Buổi trò chuyện có sự tham dự của bác sĩ chuyên khoa tâm thần và chuyên viên tâm lý trị liệu Nguyễn Minh Tiến, một trong những người đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và giới thiệu thuyết Phân tích Tương giao, cùng với giảng viên tâm lý học Huỳnh Hiếu Thuận, người chuyển ngữ cuốn sách “Tôi ổn – Bạn ổn”, nhà báo Nguyễn Hậu và đông đảo bạn đọc.
Thuyết Phân tích tương giao và hành trình đến với độc giả Việt Nam
Mở đầu cuộc trò chuyện, dịch giả Huỳnh Hiếu Thuận chia sẻ: “Tôi nhận chuyển ngữ cho cuốn sách ‘Tôi ổn - Bạn ổn’ vào năm 2017. Tại thời điểm đó, khi tìm kiếm các thông tin liên quan đến học thuyết Phân tích Tương giao tại Việt Nam thì đều xuất hiện cái tên Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến. Hoá ra 12 năm trước bác sĩ Nguyễn Minh Tiến đã giảng dạy học thuyết này tại trường Đại học Văn Hiến.”. Tuy nhiên, theo lời giải thích của bác sĩ, ông không phải là người đi đầu trong công cuộc mở đường cho học thuyết này ở Việt Nam, mà là cố tiến sĩ Tô Thị Ánh.
BS chuyên khoa tâm thần và chuyên viên tâm lý trị liệu Nguyễn Minh Tiến |
Dựa trên những tài liệu được cố tiến sĩ giới thiệu trong giáo trình giảng dạy tâm lý trị liệu cho sinh viên khoa công tác xã hội của Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Tiến tiếp tục đào sâu và nghiên cứu thêm về học thuyết này. Sau đó, ông trở thành một phần không thể thiếu của cuốn sách khi được mời làm người hiệu đính cho “Tôi ổn - Bạn ổn”.
Để bàn luận sâu hơn về học thuyết Phân tích Tương giao, bác sĩ Tiến khái quát lại khái niệm một cách dễ hiểu hơn, ông định nghĩa: “Tương giao là chỉ sự tương tác qua lại giữa con người với nhau. Tương giao hay tương tác có hàm ý là những tác động hoặc trao đổi thông tin với người khác, nói cách khác là khi hai người cùng truyền thông tin qua lại với nhau.”
Tiếp lời, bác sĩ Tiến khẳng định liệu pháp phân tích Tương giao là một hệ thống lý thuyết rất rườm rà và phức tạp. Trong phân tích Tương giao, người ta quan niệm trong cơ cấu nhân cách của mỗi người đều có sự xuất hiện của 3 trạng thái Cái Tôi: Cái Tôi Cha Mẹ (P – Parent), Cái Tôi Người Lớn (A – Adult), Cái Tôi Trẻ Em (C – Child). Ba trạng thái Cái Tôi xuất hiện từ những năm đầu đời, nắm quyền kiểm soát và chi phối cảm xúc, hành động của mỗi người.
Chúng được hình thành bằng cách phát lại các cuộn băng trong quá khứ, bao gồm con người thật, thời gian thật, nơi chốn thật, các quyết định và các cảm xúc có thật. Cái Tôi P, A hoặc C sẽ luôn trong trạng thái hòa quyện trong người mỗi chúng ta. Mỗi khi xét về một tương giao hay một tương tác qua lại giữa hai người thì chúng ta có xu hướng lựa chọn sử dụng thành phần Cái Tôi nào phù hợp với tình huống đó.
Dịch giả Huỳnh Hiếu Thuận giải thích thêm “Tùy vào hoàn cảnh mà chúng ta sẽ quyết định xem nên sử dụng Cái Tôi nào để tương tác với người khác. Chẳng hạn như khi vui chơi, giải trí, ta cần kích hoạt Cái Tôi C, hoặc khi chăm nom người khác là thời điểm lý tưởng để Cái Tôi P xuất hiện. Vì thế, không phải lúc nào để Cái Tôi A nắm quyền cũng là điều tốt.”
Nhà báo Nguyễn Hậu, BS Nguyễn Minh Tiến và dịch giả Huỳnh Hiếu Thuận trao đổi với bạn đọc |
Tự viết nên kịch bản cho cuộc đời mình
Băn khoăn về những thái cực đối lập xảy ra trong chính một con người, một khán giả đặt câu hỏi: “Tại sao có những đứa trẻ lớn lên trong sự bạc đãi của cha mẹ, nhưng khi chúng trưởng thành và có con thì họ không đối xử tệ với con mình như họ đã từng bị như thế?”
Theo Bác sĩ Tiến, khi chúng ta lập các tương giao trong đời sống thường có khuynh hướng đi tìm những sự tương tác từng xuất hiện trong quá khứ, đã khiến ta cảm nhận mình đang tồn tại và được người khác công nhận. Tức là, các trạng thái Cái Tôi được hình thành từ những năm đầu đời không có kịch bản sẵn, không phải tiền định, nên không mang tính định mệnh. Từ đó, ông khẳng định, “Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi và lựa chọn số phận của bản thân theo chính cách sống của mình.”
Lớn lên trong môi trường bị bạo hành không đồng nghĩa với việc bản thân sẽ làm điều tương tự với con cái. Bằng chính ý thức, chúng ta cũng có thể kiến tạo nên những điều mới mẻ và hành trình này cần đến sự phát triển của Cái Tôi A để truy vấn Cái Tôi P và Cái Tôi C. Từ việc khám phá và hiểu thấu ba trạng thái Cái Tôi, mỗi chúng ta đều có thể tự do thay đổi để hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính bản thân mình.
Khách tham dự đặt câu hỏi trong phần giao lưu với diễn giả |
Đi tìm cái “ổn” trong xu hướng chọn lựa cuộc sống đơn độc
Sống đơn độc đang là một xu hướng được ưa chuộng của một số người trẻ hiện nay. Trong buổi giao lưu, chị Thúy – một bạn đọc đã nghiền ngẫm cuốn sách này thắc mắc: “Tôi cảm thấy rất ổn khi ở một mình và không tương tác với một ai cả. Nhưng người khác lại nghĩ là tôi không ổn. Vậy tôi có đang ổn hay không, nhờ bác sĩ phân tích?”
Lý giải vấn đề này, bác sĩ Tiến cho rằng, việc cảm thấy bản thân ổn theo cách đó là một trạng thái có tính rủi ro cao. Bạn sẽ không có cách nào để xây dựng những mối tương giao, kể cả với người mà bạn thấy lành mạnh và tốt đẹp, bởi bạn chỉ thấy tốt đẹp khi ở một mình mà thôi. Tuy nhiên, trạng thái đó khá trái ngược với những nhu cầu sống thông thường của con người.
Hạnh phúc, theo một cách hiểu chung, thì nó đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng có hiểu biết, có lựa chọn và có chấp nhận rủi ro. “Khi chúng ta tránh các rủi ro thì đồng nghĩa với việc mình cũng từ chối những điều tốt đẹp”, bác sĩ chia sẻ.
Cuộc sống này vốn thường xuyên xảy ra những biến cố không thể dự đoán trước, và trong những mối tương giao giữa con người với nhau không hẳn lúc nào cũng tốt đẹp và lành mạnh. Bác sĩ Tiến nhấn mạnh, “Học thuyết Tương giao giúp chúng ta quay lại và xâu chuỗi những dữ liệu đã được lưu trữ từ trong quá khứ, sau đó sử dụng chúng vào việc ứng biến với các tình huống trong thực tế để cân bằng được giữa những điều nên và không nên, cảm tính và lý tính.”
“Tôi ổn - Bạn ổn” hay thuyết Phân tích Tương giao không phải là “liều thuốc thần” giúp bạn vượt qua khó khăn về mặt cảm xúc ngay tức khắc bởi đó là cả một hành trình lâu dài. Nhưng những gì mà chúng mang lại sẽ giúp bạn tự nhận thức được sự “bất ổn” trong chính bản thân mình - bước đầu tiên trên hành trình gỡ bỏ những gánh nặng “tôi không ổn” từ quá khứ. Bằng việc khám phá nhân cách, hiểu được những phán quyết xưa cũ, chúng ta có thể tự lựa chọn cách sống để tìm thấy tự do, hướng đến cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Bạn đọc đặt câu hỏi trong phần giao lưu với diễn giả |
4 vị thế sống được Thomas A. Harris phát triển trong cuốn sách “Tôi ổn - Bạn ổn”
- “Tôi không ổn – Bạn ổn”: Vị thế sống tiêu cực đầu đời của số đông. Người sống ở vị thế này nhìn nhận bản thân kém cỏi, không có giá trị và phải liên tục tìm kiếm tương tác kích thích và sự công nhận từ người khác.
- “Tôi không ổn – Bạn không ổn”: Xuất hiện ở những đứa trẻ bị bỏ rơi, không được chăm sóc. Trong vị thế này, Cái Tôi Người Lớn ngừng phát triển và cá nhân rơi vào trạng thái thu rút và tuyệt vọng.
- “Tôi ổn – Bạn không ổn”: Harris gọi đây là vị thế của kẻ phạm tội, thường xuất hiện ở những đứa trẻ bị bạo hành nghiêm trọng. Người chấp nhận vị thế này không thể khách quan về bản thân và luôn đổ lỗi cho người khác. Họ “mù luân lý” và dễ sa vào các hành vi phạm tội.
- “Tôi ổn – Bạn ổn”: Đây là vị thế được chọn bởi Cái Tôi Người Lớn lành mạnh, được giải phóng, là vị thế duy nhất đảm bảo cho hạnh phúc con người.