“Cú hích” vừa được hai tác giả Richard H.Thaler (giải Nobel Kinh tế năm 2017) và Cass R.Sunstein (giải thưởng Holgberg năm 2018) cập nhật và viết lại gần như toàn bộ nội dung cuốn sách dựa vào những kinh nghiệm mà họ tích lũy được trong hơn mười năm qua, với tên gọi “Phiên bản cuối cùng”.
“Cú hích” phiên bản đầu tiên đã được xuất bản vào năm 2008. Thời điểm đó, nó nhanh chóng trở thành best seller, gắn liền từ vựng “cú hích” với một thuật ngữ mới do các tác giả sáng tạo là “kiến trúc lựa chọn”. Đó là những từ ngữ hàm chứa nội dung có sức quyến rũ đến mức từ người tiêu dùng, cho đến các doanh nhân, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách đều lấy làm cảm hứng cho việc lựa chọn, đưa ra các quyết định sao cho hiệu quả hơn, có lợi hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Những công việc mà ai cũng phải đối diện
Mùa hè năm 2020, một mùa hè mà theo tác giả là “không giống bất kỳ mùa hè nào khác trong cuộc đời của chúng ta” (do đại dịch COVID-19), các tác giả đã dành thời gian đọc lại bản thảo. Và năm sau, “Cú hích - Phiên bản cuối cùng” đã ra đời. Gọi là phiên bản cuối cùng bởi các tác giả đã dày công chỉnh sửa, bổ sung, trong đó, nhiều nội dung của quyển sách gần như viết mới. Và, nó hoàn thiện, như chính tác giả viết: “đưa ‘Phiên bản cuối cùng’ vào tựa đề của quyển sách này chính là chiến lược cam kết của chúng tôi để không sửa đổi quyển sách này thêm một lần nào nữa”.
Nếu chưa đọc “Cú hích” - bản đầu tiên, khi đọc “Cú hích- phiên bản cuối cùng”, bạn sẽ được tiếp cận với những kiến thức, kinh nghiệm thú vị, hữu ích về khoa học hành vi trong mọi ngóc ngách của nền kinh tế đang chi phối đến từng con người. Trong đó, có nhiều bài học hữu ích về việc sử dụng kiến trúc lựa chọn, tạo những cú hích làm thay đổi hành vi, đưa đến những kết quả bất ngờ. Những vấn đề mà sau lần xuất bản đầu tiên, đã truyền cảm hứng để các chính phủ thành lập hơn 400 đội tạo “cú hích”, và hình thành rất nhiều nhóm các nhà khoa học hành vi khác ứng dụng vào sự hoạch định chính sách, nghiên cứu phát triển.
Nếu đã đọc “Cú Hích”, bản đầu tiên, nay đọc lại “Cú Hích - phiên bản cuối cùng”, bạn sẽ được trải nghiệm thêm nhiều điều mới mẻ không có trong phiên bản cũ. Trong có, có hai chủ đề được thêm vào đáng lưu ý.
Thứ nhất, tác giả gọi chủ đề này là “sự tiết lộ thông minh”. Nội dung xoay quanh việc các chính phủ nên xem xét công khai các thông tin quan trọng theo cách cấp tiến hơn. Việc sử dụng rộng rãi “sự tiết lộ thông minh” sẽ giúp tạo ra những công cụ ra quyết định trực tuyến - “là các công cụ lựa chọn” có thể làm cho nhiều nhiệm vụ trở thành dễ dàng. Để dễ hình dung, tác giả đưa ra hình ảnh đơn giản: “việc in thông tin về thành phần nguyên liệu trên mặt hông của bao bì thực phẩm cũng có ích… nhưng chẳng phải sẽ tốt hơn nếu Sunstein có thể tra cứu trên mạng những loại thực phẩm có chứa thành phần được chế biến từ thủy hải sản có vỏ mà anh ấy dị ứng hay sao?”.
Chủ đề thứ hai được thêm mới là về “bùn lắng”, mà tác giả gọi là một thứ nhớp nhúa (có ở khắp nơi) khiến cho việc đưa ra các lựa chọn khôn ngoan trở nên khó khăn hơn, mà việc sử dụng “sự tiết lộ thông minh” là một cách để giảm thiểu “bùn lắng”. Đơn cử, việc gởi cho mọi người một tờ khai thuế đã điền sẵn thông tin và có thể được nộp chỉ bằng một cú nhấp chuột là một cách làm như thế. Rút gọn các mẫu đơn mà bạn phải điền vào để nhận các loại giấy phép, thẻ thông hành, hồ sơ chăm sóc sức khỏe hay trợ cấp tài chính, hay để nhận khoản hoàn phí công tác cũng vậy. Tổ chức nào cũng nên đặt mục tiêu tìm kiếm và tiêu hủy loại “bùn lắng” không cần thiết này.
Và còn nhiều vấn đề mới mẻ, thú vị khác được cập nhật trong “Cú Hích- phiên bản cuối cùng”.
“Cú hích”, hay “kiến trúc lựa chọn”, không phải là vấn đề nghiên cứu cao siêu hay lý luận trừu tượng, mà là những “công việc” đơn giản, cụ thể hàng ngày mà ai cũng phải đối diện và giải quyết trong mọi lĩnh vực của đời sống. Từ những cú hích giúp chính phủ đưa ra những chính sách phù hợp, hiệu quả, đến những cú hích giúp cho các doanh nghiệp có những lựa chọn thành công cho các dự án, đến các cú hích giúp người tiêu dùng có cơ hội xài tiền một cách hiệu quả hay đưa ra các lựa chọn hữu hiệu cho các gói vay thế chấp, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe…
Thiết kế kệ hàng trong một siêu thị sao cho bắt mắt, trật tự, thu hút nhiều người đến chọn mua món hàng mà bạn muốn bán nhất. Đó là kiến trúc lựa chọn.
Tác giả viết: “Trong thực tế có nhiều người thật sự là nhà kiến trúc lựa chọn, mà hầu hết họ đều không nhận ra điều đó. Một vài người trong số đó còn thật sự điều hành những quán ăn tự phục vụ. Nếu bạn là bác sĩ và đang giải thích các phương án điều trị khác nhau cho bệnh nhân, bạn chính là một nhà kiến trúc lựa chọn. Nếu bạn thiết một biểu mẫu hay xây dựng một trang web mà các nhân viên mới dùng để chọn những gói phúc lợi do công ty cung cấp, bạn là một nhà kiến trúc lựa chọn. Nếu bạn thiết kế lá phiếu mà các cử tri sử dụng để chọn các ứng viên, bạn là một nhà kiến trúc lựa chọn. Nếu bạn là một bậc phụ huynh đang miêu tả cho các con của mình biết về những ngôi trường mà chúng có thể chọn, bạn là một nhà kiến trúc lựa chọn…”.
Tất cả đều gần gũi và thiết thực với chúng ta phải không?
Thú vị, hữu ích và chứa đầy sự khôn ngoan
“Cú Hích- phiên bản cuối cùng” là một quyển sách khá dày nhưng gần gũi, dễ đọc, có nhiều giá trị gợi mở, ứng dụng. Sách đề cập đến “Con người và Econ”, với các nội dung dễ gặp trong cuộc sống nhưng không dễ nhận biết: “Định kiến và những sai lầm ngớ ngẩn”, “chống lại cám dỗ”, “tâm lý bầy đàn”. Với “Các công cụ của kiến trúc lựa chọn”, cuốn sách gợi mở “khi nào chúng ta cần một cú hích?”, bàn sâu về sự “tiết lộ thông minh” và “bùn lắng”. Sau đó tác giả đi vào vấn đề mà ta luôn đối diện “Tiền bạc”, với những vấn đề: “cú hích và chương trình tiết kiệm hưu trí”, “vay thế chấp và thẻ tín dụng”, “bảo hiểm - đừng quá bận tâm với những thứ vặt vãnh”. Kể cả những vấn đề “xã hội” cũng được đề cập đến, như: “Hiến tạng: ảo tưởng của giải pháp mặc định”, “Cứu lấy hành tinh của chúng ta”. Cuối cùng, khá thú vị với “Những ý kiến trái chiều về Cú Hích”.
Với “bề dày” nêu trên, nội dung của “Cú Hích- phiên bản cuối cùng” bao trùm rất nhiều vấn đề đa dạng, từ chính sách công cho đến đại dịch COVID-19, y tế, tài chính cá nhân, nợ tín dụng, bảo hiểm, biến đổi khí hậu , môi trường…
Daniel Kahneman (tác giả đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002) nhận định: “Không có nhiều quyển sách được công nhận là giúp thay đổi thế giới, nhưng Cú Hích đã làm được điều đó. Phiên bản cập nhật của quyển sách này thật sự thú vị, hữu ích và chứa đầy sự khôn ngoan“.
Nhà tâm lý học Barry Schwarz, thì cho rằng “Cú Hích là một trong những quyển sách có nội dung đáng đọc nhất trong hai mươi năm qua. Đây là quyển sách mà bất kỳ ai quan tâm tới chính sách công cũng nên đọc. Đây là quyển sách mà bất kỳ tâm hồn yêu tự do nào cũng nên đọc. Đây cũng là quyển sách dành cho những ai tâm huyết với hoạt động nâng cao phúc lợi của con người”.
Các tác giả đã mang đến cho chúng ta một “Cú Hích- phiên bản cuối cùng” thật sự hữu ích. Lựa chọn “cú hích” nào, và sử dụng “kiến trúc lựa chọn” ra sao cho phù hợp, hiệu quả và mang lại lợi ích nhiều nhất cho bản thân, gia đình và xã hội, đó chính là công việc của mỗi chúng ta.