biết sống “đúng luật” thì chưa chắc ai cũng làm được.
Những bài học trong sách được truyền tải một cách gần gũi dễ hiểu, sách non-fiction nhưng đọc như Fiction bởi lối kể chuyện cuốn hút của tác giả. Giáo sư John Vũ - Nguyên Phong viết từ năm 2017 và hoàn tất đầu năm 2020. Sách viết theo khổ 16x24 cm dài 482 trang thuộc Công Ty phát hành First News – Trí Việt. Sau một thời gian miệt mài đọc, giây phút “lóe sáng” trong đầu óc cũng là phần chi tiết bản thân tôi muốn gửi tới độc giả :
“Trẻ con ngày xưa lúc nào cũng đau đáu mong một bữa thịt”.
Bố tôi thường bảo vậy mỗi khi kể lại cho chị em tôi những câu chuyện cũ vọng về từ ký ức xa xưa. Ngày đó, thịt là một thứ rất xa xỉ đối với tuổi thơ của những người thuộc thế hệ bố tôi, lại càng xa xỉ hơn với những người thuộc thế hệ ông bà tôi. Còn bây giờ thời đại tôi sinh ra thì lại khác. Tôi và em tôi lớn lên nhờ những bữa ăn có thịt ngay từ khi còn rất nhỏ. Chúng tôi luôn mặc định cho rằng, “ăn thịt” là điều hiển nhiên như thể gà trống gáy mỗi sáng gọi mặt trời thức dậy, là điều hết sức bình thường mà những đứa trẻ như chúng tôi vốn dĩ sinh ra đã được nhận.
Có những đứa trẻ sinh sau tôi mười năm, mười lăm năm, chúng thậm chí còn xem việc ăn thịt là lẽ sống, là hơi thở hằng ngày của mình, chúng nhất quyết không chịu ăn rau. Nếu bữa nào không có thịt, chúng sẵn sàng từ khước bữa cơm đó, không ăn lấy một hột nào.
Tuy vậy, tôi chưa từng nghĩ rằng “ăn thịt” là một điều quen thuộc đến mức như hơi thở, như lẽ sống. Nếu điều đó là thật thì hẳn sẽ thực khủng khiếp. Con người cũng là một loài động vật, nhưng chúng ta là động vật bậc cao. Nhân loại sẽ ra sao nếu việc “ăn thịt” được xem như lẽ sống? Con người sẽ giết hại và ăn thịt lẫn nhau. Có thể lắm chứ! Loài người sẽ rơi vào cảnh loạn lạc, chém giết nhau để giành lấy miếng ăn, để giành lấy phần thịt của đồng loại để duy trì sự sống. Thảm họa chắc chắn sẽ xảy ra. Và nhân loại có thể bị diệt vong mãi mãi. Hai từ “ăn thịt” tưởng chừng rất giản đơn, vô tư vô hại là thế mà trong sâu thẳm, nó lại là nguyên cớ cho rất nhiều những tai ương có thể xảy đến với con người ở tương lai.
Không phải ngẫu nhiên vào một ngày đẹp trời nào đó tôi bỗng dưng chiêm nghiệm ra điều này. Một chi tiết nhỏ trong cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” của tác giả John Vu Nguyên Phong đã dẫn lối và khai mở cho tôi. Sự giác ngộ là một khoảnh khắc vô cùng kỳ diệu, một khi chạm tới, mọi tế bào, mọi dây thần kinh trong cơ thể con người như bừng lên một ngọn lửa đỏ, cháy rực giữa đêm đen.
Acsimet đã sung sướng hoan hỉ và liên tục tung hô “Eureka” ngay thời điểm ông tìm ra cách xác định khối lượng của vàng và vương miện dựa trên nguyên lý lực đẩy của nước. Còn tôi cũng vụng về thốt lên câu ngạc nhiên “ồ…” khi tôi đọc được một bí mật ẩn sau việc “ăn thịt”, một hành động quá đỗi quen thuộc với tôi, với bạn, với tất cả chúng ta. Bởi, mỗi ngày, mỗi ngày, trừ những người ăn chay thì còn lại, hầu hết chúng ta đều nạp vào cơ thể một lượng thịt nhất định, dù ít hay nhiều. Nhưng chúng ta lại không hề biết rằng, việc “ăn thịt” nói trên lại có thể là nguồn cơn đánh thức những thảm hoạ, những đại dịch khủng khiếp sẽ tàn phá thế giới. Tại sao lại có chuyện vô lý như vậy? Không hẳn là chúng ta đang bàn về một chuyện vô lý. Bởi vì:
Trong “Muôn kiếp nhân sinh” tác giả John Vu Nguyên Phong đã lý giải rằng, khi con người tàn sát và ăn thịt các loài vật, chúng chưa thể chống trả lại ngay tuy nhiên khi vào trong cơ thể người chúng có thể trở thành hàng triệu con vi trùng, virus tấn công lại chúng ta. Đã có rất nhiều đại dịch nguy hiểm xuất hiện trên phạm vi thế giới, rõ ràng hơn cả là sự bùng phát đại dịch Covid-19 vừa rồi đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người là minh chứng rõ ràng cho hệ quả “ăn thịt động vật” của con người.
Có thể hiểu đơn giản, sự xuất hiện của Virus Corona giống như một cuộc biểu tình với quy mô lớn và rầm rộ chưa từng có của rất nhiều loài vật đã từng bị con người giết hại, ăn thịt. Chúng hiện sinh trong một hình hài khác với sức mạnh to lớn vô biên, chúng len lỏi, càn quét mọi ngóc ngách, mọi thành phố, vùng quê. Trong cuộc chiến sinh tử đó, hơn sáu triệu người trên thế giới đã không thể qua khỏi. Một con số quá thương tâm và khủng khiếp, điều mà chắc hẳn mỗi chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến khi mỗi ngày đều ăn thịt, mong muốn sẽ có thịt ăn mỗi bữa.
Tôi đã tự hỏi, giả sử con người ăn thịt ít đi, dành nhiều tình yêu thương và sự quan tâm hơn đối với loài vật thì có thể mọi chuyện sẽ khác, tần số những đại dịch xuất hiện có thể cũng sẽ ít hơn. Nếu bạn để tâm quan sát cuộc sống sẽ thấy những chuyện rất mâu thuẫn, nực cười, như việc một người than hôi, than bẩn, khi có một xe lợn chạy qua nhưng người đó vẫn thản nhiên ăn ngon lành bát tiết canh từ con lợn hôi hám bẩn thỉu ấy… Còn rất nhiều những cảnh huống khác tương tự trong cuộc sống, hậu quả ghê rợn mà chúng để lại, chúng ta vô hình chẳng biết được.
Con người thường tỏ ra kinh hãi trước một số loài động vật nhưng lại vô tư ăn thịt chúng. Và “hiển nhiên, nếu con người ăn thịt loài vật, thì sau đó loài vật sẽ ăn thịt lại con người, dù là ở hình thức nào, bao giờ, ở đâu”. Đó chính là sự biểu hiện rõ nét của quy luật Luân hồi và Nhân quả trong vũ trụ, cũng là lời gợi nhắc từ tác giả John Vu Nguyên Phong.
Vậy thì, sẽ ra sao nếu chúng ta ăn thịt ít đi? Rất có thể, chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh làm thay đổi vận mệnh thế giới. Khoảnh khắc tôi nhận ra điều này, bên trong tôi, hình như đã có một tia sáng được thắp lên. Tương lai của mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia và cả hành tinh này sẽ ra sao trong giai đoạn sắp tới là tùy thuộc vào thái độ ứng xử, nhìn nhận và thức tỉnh của từng cá nhân, từng tổ chức, từng quốc gia đó tạo nên. Nếu muốn thay đổi, cần khởi đầu bằng việc nhận thức, chuyển đổi tâm thức, lan tỏa yêu thương và chia sẻ sự hiểu biết từ mỗi người chúng ta trước.
"Nhân quả đừng đợi thấy mới tin. Nhân quả là bảng chỉ đường, giúp con người tìm về thiện lương.” – Nguyễn Văn Phước, Người sáng lập First News Trí Việt
Bài dự Cuộc thi “Cuốn sách thay đổi cuộc đời” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức năm 2022