Cú hích - Phiên bản cuối cùng: Bùn lắng, khiến việc ra quyết định trở nên khó khăn hơn

Quìn06/12/2023 08:00
Cú hích - Phiên bản cuối cùng: Bùn lắng, khiến việc ra quyết định trở nên khó khăn hơn

Đã bao giờ bạn tự hỏi, vì sao có nhiều tình huống trong cuộc sống khiến việc ra quyết định của bạn bị đình trệ hoặc phức tạp hơn không?

Hãy tưởng tượng bạn đang trong quá trình làm thủ tục để nhận trợ cấp tài chính. Đây có thể là một quá trình đầy khó khăn với việc điền đủ loại giấy tờ khác nhau và chờ đợi nhiều giờ tại cơ quan hành chính. Nhưng đúng như thường lệ, chỉ cần gặp phải một vấn đề nhỏ, bạn sẽ phải quay trở lại từ đầu, bắt đầu lại toàn bộ quy trình.

Một ví dụ khác là khi bạn đăng ký một phòng tập gym, quy trình đăng ký luôn diễn ra một cách dễ dàng và không có trở ngại. Tuy nhiên, khi bạn quyết định hủy dịch vụ, thì việc này không chỉ dừng lại ở một cú nhấp chuột hoặc một cuộc điện thoại đơn giản. Bạn phải trải qua quá trình giải thích lý do bạn muốn hủy đăng ký cho nhân viên tư vấn và đối mặt với nhiều lần thuyết phục ngược lại từ họ.

Những tình huống trên là minh họa cho việc bạn đang phải đối mặt với "bùn lắng". "Bùn lắng" là một khái niệm ngược lại với "cú hích". Nếu "cú hích" thúc đẩy quyết định đúng đắn và tích cực, thì "bùn lắng" lại gây nên sự khó khăn, tạo ra rào cản và ngăn chặn con đường đến những kết quả tốt đẹp bạn mong muốn.

Có một sự thật rằng bạn hầu như sẽ gặp phải “bùn lắng” trong mọi mặt của cuộc sống. Nó có thể nằm trong quy trình của các tổ chức như công ty, bệnh viện, trường đại học tư nhân,... và trong các cơ quan chính phủ. Để nhận biết và vượt qua được “bùn lắng”, mọi người phải tự tìm hiểu, mò mẫm trong một bể “thông tin” nhầy nhụa và choáng ngợp, đôi lúc vô cùng khó hiểu để đưa ra câu trả lời mang tính quyết định.

Xét về một mặt khác, “bùn lắng” không phải lúc nào cũng hướng con người đến những quyết định tiêu cực hay trái với mong muốn, mà đôi lúc cũng được sử dụng để giúp chúng ta suy nghĩ cẩn thận trước khi làm điều gì đó, như những thông báo về bảo vệ quyền riêng tư thường xuyên xuất hiện khi bạn hoạt động trên không gian mạng, ban đầu có vẻ phiền toái nhưng lại khuyến khích chúng ta cẩn thận hơn về việc chia sẻ thông tin cá nhân trực tuyến.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng ảnh hưởng tiêu cực của "bùn lắng" vẫn nặng nề hơn so với những tác động tích cực. Nhiều tổ chức vẫn lựa chọn áp dụng "bùn lắng" để làm phức tạp quyết định của người khác nhằm đạt được mục tiêu riêng, và đây là một vấn đề đáng quan ngại cần phải được xem xét và thay đổi.

Trong quyển sách “Cú hích - phiên bản cuối cùng”, các tác giả Thaler và Sunstein đã dành hẳn một chương mới để thảo luận về vấn đề “bùn lắng” này, với hy vọng giúp mọi người nhận ra và biết cách giảm thiểu nếu không thể triệt tiêu nó hoàn toàn trong cuộc sống của mình, từ đó giúp việc ra quyết định của bạn trở nên dễ chịu và dễ dàng hơn.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025