Bạn thật sự là ai - Có bao giờ bạn bị nói hoặc cảm thấy mình là người giả tạo?

Nguyễn Phương15/10/2022 09:00
 Bạn thật sự là ai - Có bao giờ bạn bị nói hoặc cảm thấy mình là người giả tạo?

Thực ra theo tâm lý học, một người có khả năng thích nghĩ hay tự điều chỉnh ít hoặc nhiều không có nghĩa là họ chân thật hơn hoặc giả tạo hơn những người thuộc nhóm còn lại

Có một câu nói nổi tiếng là “fake it till you make it - Giả vờ cho đến khi bạn thực sự làm được” đối với một số người đây là một mệnh đề giả dối.

Người ta mặc định rằng mọi hành vi không đồng bộ với cảm xúc nội tại đều là giả dối, do đó mới có lời kêu gọi “hãy luôn làm con người thật của mình”.

Tôi nghĩ một số độc giả có thể đồng ý rằng quan điểm “luôn là chính mình” đang kìm kẹp và hạn chế khả năng phát triển của chúng ta. Tuy nhiên, nhiều người khác sẽ rất khó chịu với ý tưởng này. Vì vậy, có thể sẽ có ích nếu chúng ta xem xét thêm một đặc điểm tính cách khác để xem bạn có tán thành quan điểm đa chân tính hay không. Đặc điểm này được gọi là tính tự điều chỉnh và nó tập trung đánh giá xem chúng ta có khuynh hướng trung thành với một cách hành xử hay linh hoạt thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh.

Mối liên quan giữa khả năng tự điều chỉnh và chân tính. Để đánh giá mức độ tự điều chỉnh của bạn, hãy xem các nhận định bên dưới.

1. Tôi dễ dàng bắt chước hành vi của người khác.

2. Trong những tình huống khác nhau và với những người khác nhau, tôi thường có cách hành động rất khác nhau.

3. Không phải lúc nào tôi cũng giống với những gì tôi thể hiện ra bên ngoài.

Nếu bạn hoàn toàn đồng ý với từng nhận định trên, có nhiều khả năng bạn là người có tính tự điều chỉnh cao.

Các nghiên cứu quy mô lớn đã chỉ ra rằng những người có tính tự điều chỉnh cao thường đạt được thành tích tốt trong một số lĩnh vực của cuộc sống, nhưng lại kém trong những lĩnh vực còn lại. Công việc là một trong những lĩnh vực mà họ có ưu thế.

Nếu là người dễ thích nghi và có tính tự điều chỉnh cao, bạn có nhiều khả năng được thăng chức và đảm nhận các vị trí lãnh đạo hơn những người có mức độ tự điều chỉnh thấp trong công ty.

Một trong những lý do bạn xuất sắc trong công việc là vì bạn có thể đóng nhiều vai trò khác nhau để trở thành cầu nối giữa các nhóm và các liên minh khác nhau.

Tuy nhiên, một người có khả năng tự điều chỉnh cao hoặc thấp không có nghĩa là họ có chân thật hơn hoặc giả tạo hơn những người thuộc nhóm còn lại. Và đây chính là luận điểm mà tôi dùng để bẻ gãy những lời khuyên “hãy là chính mình”.

Mark Snyder, người khởi xướng thuyết tự điều chỉnh, cho rằng người có tính tự điều chỉnh thấp là người sống tuân thủ nguyên tắc, trong khi người có tính tự điều chỉnh cao thì khá thực tế.

Nếu bạn là người có tính tự điều chỉnh cao? Vậy thì sự chú ý của bạn tập trung vào những đòi hỏi thiết thực của việc sống trong một thế giới phức tạp. Những đòi hỏi này bao gồm hòa hợp với những người khác nhau có những kỳ vọng khác nhau và nắm bắt những thời cơ khác nhau khi cần. Đó rõ ràng là tính thực tế.

Nhưng tôi nghĩ người có tính tự điều chỉnh cao cũng rất nguyên tắc trên một vài phương diện.

Bạn có thể coi trọng tình bạn hoặc sự hài hòa, hoặc quan tâm đến nhu cầu của người khác, không muốn làm tổn thương mọi người. Nó là chân tính tốt đẹp trong bạn.

Và nếu trong quá trình này, bạn không thể thể hiện rõ hình ảnh một con người nhất quán thì bạn cũng thấy chẳng sao cả - thật ra, như vậy lại tốt hơn.

Thực tế, nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng tính tự điều chỉnh không cố định như một đặc điểm sinh học, mà nó linh hoạt như một nét tính cách tự do. Bạn áp dụng khả năng này khi nó giúp ích cho các công trình cá nhân của bạn.

Trên thực tế, chúng ta có nhiều cách thể hiện chân tính, và những cách thể hiện đó không phải là những đặc điểm cố định của con người, mà là những chiến lược linh hoạt để chúng ta tương tác với bản thân và thế giới.

Khái niệm này được tác giả Brian R. Little nhắc tới trong cuốn sách “Bạn thật sự là ai?” - Thật ra, bạn không có một con người thật. Bạn đa chân tính. Cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng của tính cách trong việc định hình cuộc sống của mỗi người chúng ta, đồng thời giới thiệu về “bản tính thứ ba”, hay còn gọi là bản tính đặc trưng, hoàn toàn khác với bản tính sinh học và xã hội.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024