Đến nay, đã có nhiều tài liệu và nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của sự yêu thương đối với trẻ em. Trong lý thuyết gắn bó, nhà phân tâm học John Bowlby nhấn mạnh rằng các mối liên kết ban đầu giữa trẻ và người chăm sóc sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý lành mạnh của các em. Ông cho rằng sự gắn bó an toàn giúp trẻ phát triển lòng tự trọng và khả năng kết nối xã hội. Một số nghiên cứu khác về gia đình cho thấy những trẻ sống trong gia đình ổn định, yêu thương thường có kết quả học tập và sức khỏe tâm lý tốt hơn.
Mặt khác, các nghiên cứu của tiến sĩ Bruce Perry đã chỉ ra rằng các trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (như bị bỏ rơi, lạm dụng…) có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ, dẫn đến vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi của các em trong tương lai.
Trong cuốn sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó”, tiến sĩ Bruce Perry cho biết: “Nghiên cứu cho thấy số lượng sang chấn vào giai đoạn thơ ấu ở những người nghiện rượu và ma túy cao hơn đáng kể so với những cá nhân không bị nghiện. Quá khứ của những người nghiện nặng – đặc biệt là phụ nữ – thường đầy rẫy những biến cố như bị lạm dụng tình dục lúc nhỏ, mất mát người thân vì cha mẹ ly hôn hoặc qua đời, chứng kiến hành vi bạo lực nghiêm trọng, bị đánh đập, bỏ bê hoặc trải qua những sang chấn khác.
Ảnh quét não của những người từng gặp sang chấn thường cho thấy những bất thường ở một số khu vực não – những vùng cũng có sự biến đổi khi họ dùng chất gây nghiện. Có thể chính những sự bất thường này đã khiến họ dễ sa vào con đường nghiện ngập hơn người bình thường”.
Tiến sĩ Bruce Perry cho rằng, nếu chúng ta muốn nuôi dạy nên những đứa trẻ khỏe mạnh, những đứa trẻ sẽ kiên cường đối mặt với bất kỳ trải nghiệm đau đớn nào mà chúng có thể gặp phải, thì ta cần xây dựng một xã hội lành mạnh hơn. Bởi bản thân các cộng đồng lành mạnh là thứ có thể ngăn chặn các sự kiện gây sang chấn (như bạo lực gia đình và các tội ác bạo lực khác) ngay từ đầu. Điều mà trẻ em bị ngược đãi và sang chấn cần đến nhất là một cộng đồng lành mạnh để xoa dịu những nỗi đau đớn, khổ sở và mất mát do sang chấn gây ra.
Chúng ta có thể tạo ra bao nhiêu loại thuốc để hỗ trợ điều trị, nhưng thứ có tác dụng chữa lành nhất là số lượng và chất lượng những mối quan hệ của các em. Thứ giúp ích cho các em nhất là sự chăm sóc yêu thương diễn ra theo cách nhất quán, kiên nhẫn, lặp đi lặp lại.
“Càng có nhiều mối quan hệ lành mạnh thì một đứa trẻ càng có nhiều khả năng hồi phục sau sang chấn và phát triển mạnh mẽ. Các mối quan hệ chính là tác nhân của sự thay đổi và liệu pháp hiệu quả nhất chính là tình yêu thương của con người” - tiến sĩ Bruce Perry nhìn nhận.