Điều gì tạo nên 'những nạn nhân': lúc nào cũng than vãn, đổ lỗi, quen lùi bước trước mọi việc

20/07/2019 08:00
Điều gì tạo nên 'những nạn nhân': lúc nào cũng than vãn, đổ lỗi, quen lùi bước trước mọi việc

Sự thật là, nhiều người trong chúng ta thường lựa chọn bệnh tật, đau khổ, tức giận... vì nó mang lại quyền lực và sức mạnh mà ta nghĩ có thể trấn áp được người khác. Nghe có vẻ vô lý, nhưng đúng là như vậy, dù bạn có ý thức được điều đó hay không.

Chắc hẳn trong suốt cuộc đời mình, bạn đã từng gặp không ít người mà xét theo khía cạnh tâm lý tôi gọi đó là “những con người nạn nhân” với những biểu hiện rất phổ biến như:

1. Họ quen trách móc, quen đổ lỗi. “Mọi khổ đau của tôi đều do người khác gây ra hết, nếu là do tôi thì là vì họ tốt quá, tin người quá, thật thà quá...” (túm lại vẫn là đổ lỗi)

2. Họ quen than vãn, quen dằn vặt, quen lùi bước trước mọi việc.

3. Họ luôn nghĩ vấn đề của mình là “to nhất quả đất”, nỗi khổ của người khác chả là cái gì so với mình. “Mọi người không thể hiểu tôi khổ thế nào đâu”.

4. Họ cần bạn yêu thương, an ủi, ở bên cạnh, nói chuyện với họ, thả cho họ thật nhiều tim nhiều like nhiều nước mắt, họ cần bạn ưu tiên cho họ.

...

Tất cả những hệ quả tương lai này có ý nghĩa gì và nó xuất phát từ đâu, từ bao giờ?

Khi còn nhỏ, đối với con cái mình, hầu hết những hành vi mà chúng ta đánh giá là không phù hợp như tức giận, gào khóc hoặc có rất nhiều vấn đề sức khỏe ở con trẻ như đau ốm, sốt cao… là một phần trong sự phát triển tưởng bình thường mà không bình thường của trẻ. Chúng ta vốn không hề biết rằng tất cả những biểu hiện trên rất có thể là do chính chúng ta, những người cha người mẹ đã tạo ra nó.

Trong phân tâm học, giai đoạn trẻ từ 1-3 tuổi được gọi là giai đoạn “khoái cảm hậu môn”, là giai đoạn đứa bé ý thức được chuyện đi ị, và nó biết rằng mẹ nó luôn quan sát, chăm sóc cho nó về vấn đề này, nó hiểu được rằng mình có thể điều khiển được mẹ nó bằng việc... đi ị.

Và thực tế, trẻ con thông minh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Có những đứa bé mà mẹ nó phải dành cả tiếng dỗ dành, ngồi cạnh nói chuyện âu yếm để xi nó ị. Đó là thời gian người mẹ toàn tâm toàn ý, chăm sóc, yêu thương nó… Đứa bé dùng chiêu này khi nó cảm thấy mẹ không dành thời gian cho nó đủ nhiều như giai đoạn sơ sinh trước đó.

Bệnh “táo bón” trở thành quyền lực của đứa trẻ.

Hay ví dụ như những cơn tức giận, ăn vạ. Trẻ nhỏ đôi khi sẽ đau bụng nếu bị thất vọng; trẻ sẽ đánh, đá lung tung như một nỗ lực để đạt được ý muốn hay để nói ra những điều làm chúng tức giận và đau khổ.

Đây là những hành vi phát triển thích hợp với lứa tuổi của trẻ và là một phần của sự trưởng thành, nhưng chúng ta chưa thực sự hiểu bản chất đằng sau đó. Đây là giai đoạn trẻ chưa biết hết mọi quy tắc và các bé cũng chưa hiểu được hành vi của mình ảnh hưởng thế nào đến người khác. Do vậy, chúng sẽ từng bước, từng bước kiểm tra các ranh giới (cũng như sự kiên nhẫn của cha mẹ) như một phần tự nhiên trong quá trình phát triển.

Qua đó, trẻ sẽ biết được đâu là giới hạn và rất nhiều phản ứng mà chúng có thể kích hoạt; đồng thời, chúng cố gắng thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của bản thân và học cách thể hiện cảm xúc một cách hợp lý, chấp nhận được.

Tôi từng được lắng nghe một câu chuyện về bé Yan 6 tuổi luôn cảm thấy sợ hãi mỗi lần bố mẹ cãi nhau, nhưng sau một lần khi Yan bị ốm và phải nằm viện, suốt khoảng thời gian đó bố mẹ em đã không để xảy ra bất kì xung đột nào, bố thì đi làm về sớm, mẹ thì dành hầu hết thời gian chăm sóc cho Yan.

Cũng bắt đầu từ đó, trong tâm trí đứa trẻ hình thành một tư duy: nếu mình ốm, nếu mình chỉ cần yếu một chút thì bố mẹ sẽ không cãi nhau nữa mà chăm sóc yêu thương mình. Ốm đau khóc lóc, hay nôn cháo ra trở thành một chiến lược của bé.

Những câu chuyện tương tự cực kì phổ biến nếu bạn quan sát. Lý do là tâm trí của chúng ta hình thành các cơ chế sinh tồn từ khi còn rất nhỏ, nhưng tâm trí không thông thái (wise) - nó chỉ khôn lỏi (smart).

Nếu chúng ta biết và bắt đầu ghi nhận một mệnh đề nếu-thì trong tâm lý, ngay lập tức một chương trình được thiết lập, theo năm tháng chúng ta sẽ dần dần tự biến mình thành một “con người nạn nhân” khi lớn lên.

Vậy chẳng nhẽ lúc đó người lớn nên lờ con đi hay nên nghiêm khắc hơn? Và nếu có nghiêm khắc thì nên nghiêm khắc theo cách nào để mọi chuyện không tệ đi?

Ngược lại, nhiều trường hợp khi trẻ bị ốm mà không được quan tâm thì khi lớn lại hình thành cơ chế không kết nối mỗi khi mình bị ốm hay thất bại, không cho phép bản thân, thậm chí không có khả năng đón nhận sự chăm sóc hay quan tâm của bất kì ai.

Vậy nên mới nói Yêu thương phải đi đôi với kỷ luật.

Chính trong cuốn sách “Kỷ luật không nước mắt” của tác giả Sara Au – Peter L Stavinoha, PHD đã làm rõ được sự thật này và bản chất của rất nhiều dạng tâm lý ẩn đằng sau mỗi hành động của chúng ta cũng như của những đứa trẻ.

Đa số phụ huynh chỉ hiểu kỷ luật đồng nghĩa với việc áp dụng những hình phạt khi con phạm lỗi. Vì hiểu nhầm cơ bản này, cũng như việc không nắm bắt được bản chất thật của tâm lý, dẫn đến chuyện hầu hết chúng ta đều cho rằng nếu cho con thấy hậu quả việc con làm thì chúng ta có thể quản lý hành vi của con sau này. Và theo đó chúng ta xử phạt để ngăn chặn hành vi xấu của trẻ.

Nhưng bạn biết đấy, việc dùng hình phạt không phải luôn đạt hiệu quả, và nếu có thì chúng cũng chỉ có hiệu quả ngắn hạn. Nói đơn cử như việc chúng ta thường chờ tới khi con mình giật đồ của bạn thì chúng ta mới nhắc nhở đó là hành động sai và ta phạt trẻ

Trong khi mô hình ABC đã được đề cập trong cuốn sách như một phương pháp tâm lý học phân tích hành vi, bao gồm: Tiền đề (Antecedent), Hành vi (Behavior), Hệ quả (Consequence).

Phương pháp này giúp chúng ta luôn thấu hiểu bản thân tâm lý của trẻ nhỏ và đưa ra được những phương án định hình tâm lý từ trước khi có hành động cụ thể, nó giống như quá trình mình phòng bệnh hơn chữa bệnh

Qua đây tác giả sẽ giúp bạn diễn giải rộng hơn rằng: Kỷ luật là bao gồm cả việc tư vấn, động viên, bỏ qua, huấn luyện, thực hành, khen ngợi và đôi khi cũng cần có hình phạt. Nhưng trên hết là chúng ta cần nắm được phương pháp giúp ta thấu hiểu tâm lý của trẻ một cách đúng đắn.

Mặc dù bạn có thể thấy phân tích như vậy là hơi máy móc, nhưng hãy hợp tác cùng tác giả, vì qua quyển sách này, bạn có thể tác động lên hành vi của trẻ nhờ vào việc kiểm soát các tiền đề và vận dụng các hệ quả theo nhiều cách khác nhau.

Đầu mối để nắm bắt động cơ thực hiện hành vi của trẻ, và quan trọng hơn cả là những hành động khôn ngoan mà bạn có thể áp dụng, đều nằm trong nội dung của mô hình này.

Đây cũng là nền tảng đầu tiên, là chiếc chìa khóa quan trọng để mở được cánh cửa cho kế hoạch thực hiện kỷ luật không nước mắt của gia đình bạn.

Nếu không nắm bắt được tất cả những điều này, thì rồi không chỉ là vấn đề sức khỏe hay những tính cách không hay, như dễ nóng giận, tính ỷ lại mà khi lớn lên, chính những đứa trẻ này sẽ luôn chọn cho bản thân mình một hình bóng của một nạn nhân: đời tôi khổ lắm, chồng tôi là khốn nạn lắm, không ai yêu tôi, tôi xấu quá, tôi nghèo quá…

Chừng nào bạn còn lựa chọn là nạn nhân, còn có một sự hiểu lầm lệch lạc về loại quyền lực đó, chúng ta còn ở trong mớ bòng bong của chính mình. Và chúng ta vẫn đang tiếp tục tạo ra những người con “nạn nhân” của mình.

Trẻ em cần cảm nhận được tình yêu thương từ những người nuôi dạy chúng và biết giá trị của chúng đối với thế giới này. Nhưng yêu thương không đồng nghĩa với việc nuông chiều trẻ mọi lúc. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con còn có nghĩa là dám nói “Không” với con ngay cả trong lúc trẻ đang được quan tâm, yêu quý nhất. Yêu thương phải đi đôi với kỷ luật. Bởi vì cùng với nhau, kỷ luật và yêu thương sẽ tạo nên nền tảng vững chắc nhất cho cuộc đời của một đứa trẻ.

*Bài viết trich từ cuốn sách “Kỷ luật không nước mắt” theo quan điểm của các tác giả Sara Au – Peter L Stavinoha, PHD.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024