Tôi ổn - Bạn ổn: 3 trạng thái của 'cái Tôi' trong mỗi con người, hiểu để chữa lành và trưởng thành

Nguyên Phương27/09/2022 10:04
Tôi ổn - Bạn ổn: 3 trạng thái của 'cái Tôi' trong mỗi con người, hiểu để chữa lành và trưởng thành

Gỡ bỏ gánh nặng “Tôi không ổn” từ tuổi thơ để sống hạnh phúc.

Khi bạn lắng nghe và quan sát một ai đó, bạn có thể nhận thấy họ thay đổi ngay trước mắt mình. Nó là một sự thay đổi toàn diện. Có nhiều thay đổi xảy ra cùng lúc trong nét mặt, ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ và chuyển động cơ thể, những điều có thể khiến gương mặt ửng hồng, tim đập mạnh hoặc hơi thở trở nên gấp gáp.

Chúng ta có thể quan sát những thay đổi đột ngột này ở mọi người: Một bé trai khóc òa lên khi không thể làm cho món đồ chơi hoạt động, một thiếu nữ mới lớn với vẻ mặt thiểu não bỗng tràn ngập niềm vui khi chiếc điện thoại cuối cùng cũng đổ chuông, một người đàn ông mặt mày tái nhợt và run lẩy bẩy khi nhận được tin một vụ làm ăn nữa của anh vừa thất bại, một người cha có vẻ mặt “hóa đá” khi cậu con trai bất đồng với ông.

Cá nhân có những kiểu biến đổi đó vẫn là cùng một người, hiểu theo nghĩa có cùng cấu trúc xương, da và đang mặc cùng bộ quần áo. Thế thì điều gì thay đổi bên trong họ? Họ thay đổi từ cái gì sang cái gì? Hãy thử tìm hiểu về các trạng thái của “Cái Tôi” để lý giải câu hỏi trên nhé!

Cái tôi cha mẹ

Cái Tôi Cha Mẹ là một tập hợp các bản ghi lưu trữ trong não bộ về các sự kiện ngoại tại gây ấn tượng mạnh mẽ và không thể ngờ vực của một người trong những năm tháng đầu đời – khoảng năm năm đầu tiên trong đời người. Đây là khoảng thời gian trước giai đoạn “khai sinh xã hội” của một cá nhân, trước khi cá nhân rời khỏi gia đình để đáp ứng những yêu cầu của xã hội và bước chân vào trường học.

Tất cả những gì đứa trẻ nhìn thấy và nghe được từ cha mẹ sẽ được ghi vào Cái Tôi Cha Mẹ. Mọi người đều có một Cái Tôi Cha Mẹ, trong đó chứa đựng các kích thích ngoại tại mà họ đã trải nghiệm trong những năm tháng đầu đời. Cái Tôi Cha Mẹ ở mỗi người là đặc thù, là bản ghi lại chuỗi kinh nghiệm đầu đời độc đáo của riêng họ.

Cái Tôi Cha Mẹ ghi lại tất cả những lời la rầy, khiển trách, các phép tắc, luật lệ mà đứa trẻ đã nghe từ cha mẹ mình và thấy cách họ hành xử trong cuộc sống.

Một điểm quan trọng là dù cho những luật lệ ấy là tốt hay xấu dưới ánh sáng đạo đức, thì chúng đều được đứa trẻ ghi lại như chân lý đến từ một nguồn được đảm bảo an toàn – một con người trưởng thành cao lớn mà vào lúc ấy là quan trọng với đứa trẻ, nên nó phải lấy lòng và tuân lệnh. Đó là một bản ghi trường tồn. Người ta không thể dễ dàng xóa bỏ nó. Bản ghi ấy luôn có khả năng phát lại trong suốt cuộc đời.

Cái tôi trẻ em

Trong khi các sự kiện ngoại tại đang được ghi lại thành phần dữ liệu mà chúng ta gọi là Cái Tôi Cha Mẹ, thì có một bản ghi khác cũng được thực hiện đồng thời. Đây là bản ghi các sự kiện nội tại, là những hồi đáp của một con người non trẻ với những gì nó nhìn thấy và nghe thấy. Phần dữ liệu này là “nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy và hiểu được”. Nó tạo nên Cái tôi trẻ em.

Trẻ em không thể tự lực, các em bé nhỏ, sống lệ thuộc, nó yếu đuối, vụng về và không có vốn từ để xây dựng các ý nghĩa. Vậy nên các em rất dễ sinh ra những cái nhìn tiêu cực về mình. Bên cạnh đó cũng có vô số những yêu cầu không thể thỏa hiệp được đặt lên đứa trẻ.

Thông thường, các em luôn có sự thôi thúc giải phóng tính tùy hứng để khám phá, trải nghiệm và bộc lộ cảm xúc. Tuy nhiên, các em phải đối mặt với mệnh lệnh kiên định từ môi trường, chủ yếu là cha mẹ, làm từ bỏ thỏa mãn của chính các em. Nó tạo cho các em một sự “không ổn” trong cái tôi trẻ em.

Nhưng vấn đề cũng có mặt tươi sáng! Trong Cái Tôi Trẻ Em cũng lưu trữ một kho khổng lồ những dữ liệu tích cực. Trú ngụ trong Cái Tôi Trẻ Em còn có sự sáng tạo, tính tò mò, ham muốn khám phá và hiểu biết, những thôi thúc xúc chạm, cảm nhận và trải nghiệm và các bản ghi cảm giác vẻ vang nguyên sơ của những khám phá đầu tiên.

Trong Cái Tôi Trẻ Em có ghi lại vô số kinh nghiệm vỡ lẽ – những trải nghiệm đầu tiên trong cuộc đời đứa trẻ, lần uống nước đầu tiên bằng vòi tưới trong vườn, cái vuốt ve đầu tiên lên bộ lông mềm mượt của con mèo, lần đầu tiên ngậm chặt vú mẹ, lần đầu tiên thấy đèn bật sáng khi nhấn vào công tắc, lần đầu tiên cố nắm bánh xà phòng chìm trong bồn tắm, đó đều là những hành động vẻ vang mà đứa trẻ muốn thực hiện đi thực hiện lại. Cảm giác từ những điều tươi sáng này cũng được ghi lại.

Tuy nhiên cảm xúc “không ổn” thường nặng ký hơn những ký ức tươi đẹp. Trong khi đó, Cái Tôi Cha Mẹ và Cái Tôi Trẻ Em ghi lại những thứ, dù tốt dù xấu, dường như không thể tẩy xóa được. Vậy chúng ta có hy vọng nào cho việc thay đổi không?

Cái tôi người lớn

Khi một đứa trẻ tới mười tháng tuổi, các em có thể nhận ra mình làm việc gì đó phát xuất từ nhận thức và suy nghĩ độc đáo của riêng mình. Khả năng tự-thực-hiện này là sự khởi đầu của Cái Tôi Người Lớn. Dữ liệu được tích lũy trong Cái Tôi Người Lớn là kết quả từ khả năng của đứa trẻ trong việc tự khám phá ra rằng có điều gì khác biệt giữa cuộc sống theo “khái niệm được dạy” trong Cái Tôi Cha Mẹ và cuộc sống theo “khái niệm được cảm nhận” trong Cái Tôi Trẻ Em.

Cái Tôi Người Lớn phát triển một “khái niệm được tư duy” về cuộc sống dựa trên sự thu thập và xử lý dữ liệu.

Khả năng vận động – thứ sản sinh ra Cái Tôi Người Lớn – trở thành thành một sự trấn an trong cuộc sống về sau, khi một người rơi vào khó khăn hay đau khổ. Anh ta đi dạo để “thanh lọc tâm trí”. Việc bước đi có vẻ tương đồng với sự giải tỏa khỏi cảm giác lo âu. Có một bản ghi cho rằng di chuyển là việc tốt, rằng nó có một năng lực riêng biệt, giúp người ta nhìn sáng rõ hơn về bản chất vấn đề.

Cái Tôi Người Lớn trong những năm đầu đời rất mong manh, dễ vỡ và mang tính thử nghiệm. Nó dễ dàng bị “đánh gục” bởi các mệnh lệnh từ Cái Tôi Cha Mẹ và bởi các nỗi sợ hãi trong Cái Tôi Trẻ Em. Khi đứa trẻ định chạm vào chiếc cốc thủy tinh, người mẹ hét lên: “Không, không! Không được đụng vào nó!”.

Đứa trẻ có thể lùi lại và khóc òa lên, nhưng khi có cơ hội lần nữa, nó sẽ chạm vào chiếc cốc bằng bất cứ giá nào để xem chiếc cốc ấy thật sự là gì. Ở hầu hết mọi người, Cái Tôi Người Lớn vẫn sống sót và tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn khi tiến trình trưởng thành tiếp tục diễn ra, bất chấp tất cả những rào cản được đặt ra trước nó.

Thông qua Cái Tôi Người Lớn, đứa trẻ có thể bắt đầu nói về sự khác biệt giữa cuộc sống mà nó được dạy và được giải thích (Cái Tôi Cha Mẹ), cuộc sống mà nó cảm nhận hoặc mong muốn hoặc tưởng tượng (Cái Tôi Trẻ Em) và cuộc sống mà nó tự tìm hiểu được (Cái Tôi Người Lớn).

Công việc liên tục của Cái Tôi Người Lớn bao gồm kiểm tra dữ liệu cũ, xác nhận hay vô hiệu hóa dữ liệu ấy và tái dự trữ nó cho lần sử dụng trong tương lai. Nếu công việc này tiến hành trôi chảy và không xuất hiện xung đột giữa điều đã được dạy và điều thực tế diễn ra, thì phần tâm trí trong Cái Tôi Người Lớn sẽ được tự do thực hiện công việc quan trọng mới: “sáng tạo”.

VẬY NẾU TÂM TRÍ CHÚNG TA KHÔNG THỂ TÁCH BIỆT ĐƯỢC “3 CÁI TÔI”, THÌ CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA?

Định kiến

Ở một người bình thường trong trường hợp lý tưởng, quỹ đạo vận hành của Cái Tôi Cha Mẹ – Cái Tôi Người Lớn – Cái Tôi Trẻ Em sẽ tách biệt nhau. Tuy nhiên, ở nhiều người, quỹ đạo này chồng lấn lên nhau. Sự chồng lấn có thể là Cái Tôi Người Lớn bị ô nhiễm bởi dữ liệu lỗi thời và không được xem xét kiểm chứng của Cái Tôi Cha Mẹ. Điều này còn được gọi là định kiến.

Do vậy, các kiểu niềm tin như “học giỏi các môn tự nhiên sẽ thành công hơn giỏi các môn xã hội”, “thuận tay phải thì tốt hơn thuận tay trái” và “ăn mặc không kín đáo thì không phải là người tốt” được ra đời dựa trên cơ sở của những phán xét vội vã trước khi dữ liệu thực tế (từ Cái Tôi Người Lớn) được xem xét kỹ càng. Định kiến phát triển từ ấu thơ khi cánh cửa của sự truy vấn đối với các chủ đề nhất định bị đóng sầm lại bởi bậc cha mẹ – vốn là nguồn cung sự an toàn. Đứa trẻ không dám mở cánh cửa đó ra vì sợ bị khiển trách, trừng phạt bởi cha mẹ.

Chúng ta hẳn đều từng nếm trải sự khó khăn khi tranh luận với một người đầy định kiến, mặc cho lập luận của ta có logic tới đâu. Cái Tôi Cha Mẹ của những người này thống trị một phần Cái Tôi Người Lớn của họ, và họ sẽ rào chắn xung quanh định kiến của mình bằng mọi kiểu lập luận không chính đáng nhằm củng cố cho vị thế của họ. Vị thế của họ càng có vẻ bất hợp lý chừng nào, thì sự cứng nhắc của vị thế đó càng tạo cảm giác an toàn chừng đó.

Cách duy nhất để loại bỏ định kiến là phơi bày sự thật rằng không còn nguy hiểm, rủi ro gì khi không đồng ý với điều cha mẹ từng nói trước đây và bắt đầu cập nhật những dữ liệu mới từ thực tại cho Cái Tôi Cha Mẹ. Do đó, việc điều trị có thể được xem như tiến trình tách biệt và phục dựng lại ranh giới giữa chúng. 

Hoang tưởng 

Sự chồng lấn giữa Cái Tôi Người Lớn và Cái Tôi Trẻ Em dưới dạng các cảm xúc hoặc các kinh nghiệm xưa cũ, thứ được ngoại hiện một cách không phù hợp trong hiện tại, mà triệu chứng của nó là hoang tưởng.

Hoang tưởng hình thành dựa trên nỗi sợ hãi. Một đứa trẻ thường xuyên sợ hãi những trận bạo hành từ bậc phụ huynh nóng nảy khó lường có thể trở thành một người lớn luôn căng thẳng, tràn ngập nỗi sợ hãi tương tự, đến mức anh ta có thể ngụy tạo ra những dữ liệu “hợp lý” để củng cố cho nỗi sợ của mình. 

Giống như trường hợp của định kiến, sự hoang tưởng này không thể được loại bỏ bằng một tuyên bố đơn giản về sự thật khách quan. Nó chỉ có thể bị loại bỏ bằng cách khám phá được sự thật là mối đe dọa đối với Cái Tôi Trẻ Em phát xuất từ tình huống gốc đã không còn tồn tại trên thực tế nữa. Chỉ khi Cái Tôi Người Lớn đã được khử nhiễm, được “làm sạch” thì nó mới có thể tính toán, xử lý các dữ liệu.

Ảo giác

Các ảo giác là một dạng ô nhiễm Cái Tôi Người Lớn khác bởi Cái Tôi Trẻ Em. Ảo giác là hiện tượng được tạo ra bởi sự căng thẳng cực độ, tại đó, một trải nghiệm ngoại tại trước đây – sự xúc phạm, sự khước từ, sự chỉ trích – được trải nghiệm thực tế một lần nữa, mặc dù thật ra “không có ai ở đó cả”.

Một kinh nghiệm được ghi lại đã “biến thành thực tại” và người đó “nghe thấy” những giọng nói vốn tồn tại trong quá khứ. Nếu bạn hỏi anh ta giọng nói đó nói những gì, anh ta sẽ mô tả nội dung là các từ ngữ mang tính chỉ trích, đe dọa hay bạo lực. Ảo giác càng kỳ dị bao nhiêu, thì cuộc sống đối với anh ta dưới góc nhìn một đứa trẻ càng kỳ dị bấy nhiêu. Các ảo giác kỳ dị này không khó hiểu nếu chúng ta xem xét các kiểu bạo hành trong thực tế mà một số đứa trẻ phải chịu, bao gồm bạo hành thể xác và bạo hành bằng lời nói.

Tôi ổn - Bạn ổn - Gỡ bỏ gánh nặng “Tôi không ổn” từ tuổi thơ để sống hạnh phúc. Cuốn sách nói về nguyên tắc của Phân tích Tương giao (Transactional Analytics) - một học thuyết và phương pháp trị liệu tâm lý nổi tiếng. Một trong cuốn sách tâm lý học đại chúng kinh điển, đạt vị trí số 1 trong danh sách của New York Times suốt nhiều năm liền.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025