Theo tiến sĩ, bác sĩ Bruce Perry, những kinh nghiệm đầu đời của ta với thế giới xung quanh sẽ khuôn đúc nên thế giới quan của mỗi người. Vì lẽ đó, nếu chúng ta trải qua những trải nghiệm bất thường thuở đầu đời, những phán đoán này có thể dẫn dắt hành vi của chúng ta theo hướng sai lệch.
Theo đó, một trong những đặc trưng quan trọng của trí nhớ, mô thần kinh và của cả quá trình phát triển là chúng đều thay đổi nhờ những hoạt động khuôn mẫu được lặp đi lặp lại. Thế nên, những hệ thống nào trong não được kích hoạt nhiều lần thì sẽ thay đổi, còn những hệ thống không được dùng đến thì sẽ giữ nguyên hiện trạng.
Bác sĩ Bruce Perry lý giải: “Khi đã kết nối các khuôn mẫu cố kết và có liên hệ nhất quán lại với nhau, não bộ sẽ xem những trải nghiệm này là “bình thường” hay “hiển nhiên” và ngừng quá trình tập trung có ý thức vào những trải nghiệm tương tự. Ví dụ, khi được đặt vào tư thế ngồi lần đầu tiên lúc còn nhỏ, bạn sẽ chú ý đến những cảm giác hết sức mới lạ ở mông. Não của bạn phải học cách cảm nhận áp lực khi ngồi ở tư thế bình thường, từ đó bạn bắt đầu tìm hiểu cách cân bằng trọng lượng cơ thể mình thông qua hệ tiền đình vận động để có thể ngồi thẳng, và cứ thế bạn dần học được cách ngồi”.
Bởi vì tất cả những kinh nghiệm được lưu trữ trước đó đã định hình nên các mạng lưới thần kinh, những “bản mẫu” ký ức, mà giờ đây bạn dùng để diễn giải mọi thông tin mới mà mình nhận được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các trải nghiệm thời thơ ấu sẽ để lại những tác động lớn hơn hẳn các trải nghiệm sau này.
Trong cuốn sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó”, bác sĩ Bruce Perry đã đề cập đến trường hợp của Tina, cô bé từng bị xâm hại ở độ tuổi còn rất nhỏ. Những kinh nghiệm đầu đời của cô bé về nam giới và nam thiếu niên từng xâm hại mình đã định hình nên góc nhìn của em về bản chất của nam giới cũng như cách hành xử với họ. Trong thế giới của Tina, những người đàn ông to lớn hơn em là những sinh vật đáng sợ, đầy ham muốn, luôn cưỡng ép em hoặc mẹ em quan hệ tình dục. Mùi hương, hình ảnh và âm thanh gắn liền với nhóm đối tượng này đã kết hợp với nhau để dựng nên một bộ “bản mẫu ký ức” mà cô bé sử dụng để nhìn nhận thế giới
Vì thế, khi Tina lần đầu gặp bác sĩ Perry, cô bé đã cho rằng thứ bác sĩ muốn cũng là tình dục. Ở trường, khi phô bày cơ thể hay cố gắng lôi kéo những đứa trẻ khác vào các trò chơi mang màu dục tính, thật ra cô bé đang mô phỏng lại những cách hành xử duy nhất mà em biết. Cô bé đã không suy nghĩ một cách có ý thức về điều này. Đó đơn giản là một loạt các hành vi xuất phát từ những liên hệ độc hại và khuôn mẫu méo mó về tình dục của em.
Như bác sĩ Perry đã đúc kết: “Vì bộ não phải tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày, nên chúng ta phải sử dụng những khuôn mẫu có sẵn này để phán đoán về thế giới mình đang sống. Nếu chúng ta trải qua những trải nghiệm bất thường thuở đầu đời, những phán đoán này có thể dẫn dắt hành vi của chúng ta theo hướng sai lệch”.