Nỗi đau này không thuộc về bạn - Sự di truyền của sang chấn tâm lý

TRẦN MẶC15/01/2024 09:00
Nỗi đau này không thuộc về bạn - Sự di truyền của sang chấn tâm lý

Những bi kịch như bị bỏ rơi, tự sát, chiến tranh hoặc sự ra đi quá sớm của một người con, cha, mẹ hoặc anh chị em ruột – có thể gây ra những cơn sóng trầm uất, lan từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Công trình nghiên cứu khoa học mới nhất, và đang là đề tài nóng trên báo chí, cho thấy tác động của những sang chấn tâm lý có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Di sản” này được gọi là “sang chấn liên thế hệ”.

Trong “Nỗi đau này không thuộc về bạn”, Mark Wolynn lý giải: “Khi có người trong gia đình gặp phải những chấn thương tâm lý vượt ngoài sức chịu đựng hoặc phải hứng chịu nỗi đau buồn hay cảm giác tội lỗi quá lớn, những cảm xúc này có thể leo thang đến mức độ một cá nhân không còn đủ khả năng kiểm soát hay hóa giải. Bản tính con người là thế: khi gặp phải một nỗi đau quá lớn, chúng ta có xu hướng lẩn tránh nó. Thế nhưng, khi cố tình giam hãm cảm xúc của mình như thế, ta lại vô tình làm thui chột quá trình chữa lành cần thiết vốn có thể giúp nỗi đau ấy nguôi ngoai một cách tự nhiên.

Đôi khi, nỗi đau lẩn trốn vào trong cho đến lúc nó tìm được con đường biểu lộ ra ngoài hoặc được hóa giải. Sự biểu lộ này thường xuất hiện ở các thế hệ sau và có thể xuất hiện dưới dạng những triệu chứng khó tìm được lời giải thích.”

Từ hơn một trăm năm trước, nhà tâm lý học nổi tiếng người Áo Sigmund Freud đã nhìn ra khuôn mẫu này. Tình trạng tái hiện sang chấn, hay “thôi thúc lặp lại” theo cách gọi của Freud, là một nỗ lực của vô thức nhằm làm sống lại những gì chưa được hóa giải trong quá khứ, để ta có cơ hội “sửa chữa” chúng. Thôi thúc trải nghiệm lại những sự kiện đã qua này của vô thức có thể là một trong những cơ chế khiến nhiều gia đình lặp đi lặp lại những sang chấn chưa được hóa giải, kéo dài đến nhiều thế hệ sau.

Carl Jung, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ sống cùng thời với Freud, cũng tin rằng những gì nằm trong vô thức không hề biến mất mà sẽ tái xuất hiện trong đời chúng ta dưới dạng số phận hay định mệnh. Ông cho rằng bất cứ thứ gì không thuộc về ý thức thì sẽ được chúng ta xem là số phận. Nói cách khác, chừng nào còn chưa thể đưa những khuôn mẫu vô thức đó ra dưới ánh sáng của ý thức, nhiều khả năng chúng ta sẽ lặp lại chúng hết lần này đến lần khác.

Dựa trên những thành quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh, di truyền học biểu sinh, tâm lý hậu sang chấn và những trải nghiệm cá nhân trong quá trình chữa lành cho chính mình cũng như làm việc với các thân chủ, tác giả Mark Wolynn cho biết những từ ngữ, hình ảnh và thôi thúc - vốn đã phân mảnh sau một sự kiện gây sang chấnn - sẽ lại được tái hiện dưới dạng ngôn ngữ bí mật của nỗi thống khổ mà chúng ta mang theo trong mình. Các mảnh vụn đó không mất đi mà chỉ đang được biểu hiện dưới một hình thức mới.

Theo đó, những bi kịch như bị bỏ rơi, tự sát, chiến tranh hoặc sự ra đi quá sớm của một người con, cha, mẹ hoặc anh chị em ruột – có thể gây ra những cơn sóng trầm uất, lan từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, nếu ta tìm thấy được căn nguyên của các chấn thương tâm lý này, những bi kịch gia đình đã lặp đi lặp lại suốt nhiều đời sẽ có thể được hóa giải.

Cuốn sách “Nỗi đau này không thuộc về bạn” (tựa gốc: It Didn’t Start With You) ra mắt vào năm 2017 của Mark Wolynn là công trình tiên phong nghiên cứu, khảo sát, phân tích một cách chi tiết về việc thấu hiểu và chữa lành những sang chấn liên thế hệ này. Qua đó, tác giả sẽ dẫn dắt bạn đọc đi qua hành trình truy tìm nguồn gốc của những cảm xúc, nỗi đau, nỗi sợ vô thức và tìm cách hóa giải nỗi đau còn bị bỏ mặc. 

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là không phải mọi hệ quả đến từ các sang chấn đều tiêu cực. Theo Rachel Yehuda - giáo sư khoa Tâm thần học và Khoa học thần kinh tại Đại học Y khoa Mount Sinai ở New York, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về chứng PTSD - cho biết, các biến đổi di truyền biểu sinh diễn ra nhằm giúp mở rộng phạm vi ứng phó khi ta gặp phải những tình huống khó khăn. Đây được xem là những thay đổi tích cực. Khi nhìn theo cách này, các sang chấn mà chúng ta kế thừa từ các thế hệ trước hoặc trực tiếp gặp phải không chỉ tạo ra mỗi sự đau khổ, mà còn sinh ra cả sức mạnh và năng lực phục hồi – những thứ cũng có thể được truyền lại cho nhiều thế hệ sau. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024