​​​​​​​Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó -  Chữa lành cho trẻ em bị sang chấn nên bắt đầu từ não bộ

YÊN VŨ23/09/2024 08:00
​​​​​​​Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó -  Chữa lành cho trẻ em bị sang chấn nên bắt đầu từ não bộ

Theo tiến sĩ Bruce Perry, việc chữa lành cho trẻ em gặp sang chấn nên bắt đầu từ não bộ, và não bộ cần thời gian, sự lặp đi lặp lại và các trải nghiệm nhất quán để thay đổi các khuôn mẫu liên hệ của hệ thần kinh. 

Ngay từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến sau khi chào đời, mỗi giây phút não bộ của chúng ta phải không ngừng xử lý những tín hiệu liên tục được gửi về từ các giác quan. Hình ảnh, âm thanh, xúc chạm, mùi, vị – tất cả những dữ liệu thô đến từ các giác quan, được diễn giải thành cảm giác, sẽ đi vào phần dưới của não và bắt đầu một tiến trình gồm nhiều giai đoạn. Những dữ liệu này sẽ được phân loại, so sánh với các khuôn mẫu được lưu trữ trước đó, và cuối cùng được dùng làm căn cứ để hành động nếu cần thiết. 

Tiến sĩ Bruce Perry - giảng viên, chuyên gia lâm sàng và là nhà nghiên cứu tích cực về sức khỏe tâm thần của trẻ em và khoa học thần kinh - cho biết, chúng ta phớt lờ những khuôn mẫu thông tin quen thuộc trong những bối cảnh quen thuộc, thường xuyên đến mức chúng ta thường không thể nhớ nổi phần lớn thời gian trong ngày của mình, những lúc chúng ta thực hiện các hoạt động cơ bản như đánh răng hay thay quần áo.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ ghi nhớ một khuôn mẫu quen thuộc khi nó diễn ra trong một bối cảnh khác thường. Chẳng hạn như khi bạn cắm trại ngoài trời và đánh răng lúc mặt trời mọc. Vẻ đẹp trong khoảnh khắc ấy ấn tượng đến độ bạn sẽ nhớ về những giây phút ấy như một trải nghiệm độc nhất. Cảm xúc chính là tín hiệu dùng để phân định các bối cảnh. Cảm giác vui vẻ và hân hoan khi chiêm ngưỡng ánh bình minh trong tình huống này khác biệt với bản mẫu “đánh răng” quen thuộc được lưu trong ký ức, nhờ đó mà khoảnh khắc ấy trở nên ấn tượng và đáng nhớ. Tương tự, nếu bạn đang đánh răng thì một trận động đất xảy ra và phá hủy ngôi nhà, hai sự kiện ấy có thể vĩnh viễn liên kết với nhau trong tâm trí bạn và luôn được nhớ lại đồng thời.

Trong cuốn sách "Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó", tiến sĩ Bruce Perry lý giải: “Những cảm xúc tiêu cực thường khiến ta ghi nhớ một sự kiện kỹ hơn so với những cảm xúc tích cực, bởi việc nhớ lại những tình huống nguy hiểm – và bằng mọi giá tìm cách tránh lặp lại tình huống ấy trong tương lai – là hoạt động tối quan trọng để sinh tồn.

Chẳng hạn, nếu một con chuột không học được cách lẩn trốn khi ngửi thấy mùi mèo sau một lần bị truy đuổi, nó gần như sẽ không có khả năng sống sót và sinh sản. Tuy nhiên, vì lý do này, chính những kiểu liên kết trên lại có thể trở thành căn nguyên của các triệu chứng liên quan đến sang chấn. Với người sống sót sau một trận động đất đang khi đánh răng và phải chứng kiến cảnh ngôi nhà bị đổ sập trước mắt, thì chỉ việc nhìn thấy một chiếc bàn chải cũng đủ để kích hoạt một cơn hoảng loạn”.

Để hiểu thêm về điều này, bạn cần phải biết não bộ của chúng ta phát triển theo tuần tự và với một tốc độ đáng kinh ngạc trong những năm đầu đời. Đây cũng là lý do tại sao trẻ có nguy cơ sẽ chịu ảnh hưởng của một sang chấn lâu dài - bởi vì não bộ của các em còn đang phát triển. Tính khả biến kỳ diệu của những bộ não non nớt giúp trẻ em nhanh chóng được học cách yêu thương và sử dụng ngôn ngữ, không may cũng sẽ khiến các em trở nên cực kỳ dễ bị tổn thương trước những trải nghiệm tiêu cực.

Với nhiều năm nghiên cứu và điều trị cho trẻ em gặp sang chấn, tiến sĩ Perry nhận ra rằng những nạn nhân của sang chấn và tình trạng bỏ bê thời thơ ấu sẽ cần đến những trải nghiệm, chẳng hạn như được đung đưa và ôm ấp, phù hợp với độ tuổi của các em khi gặp tổn thương hay bị bỏ mặc chứ không phải theo một độ tuổi thực tế. Và những trải nghiệm mang tính trị liệu, mở mang tâm trí phù hợp với mức độ phát triển thần kinh đó phải diễn ra nhất quán, lặp đi lặp lại theo cách thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến bệnh nhân.

“Não bộ sẽ thay đổi trước những trải nghiệm có tính khuôn mẫu được lặp đi lặp lại: bạn càng lặp lại một hoạt động hay một suy nghĩ nhiều lần thì nó sẽ càng khắc sâu. Để tích lũy đủ số lần lặp lại sẽ phải mất nhiều thời gian, thế nên quá trình phục hồi đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn để duy trì sự lặp lại. Thời gian sang chấn càng lâu dài hoặc mức độ sang chấn càng nghiêm trọng thì ta sẽ cần đến nhiều lần lặp lại hơn để trở lại trạng thái cân bằng” - tiến sĩ Bruce Perry nhấn mạnh.


Gửi bình luận
(0) Bình luận