Điều này được ông lập luận trong cuốn sách “Chiến thắng Con Quỷ bên trong” đầy sâu sắc. Trong sách, Napoleon đã đưa ra nhiều cái nhìn sâu sắc về tầm ảnh hưởng của thói quen đến đời sống của chúng ta.
Ông viết: “Thói quen thường không đi một mình, mà đi đôi, ba hoặc bốn. Bất cứ thói quen nào, một khi đã làm suy yếu khả năng tự chủ của một người, đều kéo theo cả bầy họ hàng của nó và dần sở hữu tâm trí của người đó. Thói quen hút thuốc lá không chỉ làm suy giảm khả năng kháng cự và lòng kiên trì của con người, nó còn khiến cho các mối quan hệ khác của con người cũng trở nên lỏng lẻo”.
Một điều đáng lưu ý là cuốn sách này được Napoleon Hill viết vào năm 1938 - rất lâu trước khi người ta phát hiện ra tính gây nghiện của thuốc lá, và khi ấy, những tác động của thói quen cũng chưa được đào sâu hay nghiên cứu kỹ càng - thế mà Napoleon Hill đã sớm nhận ra những hiểm họa ngầm của nó. Thông qua lời Con Quỷ, ông cho biết:
“Có thể ngươi không biết nhưng thuốc lá phá vỡ lòng kiên trì, hủy hoại tính nhẫn nại, làm hỏng khả năng tập trung; nó cũng gây suy mòn và ngầm phá hỏng năng lực tưởng tượng; bằng nhiều cách khác, nó còn ngăn con người sử dụng tâm trí một cách hiệu quả.
Ngươi có biết rằng trong tay ta có đến hàng triệu người, cả trẻ và già, cả nam và nữ, hút mỗi ngày hai gói thuốc lá không? Điều đó có nghĩa là hàng triệu người đang dần hủy hoại sức kháng cự hay đề kháng của chính mình.
Một ngày nào đó, ngoài thói quen hút thuốc lá, ta sẽ tiêm nhiễm thêm cho họ những thói quen phá hỏng tư duy khác, cho đến khi ta có thể kiểm soát tâm trí họ”.
Ngày nay, thông qua nhiều nghiên cứu, chúng ta có thể kiểm tra được tính đúng đắn trong quan điểm của Napoleon Hill. Nghiên cứu của Charles Duhigg - tác giả cuốn The Power of Habit - đã chỉ ra khi một thói quen được hình thành, nó thường kéo theo những hành vi khác liên quan đến dấu hiệu và phần thưởng đó. Ví dụ, khi bạn cảm thấy căng thẳng (dấu hiệu), bạn có thể ăn đồ ăn vặt (thói quen) để cảm thấy tốt hơn (phần thưởng), và từ đó hình thành một chuỗi thói quen ăn uống không lành mạnh.
Hay như nghiên cứu của Roy Baumeister và các cộng sự vào năm 1998 đã đưa ra khái niệm Ego depletion (tạm dịch: sự suy giảm cái tôi). Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng khả năng tự chủ (self-control) có thể coi như một nguồn lực có giới hạn và nó có thể bị mệt mỏi, suy yếu sau khi được sử dụng nhiều lần. Khi bạn tiêu tốn khả năng tự chủ vào một thói quen xấu (ví dụ hút thuốc), bạn sẽ dễ dàng quay về với những hành vi tiêu cực khác, như uống rượu hay không tập thể dục.
Hơn 80 năm trước, dù không thực hiện những nghiên cứu trên nhưng Napoleon Hill đã nhận ra những thói quen xấu sẽ dần phá hủy tư duy và hành động độc lập của con người. Chính vì điều này mà những “con quỷ” bên trong mới có thể kiểm soát và dẫn con người đến chỗ sa ngã. Như nhân vật Con Quỷ trong sách hé lộ: “Khi vận hành thông qua nguyên tắc thói quen, ta thiết lập thói quen buông thả. Khi một người bắt đầu buông thả với một đối tượng nào đó, anh ta đang tiến thẳng đến cánh cửa mà loài người các ngươi vẫn gọi là địa ngục”.
Thế nhưng bạn đọc cũng không cần quá lo lắng, bởi vì chính Napoleon Hill sẽ từng bước dẫn dắt bạn chiến thắng con quỷ bên trong thông qua 7 nguyên tắc, bao gồm:
1. Tính rõ ràng của mục đích
2. Khả năng làm chủ bản thân
3. Khả năng học từ nghịch cảnh
4. Khả năng kiểm soát ảnh hưởng của môi trường xung quanh
5. Thời gian (định hình vĩnh viễn các thói quen suy nghĩ tích cực thay vì tiêu cực và gia tăng sự thông tuệ)
6. Sự hòa hợp (cùng với tính rõ ràng của mục đích trở thành ảnh hưởng chủ đạo trong môi trường thể chất, trí tuệ và tinh thần của cá nhân)
7. Sự cẩn trọng (xem xét kỹ càng kế hoạch trước khi hành động)
Nhìn chung, mỗi thói quen đều có thể có tác động sâu sắc đến chúng ta. Việc hiểu rõ về cách thức hoạt động của thói quen có thể giúp chúng ta loại bỏ những thói quen tiêu cực để tiến một đời sống tốt hơn.
Như Napoleon Hill đã nhìn nhận: “Người luôn nghĩ về quyền lực, sự thành công, sung túc sẽ hình thành một nhịp điệu thu hút những thứ đó. Người luôn nghĩ về khổ đau, thất bại, sự thua kém, thất vọng và nghèo khó sẽ thu hút những ảnh hưởng không mong muốn tương ứng. Điều này giải thích tại sao cả thành công và thất bại đều là kết quả của thói quen. Thói quen tạo nên nhịp điệu suy nghĩ của một người và nhịp điệu đó hấp dẫn những điều mà suy nghĩ chủ đạo của người đó nhắm đến”.