"Lagom - The Swedish Art of Balanced Living" (đọc là lah - gom) là một trong ba cuốn sách series Phong cách sống Bắc Âu anh trai mình tặng nhân dịp mình tròn 22 tuổi. Mình chọn đọc Lagom trước đơn giản vì Lagom chính là "vừa đủ". Lagom của Thụy Điển "vừa đủ" đến một cách ngỡ ngàng, ngỡ ngàng đến mức phong cách sống của mình trong hai năm trở lại đây chính xác là "biết đủ là tự do".
Lagom của Thụy Điển được phác họa qua những thứ như đời sống, ẩm thực, phong cách, cảm nhận, giao tiếp,... Những thứ mình thích ở Lagom thứ nhất chính là "fika" (cà phê giữa giờ) một cái nhìn vắn tắt về cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Cuộc sống văn phòng ngày 8 tiếng hành chính lặp đi lặp lại là điều ai trong chúng ta đôi lúc cũng thấy nhàm chán, và "fika" đã giúp mình bước qua được điều này. Những phút giải lao trong giờ làm việc cũng chính là những lúc mình "fika" với đồng nghiệp để tán gẫu, hay cách nói đơn giản của người Việt mình là tám nhảm. Điều này phần nào thắt chặt thêm các mối quan hệ công sở đối với một người mới đi làm như mình.
Thứ hai là "fredagsmys" được hiểu là trân trọng thời gian thư giãn cùng người thân. Trong đại dich Covid vừa qua chính xác mình sẽ dùng câu " trong nguy có cơ". Bởi, cuộc sống cơm áo gạo tiền thật sự làm cho chúng ta ít có thời gian bên gia đình, được quây quần bên nhau như thời mình tấm bé. Và, những ngày tháng ở trong nhà - cạnh gia đình, mình mới nhận thấy, trân quý những giây phút đó biết bao. Như có câu hát "về ăn cơm mẹ nấu, về mặc áo mẹ may" - như thế này là hạnh phúc - như thế này là vừa đủ.
Thứ ba, Thụy Điển có nước mật hoa cơm cháy, lần đầu tiên mình được nghe đến. Mỗi lần mình biết thêm cái gì mới hay ho là chân tay mình cứ bắt đầu cuồng đi và cảm thấy bản thân thật nhỏ bé. Thế giới kia bao la và thi vị quá! Mình thì thường quan niệm rằng: Không được ra ngoài mở mang tầm mắt thì ít nhất ở nhà phải mở mang được tâm hồn. Và mình thật sự thích thú đọc sách bởi sách dẫn tâm hồn mình đi được quá ư là nhiều nơi.
Thứ tư là cách thiết lập ăn uống của Thụy Điển, ví dụ như ngư dân không được phép bắt tôm càng trong tháng sáu và tháng bảy vì sợ sự đánh bắt vô tội vạ sẽ khiến tôm càng tuyệt chủng. Cho nên, ngày 8 tháng 8 là ngày lễ ăn mừng tôm càng trên toàn quốc.
Thứ năm là trang phục "không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo xấu", mình thì là đứa thường xuyên ăn mặc xấu vào những ngày thời tiết "xấu", nhưng bây giờ mình đã thay đổi được rồi.
Thứ sáu là xu hướng "loppis", nói một cách dễ hiểu về xu hướng này chính là một nhóm bạn, một trời xanh, một chợ phiên, một món hời.
Thứ bảy là cái mình thích nhất là "không kịch tính" - đón nhận cảm xúc buồn lẫn vui và nuôi dưỡng những người thích ứng tốt. Ở đây người ta nói chuyện tình dục lúc đang uống cà phê, nói về trầm cảm, nói về sợ hãi... Một câu mình rất thích " Cảm nhận nỗi sợ và vẫn cứ làm điều đó dù thế nào đi nữa".
Thứ tám là yên lặng và nói thẳng, tìm một cách nói lịch thiệp nhưng ngắn gọn và nói thật rõ ý, họ sẽ tôn trọng khi bạn làm như vậy.
Thứ chín, ở trong nhà là cách ra ngoài mới mẻ. Cái thứ chín thật sự có ý nghĩa với mình trong hai năm dịch vừa qua, mình đã được thay đổi về tư duy rất nhiều, không mặc định việc ở nhà là buồn bã, nhàm chán nữa. Dù sao thì trời Hà Nội sắp sang thu - mùa lãng mạn nhất trong năm rồi, Fika thôi!
Bài dự Cuộc thi “Cuốn sách thay đổi cuộc đời” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức năm 2022