Nếu bạn không thể nhận được sự hỗ trợ tài chính mà không phải điền một mẫu đơn dài 20 trang thì có nghĩa là bạn đang dính bùn lắng. Nếu bạn không thể nhận được visa du học mà không phải qua bốn vòng phỏng vấn, bạn đang đối mặt với bùn lắng… Và mục tiêu của Cú hích - phiên bản cuối cùng là giúp độc giả có thể dễ nhận ra bùn lắng hơn khi nó đang lởn vởn xung quanh, cũng như biết cách giảm thiểu nếu không thể triệt tiêu nó.
Khi ai cũng có khuynh hướng dành nhiều thời gian hơn để online, người ta có lý do để bắt đầu quan tâm hơn về sự riêng tư. Các trang web chúng ta thường dùng đang thu thập thông tin cá nhân gì về chúng ta? Một số thông tin cá nhân này được thu thập bằng cách dùng những tập tin được gọi là cookie. Những tập tin này được lưu giữ trên trình duyệt web của bạn và ghi lại dữ liệu về hoạt động của bạn trên trình duyệt đó, như các trang web bạn đã tương tác, hoạt động mua sắm và các lựa chọn ưa thích của bạn, vị trí địa lý và các thứ tương tự. Thông thường, thông tin này được dùng cho các chương trình marketing có nhắm đến nhóm đối tượng cụ thể.
Liên minh châu Âu kiểm soát cookie thông qua Quy định chung về Bảo vệ dữ liệu (General Data Protection Regulation, viết tắt là GDPR) cũng như qua Chỉ thị về Quyền riêng tư trên Internet (ePrivacy Directive) hay còn gọi là Luật Cookie (Cookie Law). Các quy chế này có chứa một chút kiến trúc lựa chọn: cookie chỉ được cài khi có sự đồng ý chủ động từ người dùng. Những cookie “hết sức cần thiết” để một trang web hoàn thành dịch vụ mà nó cung cấp được miễn trừ yêu cầu này (ví dụ: Amazon được phép sử dụng cookie cho giỏ hàng của họ), còn trong các trường hợp khác, người duyệt web phải chọn “đồng ý” thì cookie mới được dùng.
Có thể chính sách này là một ý tưởng hay, nhưng nếu bạn đã đăng nhập vào một trang web tuân theo quy chế này, chắc hẳn bạn đã phát hiện mình bị chôn vùi trong bùn lắng. Nhìn từ góc độ của chúng tôi, vấn đề là mặc dù bạn phải cho phép thì cookie mới được dùng nhưng các phương án lựa chọn khác không hề rõ ràng. Dựa vào kinh nghiệm của chúng tôi, nếu bạn dùng điện thoại hay một thiết bị di động khác để đăng nhập vào một trang web mới, ngay lập tức bạn sẽ thấy trên màn hình hiện ra thông báo để bạn chọn đồng ý hoặc từ chối dùng cookie.
Vấn đề xảy ra khi bạn chọn không đồng ý. Lúc đó, bạn không được chuyển sang bài viết mà bạn đang kỳ vọng sẽ được đọc. Thay vào đó, bạn bị hỏi những câu hỏi tưởng chừng như vô tận về cookie được trình bày với cỡ chữ bé xíu. Cả hai chúng tôi đều không thật sự hoàn tất quá trình này. Chúng tôi hoặc là bỏ cuộc và chấp nhận dùng cookie, hoặc là rời khỏi trang web đó.
Hóa ra chúng tôi không phải là những người duy nhất hành xử như vậy. Một vài nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát về phản ứng của người dùng đối với thông báo chấp nhận cookie ở Đức. Họ nhận thấy các trang web sử dụng cú hích để có được sự chấp nhận của người dùng (ví dụ làm nổi bật nút “đồng ý” hoặc giấu kỹ nút “không đồng ý” ở vị trí dưới cùng của trang web), và nhiều trang web thậm chí còn không cho người sử dụng một lựa chọn nào.
Trong một thí nghiệm nối tiếp, các nhà nghiên cứu thấy rằng vị trí, cách diễn đạt và thiết kế của thông báo này “có tác động đáng kể lên hành vi sử dụng cookie” - và việc sử dụng cú hích đã ảnh hưởng mạnh đến sự lựa chọn của người dùng. Khảo sát cũng cho thấy chỉ có 0,1% người sử dụng sẽ thoải mái đồng ý cho các bên thứ ba theo dõi nếu các trang web cung cấp cho họ một thông báo lựa chọn tham gia có đầy đủ thông tin chính xác.
Thế nên đây là bùn lắng chứ không phải cú hích. Khi chúng tôi viết điều này, Liên minh châu Âu đang xem xét điều chỉnh những quy định về việc sử dụng cookie. Chúng tôi hy vọng họ nhạy cảm hơn đối với trải nghiệm của người dùng.