Những sáng tạo của Đặng Lê Nguyên Vũ và góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

17/07/2019 08:00
Những sáng tạo của Đặng Lê Nguyên Vũ và góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Có nhiều người giúp người khác khởi nghiệp bằng cách chia sẻ kinh nghiệm khi gặp gỡ, hướng dẫn hoặc cả giúp vốn đầu tư, nhưng như vậy chỉ được một lượng nhất định. Đặng Lê Nguyên Vũ hướng đến cách làm đại trà để giúp được nhiều người…”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận định như vậy khi nói về Hành trình Trái tim và Đặng Lê Nguyên Vũ.

Không chỉ là giới trẻ, càng là người có địa vị cao càng nên đọc 5 cuốn sách "nền tảng đổi đời"

* Trương Thu Hường: Thưa bà, rất vui vì bà đã nhận lời phỏng vấn về Hành trình tặng sách với "tuổi đời" 10 năm của Tập đoàn Trung Nguyên Legend. Giữa thời buổi mà nhiều người nghĩ, sách đã hiện hữu ở khắp mọi nơi hoặc thế giới internet đang mở ra muôn vàn thông tin phong phú thì Hành trình Từ Trái Tim vẫn lặn lội với những bước chân rất thật đi tặng sách khắp cả nước.

Cùng với chương trình tặng sách tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn nhiều tỉnh thành, năm nay, Hành trình đã đi qua toàn bộ các tỉnh miền núi phía Bắc, đến với những buôn làng xa xôi nhất, tiếp tục đặt chân tới các hải đảo và dự kiến còn đi tới vùng sông Mê Kông. Trong khoảng thời gian không dài, chỉ cần nhìn vào hành trình đã đi qua cũng đủ thấy sự nỗ lực, vất vả của Tập đoàn Trung Nguyên. Tuy nhiên, tôi rất muốn biết một chuyên gia kinh tế có sức ảnh hưởng như bà, khi đứng ở ngoài nhìn vào sẽ có đánh giá như thế nào về chương trình này?

- Bà Phạm Chi Lan: Từ trước tới nay, tôi luôn đánh giá rất cao ý tưởng của Đặng Lê Nguyên Vũ khi đưa ra dự án tặng sách. Trước hết, chỉ nói về ý tưởng thôi đã là điều đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, khi gây dựng được thành công nhất định cũng đã nghĩ đến việc phải chia sẻ, đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, thường là họ chia sẻ bằng những hình thức khác, chưa ai nghĩ ra cách làm như Đặng Lê Nguyên Vũ.

Có thể nói, Đặng Lê Nguyên Vũ là người đầu tiên nghĩ ra cách chia sẻ bằng hình thức tặng sách. Đây là cách làm không chỉ giúp mở mang tri thức mà còn hướng con người ta về cái thiện.

Những cuốn sách mà Vũ lựa chọn (Đắc Nhân Tâm, Nghĩ giàu Làm giàu, Không bao giờ thất bại Tất cả là thử thách, Khuyến học, Quốc gia khởi nghiệp) rất giàu giá trị đạo đức và có thể gọi đó là những cuốn sách dạy làm người.

Câu chuyện truyền tải trong 5 cuốn ấy đều nhẹ nhàng, dễ hiểu chứ không nặng nề như một bài giảng đạo đức hoặc những quy chuẩn đặt ra trong xã hội. Bộ sách nền tảng đổi đời này giúp chúng ta hiểu thế nào là đạo đức, thế nào là cách sống tốt trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương như hiện nay.

Lấy ví dụ như cuốn Đắc Nhân Tâm, tôi nghĩ đây là cuốn sách tất cả chúng ta phải đọc suốt đời. Xã hội bây giờ nhiều người có cách cư xử kỳ lạ quá, họ coi thường người khác, thô bạo, chửi tục, nói thề... Vậy thì chúng ta nên đọc Đắc Nhân Tâm để biết cách ứng xử.

Nhiều người nói Đắc Nhân Tâm là sách dạy thu phục lòng người nhưng tôi nghĩ nó có nhiều giá trị hơn thế. Chúng ta đọc cuốn sách ấy không phải là học cách sống sao cho vừa lòng thiên hạ. Nó dạy chúng ta cách thấu hiểu người khác, sống tốt thật lòng, biết cổ vũ khuyến khích người khác, hiểu và thông cảm cái hạn chế của họ và biết cách khuyên nhủ họ thay đổi.

Tôi biết Vũ muốn hướng vào những người trẻ. Tuy nhiên, tôi cho rằng những người lớn tuổi, đã thành đạt, ngồi ở vị trí cao trong xã hội vẫn rất cần đọc, hiểu 5 cuốn sách ấy. Nhìn vào bối cảnh xã hội hiện nay, chỉ riêng trong năm 2018 có tới hơn 53.000 người trong bộ máy nhà nước bị xử lý vi phạm, trong đó chủ yếu là tham nhũng, thì chúng ta sẽ thấy càng những người có địa vị càng cần đọc các cuốn sách này đến nhường nào!

Đó cũng là lý do vì sao tôi đánh giá cao ý tưởng của Vũ. Tôi theo dõi Vũ ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp và thấy rằng, anh là người luôn có cách làm sáng tạo. Vũ là một người học Y nhưng lại chọn khởi nghiệp bằng cà phê, sản phẩm của vùng quê Đắk Lắk - Tây Nguyên lúc đó còn rất nghèo. Dù chập chững bước vào con đường kinh doanh nhưng ngay ở thời điểm cách đây 24 năm, Vũ đã chọn con đường khác mọi người. Thay vì buôn cà phê thô hay chỉ bán cà phê rang xay, anh đã làm thêm rất nhiều công việc cho loại nông sản này, biến nó thành tách cà phê đưa đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng, giúp họ thưởng thức, nhận biết và yêu thích một sản phẩm thuần Việt.

Vũ đã thực hiện một mô hình kinh doanh mới là nhượng quyền để hình thành chuỗi các hàng cà phê, mô hình lúc đó chưa ai biết đến ở Việt Nam - dù đã phổ biến ở một số nước. Vũ không chỉ tạo giá trị gia tăng cao hơn hẳn cho hạt cà phê, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người, kể cả hàng ngàn chủ doanh nghiệp nhỏ, tạo ra một thương hiệu Việt lớn, đứng vững và phát triển không ngừng. Vũ cũng góp phần khởi đầu cho thói quen mới về dịch vụ và tiêu dùng trong xã hội.

Từ việc khởi nghiệp kinh doanh, Vũ đã có những cách làm sáng tạo như vậy nên sau này khi bắt đầu Hành trình tặng sách cũng thế. Thay vì trực tiếp dạy cho những người trẻ bắt chước một số doanh nghiệp thành công ở Việt Nam về cách làm thương hiệu hay kinh doanh, Vũ đã chọn chuyển giao cho họ kinh nghiệm, tri thức của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã thành công và đúc kết được. Từ đó, mỗi người tự học hỏi và chọn cho mình cách làm tốt nhất.

Thời gian đầu khi mới khởi nghiệp, tôi hiểu Vũ rất vất vả vì anh chưa từng học về kinh doanh. Trong quá trình làm, Vũ đã phải đọc, học và mời rất nhiều người thầy có kinh nghiệm đến giúp đỡ, phát triển ý tưởng của mình. Có lẽ chính vì thế, Vũ muốn giúp người khác ngay từ đầu về tri thức, cách làm, cách sống để họ tự lựa chọn. Bằng những cuốn sách quý như thế, khi đem tặng rộng rãi có thể giúp hàng vạn người khởi nghiệp. Những người đọc sách mà thấm nhuần một cách nghiêm túc thì họ sẽ tự tìm thấy động lực, rút ngắn được đáng kể bỡ ngỡ ban đầu khi bắt tay vào kinh doanh.

Thật ra cũng có nhiều người khác giúp mọi người khởi nghiệp bằng cách chia sẻ kinh nghiệm khi gặp gỡ, hướng dẫn hoặc cả giúp vốn đầu tư, nhưng như vậy chỉ được một lượng nhất định. Ở đây Vũ hướng đến cách làm đại trà và giúp được nhiều người, kể cả những người ban đầu chưa có ý tưởng kinh doanh, hoặc những ai kinh doanh thất bại có thể nản chí. Xã hội khi nhìn vào cũng hiểu thêm về kinh doanh và nhận ra vấn đề được - mất trong mảng này là chuyện bình thường.

Người ham mê đọc sách có nhiều cơ hội thắng được cám dỗ bên ngoài cũng như tham sân si từ bên trong

Trương Thu Hường: Giá trị của 5 cuốn sách này đã được nhân loại thừa nhận rộng rãi. Nhiều tư tưởng tốt đẹp của sách cũng là những điều đã được giảng dạy suốt nhiều năm ở nhà trường. Ví như tinh thần dám nghĩ dám làm, ham học hỏi, không sợ thất bại… Thế nhưng từ chỗ biết, hiểu, thấm nhuần và vận dụng thành công vẫn là một câu chuyện dài.

Nếu như hệ thống giáo dục của ta, 12 năm phổ thông và 4 năm ĐH vẫn không thể giúp người trẻ đạt đến đỉnh cao thành công thì bà nghĩ, việc tặng thêm 5 cuốn sách này sẽ góp thêm tác dụng gì?

Bà Phạm Chi Lan: Việc Vũ làm sẽ chỉ giúp một phần. Đừng kỳ vọng một công cụ nào đó có thể giúp cho tất cả mọi người ở tất cả mọi khía cạnh.

Hãy nhìn vào hệ thống giáo dục của nước ta, 12 năm học phổ thông cộng thêm 4-5 năm đại học cũng chưa chắc giúp được mọi người sau khi ra trường đáp ứng được nhu cầu công việc. Mặt khác, xã hội vẫn còn rất nhiều vấn đề về đạo đức, kể cả trong số những người học hành tử tế. Bằng chứng là vẫn có những em sinh viên lạc lối tham gia vào băng nhóm tội ác hay những người bằng cấp, danh hiệu đầy mình mà có những cách sống, hành vi rất phi đạo đức.

Nói như vậy để thấy vấn đề giáo dục khó đến nhường nào! Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào những điều nhà trường dạy ra rả hằng ngày trong 12 năm học phổ thông, 4 năm đại học hoặc trông chờ vào sự dạy bảo của gia đình. Chúng ta cần có nhiều công cụ khác nhau cho sự học suốt đời.

Thế nên, tôi rất thích cách dùng sách để giáo dục bởi vì sách là người bạn, người thầy có thể luôn luôn ở bên mình bất cứ lúc nào từ khi còn nhỏ cho đến cuối đời. Thực tế thầy cô, cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên dạy dỗ, chỉ bảo chúng ta. Thầy cô thì lên lớp theo giờ, cha mẹ thì bận rộn và có khoảng cách thế hệ với con cái.

Đối với bản thân tôi, sách luôn là người thầy, người bạn tâm tình. Sách là người sẵn sàng lắng nghe mình nhiều nhất. Khi mình tìm đọc, học cách giải quyết vấn đề đang suy tư thì sách giống như người kiên trì lắng nghe, sẵn sàng giải đáp giúp mình. Sách lại luôn mở cho mình những chân trời mới, cách nghĩ mới. Và chính những lúc ta cảm thấy cô đơn nhất, thì vẫn có sách ở bên mình, thực sự chia sẻ cùng mình mọi vui buồn, trăn trở, làm lòng mình ấm lên. Còn gì quý bằng!

Đáng tiếc văn hóa đọc sách ở nước ta chưa cao. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy rất vui vì nó đang phát triển tốt dần lên và nhiều người trẻ cũng thích đọc sách. Tôi luôn tin những ai thích đọc sách là những người có sự hướng thiện nhiều hơn, khát khao học hỏi và sẵn sàng lắng nghe nhiều hơn cũng như mong muốn hoàn thiện bản thân hơn.

Tôi nghĩ ý tưởng tặng sách và việc đem sách trao tận tay mọi người của Vũ rất đáng quý. Dù vậy, hiệu quả cuối cùng vẫn phải phụ thuộc vào người nhận sách và sử dụng sách như thế nào. Những điều hay điều tốt, đạo lý dạy trong sách có thắng được tham sân si cá nhân hay không, có thắng được ảnh hưởng của môi trường xung quanh đang có nhiều vấn đề tiêu cực, cám dỗ hay không thì đó lại là một câu chuyện khác, cần có sự cố gắng vượt lên chính mình của từng người.

Tôi tin những người trẻ ham đọc sách và có ý thức rằng lúc nào hơi nghiêng ngả, đắn đo thì tìm đến những cuốn sách hay để đọc thì họ luôn có khả năng thắng được cám dỗ bên ngoài cũng như tham sân si từ bên trong. Nếu có sự vững vàng ấy và cộng thêm việc có những cuốn sách giá trị trong tay thì việc tu rèn bản thân sẽ luôn có hiệu quả.

Hành trình Từ Trái Tim và trăn trở về vai trò của Đoàn Thanh niên

Trương Thu Hường: Nhân nói về vấn đề giáo dục, tôi thấy có một thực tế khá đáng buồn là năm qua, tại nhiều địa phương xảy ra gian lận thi cử gây chấn động dư luận. Nói thẳng ra, ngay đến việc học ở trường, nhiều học sinh, phụ huynh cũng đã không coi trọng và chỉ muốn tìm cách gian lận. Vậy thì với một Hành trình tặng sách mang theo khát vọng chuyên chở tri thức như Hành trình Từ Trái Tim, theo bà phải làm thế nào để thực sự chạm tới "trái tim" của hàng triệu người, giúp người Việt đọc sách và hướng đến sự học thực chất hơn thay vì chỉ lo đến giá trị bề nổi bên ngoài?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi cho rằng vấn đề tiêu cực trong nền giáo dục của Việt Nam đã xuất hiện từ lâu rồi chứ không phải bây giờ. Ngay cả chuyện nhận tiền sửa điểm có thể cũng không chỉ xảy ra vào năm 2018. Chỉ vì năm qua có những trường hợp xảy ra "quá lố" khiến dư luận giật mình và phải tìm hiểu, phát hiện ra gian lận chấn động.

Ngoài những tiêu cực lớn như vậy thì tôi nghĩ, ngay cả việc cho điểm trong các bài kiểm tra tại trường cũng đã không hiếm chuyện thiếu sự công bằng.

Vì thế, tôi nghĩ ngay từ khi đưa ra ý tưởng tặng sách thì Vũ cũng đã phần nào trăn trở về vấn đề giáo dục của Việt Nam. Có lẽ Vũ muốn đưa thêm một công cụ nữa để hỗ trợ, bổ sung vào việc học, mong sự học của người Việt được thực chất, tốt đẹp hơn.

Ý tưởng này nhìn vào thì đã thấy ngay là ngược với tất cả những gì người khác đang làm. Giống như bác Phạm Toàn - người đã dành 9 năm tâm huyết với dự án Cánh Buồm, Vũ cũng là người dám mở những lối đi khác, cách thức khác, dám đầu tư công sức, trí tuệ để thuyết phục những người khác ủng hộ, đồng hành cùng mình. Có thể nói, đó là tâm huyết, ý tưởng lớn, quá hay. Nhiều người cũng đã nhận thức được đây là những hành động rất tốt cho xã hội nên họ đồng tình ủng hộ, tham gia vào.

Trường hợp của Vũ là do kinh doanh, có tiềm lực tài chính khá dồi dào. Nhưng nếu không có bao nhiêu người cùng ủng hộ thì không thể làm được những chương trình quy mô như hiện nay khi mà họ đi qua rất nhiều nơi từ nơi biên cương đến hải đảo xa xôi như vậy.

Tuy nhiên, chương trình tặng sách mà Vũ đang làm thì vấn đề trải ra theo chiều rộng đã rất tốt nhưng chúng ta vẫn cần có chiều sâu, cần nhận được sự ủng hộ sâu sắc hơn của toàn xã hội, đặc biệt là từ phía một số tổ chức xã hội nhất định.

Ví dụ như Đoàn thanh niên được Nhà nước cấp kinh phí, tin tưởng giao nhiệm vụ giúp thanh niên khởi nghiệp thì vì sao không đồng hành cùng những chương trình bổ ích như Tập đoàn Trung Nguyên đang làm? Tôi cho là có nhiều nơi, Đoàn thanh niên đã hợp tác với chương trình, đưa sách đến đoàn viên, hướng dẫn, khuyến khích họ đọc sách, nhưng chắc hẳn không phải nơi nào cũng làm đến cùng.

Ví như Đoàn thanh niên rất nên quan tâm hướng dẫn thanh niên đọc sách và thực hành thế nào. Nếu Đoàn chỉ làm mỗi một việc là giúp trao 5 quyển sách đến tay từng người thì đâu có tác dụng nhiều! Đoàn có thể tham khảo cách làm của nhiều thư viện khi họ tổ chức các buổi tọa đàm để những người yêu sách cùng nghe giới thiệu sách, cùng trao đổi cảm nghĩ hay sự nhận biết qua cuốn sách đó. Sau khi nhận sách từ Hành trình, Đoàn cũng có thể tổ chức các buổi offline như vậy để khuyến đọc, trao đổi thông tin và hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên.

Ngoài ra, Đoàn thanh niên có thể làm rất nhiều việc phù hợp để cùng khai thác giá trị chương trình tặng sách do Tập đoàn Trung Nguyên thực hiện, góp phần giáo dục, động viên thanh niên theo hướng tăng cường tri thức, đạo đức. Bước đi tiếp theo, sâu sát này cần có sự chung tay của các đơn vị, tổ chức địa phương nơi đã được nhận sách

Quyển sách mà chỉ tặng xong rồi để đó thì khó có sức sống. Ở mấy quán cà phê Trung Nguyên tại Hà Nội và TP.HCM, nơi có 5 cuốn sách của Vũ cung cấp và một số cuốn khác được bầy ra, có Cà phê Thứ Bảy và báo Tia Sáng thường tổ chức tọa đàm nói về sách, về các vấn đề trong đời sống văn hóa, giáo dục, xã hội… thì những cuốn sách như được thổi sức sống mới. Vậy nhưng ngoài Cà phê Thứ Bảy và báo Tia Sáng, có mấy ai quan tâm việc này? Mấy ai đã cùng Trung Nguyên góp thêm một phần trong công việc rất có ý nghĩa này?

Sáng tạo đi trước thời đại của Đặng Lê Nguyên Vũ và cách nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Trương Thu Hường: Đặng Lê Nguyên Vũ có khát vọng rất lớn: Đưa Việt Nam trở thành thánh địa cà phê toàn cầu, xây dựng đạo cà phê. Để thực hiện khát vọng lớn ấy, ông Vũ có nhiều sáng tạo tiên phong. Ví như khi Việt Nam chưa phát triển kinh doanh nhượng quyền thì ông Vũ đã có chuỗi quán café Trung Nguyên phát triển mạnh.

Ngoài kinh doanh cà phê, ông Vũ còn có khát vọng vô cùng lớn khác: Việt Nam có thể trở thành một dân tộc dẫn dắt. Một trong những việc giúp cho khát vọng đó thành hiện thực là việc ra đời Hành trình Từ Trái Tim, suốt 10 năm qua miệt mài tặng những cuốn sách Nền tảng đổi đời cho hàng triệu người.

Vậy theo góc nhìn của bà, liệu Hành trình Từ Trái Tim có đạt được mục tiêu rất lớn đó không - như cách mà ông Vũ đã bước đầu ghi dấu thành tựu trong kinh doanh cà phê?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ 2 câu chuyện này có thể liên quan đến nhau nhưng cũng có những khía cạnh khác nhau. Không nhất thiết hệ quả của hệ thống này sẽ trở thành kết quả của hệ thống kia.

Xét về kinh doanh theo chuỗi, Vũ đúng là người tiên phong ở Việt Nam. Anh đã làm từ trước khi ý tưởng về chuỗi cửa hàng hoặc phương thức kinh doanh nhượng quyền được đưa ra ở nước mình.

Sau đó vài năm, người đầu tiên viết sách về phương thức kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam là anh Lý Quý Trung - với dự án Phở 24. Anh ấy là người du học ở Úc, rất giỏi về lý thuyết và sau khi về Việt Nam tự kinh doanh rồi tổng kết từ kiến thức lý thuyết lẫn thực tế viết thành sách. Cuốn sách ấy giống như bộ sách giáo khoa đầu tiên dạy về kinh doanh nhượng quyền, với những chỉ dẫn rất thực tế cho doanh nghiệp Việt. Về sau, một số sách của nước ngoài về chủ đề này cũng được dịch và phát hành rộng rãi.

Rất nhiều người đi sau đã học từ những cuốn sách đó cũng như nhìn vào cách Trung Nguyên hoặc Phở 24 làm, coi đó như bài học kinh nghiệm khi muốn kinh doanh nhượng quyền, kể cả là người đưa ra ý tưởng ban đầu hay mua nhượng quyền từ các chuỗi bên ngoài để nhảy vào kinh doanh.

Vì thế, tôi nghĩ rằng về việc phát triển kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu rất cần ghi công của 2 người đi đầu là Đặng Lê Nguyên Vũ với chuỗi cà phê cửa hàng Trung Nguyên (chuỗi đã từng phát triển đến mức chỉ trong vòng vài năm đã có tới hơn 400 cửa hàng trên toàn quốc) và anh Lý Quý Trung. Hai con người đó đã có công rất lớn khi đưa cả một mô hình kinh doanh mới vào Việt Nam. Sau này, người ta mới tiếp tục nhìn thấy các thương hiệu lớn tràn vào và nhận ra kinh doanh nhượng quyền trở thành xu thế.

Tuy nhiên hiện nay Trung Nguyên phải cạnh tranh với rất nhiều chuỗi khác như cà phê Highland - một chuỗi vẫn đang phát triển rất tốt kể cả sau khi đã bán lại cho Philipines, hay là chuỗi The Coffee House của người Việt hiện nay. Ngoài ra, cũng có rất nhiều chuỗi nhỏ khác của các bạn trẻ khởi nghiệp. Quy mô tuy nhỏ hơn nhưng cũng có những ý tưởng sáng tạo rất đáng hoan nghênh.

Tất cả những điều ấy đã tạo nên sự năng động trên thị trường cà phê Việt Nam, làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người rằng cà phê bây giờ không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn là một mảng kinh doanh rất tốt ở Việt Nam, dành cho người tiêu dùng, giúp họ tận hưởng những tách cà phê ấn tượng ở đất nước mình. Nhiều khách du lịch khi đến Việt Nam cũng rất thích những tách cà phê ở đây do không gian quán hoặc cách pha chế đặc biệt.

Tôi nghĩ từ những điều ban đầu Vũ làm được đã dần lan tỏa. Rõ ràng bản thân người đi tiên phong là Vũ và cà phê Trung Nguyên đã không thể hưởng trọn lợi ích từ thị trường mà sau này còn rơi vào sức ép cạnh tranh rất lớn, rất gắt gao khi thị trường cà phê nở rộ. Nhưng khi chọn làm ngươi đi tiên phong, bản thân Vũ có lẽ đã lường trước và hiểu phải chấp nhận tất cả điều này. Đó cũng là quy luật của cuộc chơi trên thị trường. Nếu tiên phong mà không có ai theo, thị trường không phát triển, không có cạnh tranh thì còn gì chán bằng!

Có thể Vũ cũng đã hình dung đến cả những chuyện đó - vấn đề được mất - hơn thua nhưng nếu là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân, cái lợi trước mắt thì Vũ đã không làm. Nếu nghĩ hẹp như vậy thì Vũ đã tập trung toàn bộ vào cà phê, xuất khẩu đi thị trường nước ngoài kiếm lợi nhuận chứ không việc gì phải đầu tư vào chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên, rồi sau này là chuỗi cửa hàng G7 Mart, hoặc thậm chí là đi tặng sách - một dự án kéo dài tiêu tốn rất nhiều tiền của do chính mình bỏ ra.

Hiện tại, Trung Nguyên vẫn là thương hiệu số 1 về cà phê ở nước ta. Khi nhìn vào lịch sử phát triển của Việt Nam trong thời đại mới, Trung Nguyên luôn là một tấm gương doanh nghiệp rất đẹp.

Tôi vẫn kỳ vọng rằng Trung Nguyên tiếp tục giữ được vị trí của mình trên thương trường, ở vị trí cao trong số những doanh nghiệp top đầu về cà phê.

Tất nhiên có sự đáng tiếc là vì mâu thuẫn gia đình mà gần đây Trung Nguyên bị phân tán nguồn lực, giảm sức mạnh. Dù thế, tôi vẫn tin khi vượt qua tất cả những lùm xùm đó thì tên tuổi Trung Nguyên mà Vũ đang cố gắng giữ lại sẽ vực dậy lại được, bởi Trung Nguyên là giấc mơ lớn của Vũ nằm trong một giấc mơ lớn hơn là muốn đưa Việt Nam trở thành thánh địa cà phê toàn cầu.

Tôi cảm nhận rất rõ Vũ luôn đau đáu với giấc mơ ấy. Kể cả trong những giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời, lúc lên núi tu tập thì cũng chưa khi nào Vũ buông lơi giấc mơ ấy, buông lơi sự quản lý của mình đối với Tập đoàn Trung Nguyên.

Nhiều người nói Vũ không bình thường, "điên rồ" nhưng tôi nghĩ nếu người đứng đầu doanh nghiệp mà ở trong trạng thái như vậy thì Tập đoàn Trung Nguyên làm sao đứng vững được trước bao nhiêu sóng gió! Theo dõi Vũ và Trung Nguyên nhiều năm, tôi không dám nói là biết hết, hiểu hết về Vũ và Trung Nguyên, cũng có những điều tôi không tán thành Vũ, nhưng tôi tin tưởng vào Vũ và doanh nghiệp này. Tôi hiểu Vũ luôn dành hết tâm huyết, sức lực và có chí lớn, ước mơ, khát vọng lớn không chỉ cho riêng mình mà còn cho đất nước, người dân quê hương mình và thương hiệu quốc gia của nước mình. Vì biết bao nhiêu người, bao nhiêu khát vọng mà Vũ đặt vào đó nên chắc chắn anh sẽ không bao giờ buông lơi và ngừng cố gắng vì Trung Nguyên.

theo Soha


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024