Trong số những người ủng hộ quyền tự do lựa chọn, có nhiều người phản đối chủ nghĩa gia trưởng.
Những người ủng hộ giải pháp tối đa hóa lựa chọn không nhận ra có một khoảng cách lớn giữa chính sách ưa thích của họ và quy định bắt buộc của nhà nước. Họ phản đối, hay họ nghĩ là họ phản đối, chủ nghĩa gia trưởng và họ hoài nghi sức mạnh của những cú hích. Chúng tôi tin rằng sự ngờ vực của họ xuất phát từ một giả định sai và hai khái niệm nhầm lẫn.
Giả định sai là giả định cho rằng hầu hết mọi người, vào hầu như mọi lúc, đều đưa ra những lựa chọn có lợi nhất cho bản thân, hoặc chí ít cũng có lợi cho họ hơn lựa chọn của bất kỳ ai khác. Chúng tôi khẳng định giả định này là sai - thật ra, phải nói là nó hiển nhiên sai. Trên thực tế, chúng tôi không nghĩ có ai thật sự tin giả định đó nếu họ ngẫm nghĩ kỹ về nó.
Giả sử có một người mới biết chơi cờ và anh ta đấu với một tay cờ lão luyện. Chắc chắn là người mới biết chơi sẽ thua ngay vì những nước cờ hạ sách của mình - những lựa chọn có thể dễ dàng được cải thiện chỉ với vài gợi ý nhỏ.
Trong nhiều lĩnh vực, người tiêu dùng phổ thông chính là những “tay cờ non nớt” trong một thế giới có đầy những chuyên gia lão luyện đang cố bán hàng cho họ. Nói một cách khái quát hơn, việc khách hàng lựa chọn tốt, xấu thế nào là vấn đề thuộc về kinh nghiệm, và những lĩnh vực khác nhau sẽ có những câu trả lời khác nhau.
Nhưng nhìn chung, người ta đưa ra những lựa chọn khôn ngoan trong những lĩnh vực mà họ có kinh nghiệm, có đầy đủ thông tin và nhận được những phản hồi kịp thời - như khi lựa chọn giữa những vị kem quen thuộc chẳng hạn. Người ta biết mình thích kem sô-cô-la, va-ni, cà phê hay một hương vị nào khác.
Ngược lại, họ sẽ có những lựa chọn kém hơn trong những lĩnh vực họ không có kinh nghiệm, không có thông tin đầy đủ và chỉ nhận được những phản hồi chậm chạp hoặc không thường xuyên - chẳng hạn khi chọn giữa các chương trình tiết kiệm hưu trí, các gói bảo hiểm y tế hay phương án đầu tư.
Nếu bạn có 50 chính sách bảo hiểm khác nhau để lựa chọn, mỗi chính sách lại có nhiều đặc điểm riêng, có thể bạn sẽ cần được hỗ trợ đôi chút thì mới quyết định được.
Vì vậy, chừng nào con người chưa thể đưa ra những lựa chọn hoàn hảo thì chừng đó một vài thay đổi trong kiến trúc lựa chọn còn có thể làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn (và tốt đẹp theo đánh giá của họ chứ không phải của bất kỳ nhà chức trách nào).
Như chúng tôi sẽ cố gắng chỉ cho bạn thấy, chúng ta không những có thể tạo ra những kiến trúc lựa chọn mang lại lợi ích cho con người, mà trong nhiều trường hợp, quá trình kiến tạo đó còn được thực hiện một cách dễ dàng.
“Cú hích - Phiên bản cuối cùng” là cuốn sách hướng dẫn cách tự thiết kế môi trường lựa chọn, giúp bản thân ra quyết định về sức khỏe, sự giàu có và hạnh phúc. Được viết bởi nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Richard H. Thaler và GS Cass R. Sunstein của Trường Luật Harvard, tới nay sách đã bán khoảng 6 triệu bản.