Thay vì chiến đấu chống lại hay bài trừ chúng một cách cực đoan, ta nên nhìn thẳng vào vấn đề mà bản thân đang phải đối mặt, xem sự căng thẳng như một điệu nhạc, và học cách để cơ thể được tha hồ khiêu vũ mà không bị nhấn chìm trong chúng.
Giải phóng năng lượng tích cực
Dưới góc nhìn mới mẻ của Tiến sĩ Harry Johson, căng thẳng không phải là một điều gì đó quá ghê gớm, mà chúng còn có ích cho chúng ta ở một mức độ nhất định. Có nhiều người còn dùng căng thẳng như một trong những dấu hiệu nhận biết sự thành công khi chúng giúp họ xác định điểm yếu bản thân, thúc đẩy niềm khao khát tiến bộ vào những lúc khó khăn nhất.
Ngoài ra, những lúc gặp căng thẳng, cơ thể còn sản sinh ra các chất giúp bạn tỉnh táo, mạnh mẽ và phấn chấn hơn với các biểu hiện như: nhịp tim đập nhanh hơn, các cơ căng lên, mắt mở to hơn, tai nhạy cảm hơn. Nếu như ta biết cách duy trì chúng ở một mức độ vừa phải thì cơ thể sẽ nhanh nhạy và tinh thần trở nên phấn khích, sôi nổi.
Do đó, Tiến sĩ Harry Johnson, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Viện Trường Thọ khuyên mọi người nên nhìn nhận căng thẳng như một dạng đòn bẩy thúc đẩy ta học hỏi trau dồi, gia tăng sự hứng thú trong công việc và cuộc sống. ‘’Con người không thể sống khỏe mạnh mà không có căng thẳng. Chúng chính là ‘năng lượng tâm lý cần phải giải phóng’. Loại năng lượng này không những tốt về mặt tinh thần mà còn giúp cơ thể chúng ta đón nhận những cảm xúc tích cực’’, ông viết trong cuốn ‘’Học viện thành công”.
Cuốn sách là tuyển tập nhiều bài viết chuyên môn sâu sắc của 50 cây bút hàng đầu trong dòng sách phát triển bản thân, mà Tiến sĩ Harry Johnson là một trong số đó. Sách được trình bày dưới hình thức một học viện, nơi độc giả là “sinh viên” tham gia chương trình học kéo dài 5 năm xuyên suốt trong 10 học kỳ.
Học viện kì lạ này không dạy kiến thức khoa học như những ngôi trường khác mà chỉ tập trung vào các phương pháp giúp mọi người đạt được thành công. Và chương sách ‘’Sống chung với căng thẳng’’ của Tiến sĩ Harry Johnson được sắp xếp giảng dạy vào học kỳ thứ tám dành cho sinh viên năm tư, cũng là những đối tượng vừa chạm tay vào chiếc cúp thành công nhưng chưa được trang bị các kỹ năng cần thiết để sống chung với nó.
Bởi lẽ, trong cuộc sống, đằng sau vẻ ngoài thành công hào nhoáng, từng có không ít người mắc kẹt trong cơn căng thẳng triền miên, tâm thức luôn nảy sinh cảm giác cạnh tranh hay để bản thân chìm trong nỗi sợ mình là kẻ thất bại…
Thực tế, chúng ta thường định nghĩa thành công theo vật chất hoặc những hình mẫu bên ngoài, theo cách người khác đánh giá về bản thân hơn là cảm xúc bên trong của chính mình. Chính vì thế, nhiều người khi đã đạt được các mục tiêu tiền bạc, vật chất vẫn không thấy hạnh phúc.
Đây cũng là lý do tác phẩm ‘’Học viện thành công’’ của tác giả Og Mandino ra đời. Mỗi bài học bổ ích trong từng chương sách sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn sức mạnh nội tại của mình. Cuốn sách giúp bạn khởi sự học hỏi những bí mật vĩ đại của những chuyên gia thành công và, quan trọng hơn, là dạy bạn làm thế nào sử dụng điều được học để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và những người bạn yêu quý.
Và dưới góc nhìn của Tiến sĩ Harry Johnson, căng thẳng hay những cảm xúc tiêu cực khác đều là những trạng thái rất tự nhiên trong cuộc sống. Thay vì tìm cách “xóa sổ’’, ta nên học cách ‘’khiêu vũ’’ với chúng.
Học cách ‘’khiêu vũ’’ với căng thẳng
Vị tiến sĩ lý giải, ai cũng có những áp lực riêng trong guồng quay cuộc sống. Mỗi người chúng ta được “thiết kế” để tồn tại trong áp lực cạnh tranh chuỗi thức ăn trong quá trình tiến hóa. Chúng ta cần một lượng áp lực nhất định để khỏe mạnh. Dĩ nhiên, quá nhiều áp lực, cũng giống như quá nhiều âm thanh, thì không tốt. Nhưng không có áp lực, cũng giống như im lặng hoàn toàn, khiến chúng ta mất cân bằng.
Nếu căng thẳng diễn ra và khiến bạn cảm thấy mình cần phải cố gắng phấn đấu hơn, hãy duy trì nó. Khi nó vượt qua ngưỡng chịu đựng của bạn, hãy sẵn sàng thả lỏng. Chúng ta không nhất thiết phải tìm ra những phương pháp để loại bỏ căng thẳng, mà nên học cách kiểm soát căng thẳng để có một cuộc sống cân bằng.
Điểm mấu chốt trong việc kiểm soát căng thẳng chính là khả năng nhận biết mức độ chịu đựng của bản thân. “Hầu hết mọi người đều hiểu giới hạn thể chất của mình thế nhưng nhiều người có vẻ không ý thức được rằng mức độ căng thẳng mỗi người có thể chịu đựng được phụ thuộc rất lớn vào cá nhân người đó”, ông nhấn mạnh.
Mỗi người đều có một cách khác nhau để kiểm soát sự căng thẳng. Có người thư giãn, tìm nơi yên tĩnh và thoải mái để bù đắp và chữa lành những tổn thương về thể lý và tâm lý của mình. Cũng có người tìm học những môn thể thao giúp cải thiện sức khỏe, giảm thiểu lo âu và bớt căng thẳng.
Hoặc đơn giản nhất, cũng là khó khăn nhất, là học cách duy trì một hơi thở sâu để giữ được sự cân bằng về thần kinh và tâm lý… Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là giữ cho mình một thái độ tích cực mỗi khi chúng xuất hiện.