Fukuzawa Yukichi là một trong những bậc khai quốc công thần và là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Nhật Bản cận đại. Ông được xem là người có công khai sáng phong trào canh tân nước Nhật. Tư tưởng lớn của ông đã ảnh hưởng sâu và rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại. Những tư tưởng về chính trị, xã hội, kinh tế và giáo dục mà Fukuzawa truyền bá đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của đất nước Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19.
Fukuzawa Yukichi đã để lại cho dân tộc Nhật Bản một gia tài tư tưởng đồ sộ với hơn 100 tác phẩm về đủ mọi đề tài liên quan đến đất nước Nhật Bản từ ngôn ngữ, tư tưởng, triết học, lịch sử, địa lý... Tác phẩm và tư trưởng của ông đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Khuyến học của Fukuzama Yukichi được người Nhật xem như là một trong những nguồn mạch quan trọng của quá trình "văn minh khai hóa" mà đất nước này đã thực hiện thành công. Xa hơn nữa, tư tưởng giáo dục khai sáng của Fukuzawa Yukichi trong Khuyến học còn gợi mở những ý tưởng thiết thực cho quá trình cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Quan điểm giáo dục thực học của Fukuzawa thể hiện rõ ở phương châm: học phải đi đôi với hành, và hơn thế học là để thực hành. Muốn thực hiện phương châm ấy, theo Fukuzawa, cần phải tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi: Học cái gì và học như thế nào? Dù phương châm đó dược Fukuzawa đưa ra từ thế kỷ thứ 19, nhưng cho đến ngày nay, nếu áp dụng vào giáo dục Việt Nam nó vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Fukuzawa cũng tin rằng giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, bởi bản chất của văn minh là sự phát triển kiến thức và đạo đức nội tại của dân tộc.
Những kiến giải đặc sắc và mang tính khai sáng về giáo dục của Fukuzawa Yukichi cho chúng ta thấy được tầm vóc của một trí tuệ lớn với nhãn quan vượt thời đại. Tư tưởng giáo dục khai sáng của Fukuzawa trong Khuyến học ra đời cách đây hơn 150 năm, song giá trị của Khuyến học cho đến nay vẫn được khẳng định không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia Đông Á khác, trong đó có Việt Nam.
Nói đến Fukuzawa Yukichi cũng đồng nghĩa nhắc đến tư tưởng thoát Á nổi tiếng của ông. Theo Fukuzawa Yukichi, các nước châu Á mới ở tình trạng “bán văn minh” không thể là tấm gương cho Nhật Bản học hỏi. Vì thế, ông kêu gọi Nhật Bản “Hãy tách ra khỏi hàng ngũ của các nước châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh”. Trên thực tế, mục đích của ông là muốn cởi trói nền văn hóa tiểu nông, duy tình của Đông Á để học tập nền văn hóa duy lý, khoa học của phương Tây.
Ông chủ trương mở cửa giao thương với phương Tây, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm quản lý xã hội của phương Tây để phát triển Nhật Bản. Quan điểm này của Fukuzawa đã được chứng minh bằng thực tế: Ở châu Á, chỉ có Nhật Bản và Thái Lan, hai nước chủ trương mở cửa, là tránh được sự xâm lược và thôn tính của các nước phương Tây. Chính sự du nhập của những giá trị dân chủ và nền giáo dục khoa học kiểu phương Tây đã khiến Nhật Bản không bị phương Tây xâm lược, mà ngược lại, trở thành cường quốc từ cuối thế kỷ 19.
Những tư tưởng khai sáng về chính trị, xã hội, kinh tế, đặc biệt là đường lối giáo dục Tây học của Fukuzawa đã thúc đẩy Nhật Bản đi theo con đường văn minh hóa một cách nhanh chóng để trở trở thành một cường quốc về kinh tế của thế giới.
Tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi cũng đã được truyền bá vào Việt Nam góp phần làm cho phong trào duy tân đầu thế kỷ 20 trở thành một phong trào văn hóa sôi động. Phong trào này gồm ba hoạt động chủ yếu: giáo dân, dưỡng dân và tân dân. Tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi đã được các nhà duy tân vận dụng vào hoạt động của các phong trào tiêu biểu như phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, phong trào duy tân ở Trung và Nam Kỳ.
So với Việt Nam, có thể thấy Nhật Bản là một quốc gia chưa bao giờ được ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên, nước Nhật cũng trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt từ thiên tai đến chiến tranh tàn phá, thế nhưng từ trong đống đổ nát đó, nước Nhật đã đứng lên. Người Nhật đã lựa con đường phát triển "văn minh hóa" dựa trên nền tảng Tây học, mà một trong những cơ sở lý luận quan trọng của nó chính là tư tưởng giáo dục đầy nhiệt huyết và thức thời của nhà khai sáng vĩ đại của đất nước mặt trời - Fukuzawa Yukichi.
Với niềm tin “Một dân tộc vĩ đại là một dân tộc biết thượng tôn và tôn thờ tri thức; khao khát truy cầu và sẻ chia chân lý”, trong hơn 10 năm qua "Hành trình Từ Trái Tim - Hành trình Lập Chí Vĩ Đại - Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt" do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng được triển khai trên toàn quốc, truyền cảm hứng sáng tạo khởi nghiệp, lấy Tủ sách Nền tảng Đổi đời làm trọng tâm. Cùng với các đầu sách thuộc 12 lĩnh vực: Khoa học, Triết học, Huyền học, Y học, Võ học, Kinh tài học, Chính trị học, Đạo đức học, Xã hội học, Mỹ học, Âm thanh học và Ngôn ngữ học, Khuyến học của Fukuzawa Yukichi cũng đã đến tay với hàng triệu thanh niên Việt Nam.
* Tư tưởng của Fukuzawa được phản ánh trong cuốn sách Khuyến học của chính ông, xuất bản năm 1872. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.
Tú Viên