Nội lực - Gieo động lực, gặt thành công

Quìn15/01/2024 08:00
Nội lực - Gieo động lực, gặt thành công

Phải chăng ý nghĩ “gieo động lực, gặt thành công” chỉ là lời nói sáo rỗng? Lỡ như cả đời ta không thể tìm thấy động lực sẽ ra sao?

Trong guồng quay phát triển của xã hội, sự phân tán rủi ro dễ khiến con người trượt dài trong những nỗi sợ thất bại. Chúng cướp lấy sự tự tin đồng thời gieo rắc nỗi tuyệt vọng vào tâm trí. Mọi động lực thuở ban đầu dần dần bị đánh bại và biến thành virus độc hại, khiến não bộ bị xâm chiếm bởi bóng tối tiêu cực. Phải chăng ý nghĩ “gieo động lực, gặt thành công” chỉ là lời nói sáo rỗng? Lỡ như cả đời ta không thể tìm thấy động lực sẽ ra sao?

Với tác phẩm Nội lực tác giả Tara Swart đã phác họa hai mặt của động lực. Chúng ta cần hiểu rõ một cách tường tận đâu là động lực đúng đắn để phấn đấu. Có một sự thật nghiệt ngã rằng, não bộ con người ghi nhớ những tiêu cực nhiều hơn tích cực. Việc tìm thấy động lực tựa như ánh sáng không khác gì mò kim đáy bể. Tuy vậy, chỉ cần hiểu được quy luật về sự biến thiên của động lực, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Dựa trên nghiên cứu thực tiễn,

Tara Swart cho rằng “động lực và khao khát của bản thân bắt nguồn từ điểm giao thoa của cảm xúc tiêu cực và tích cực”. Ví như, ta đặt chuyến du lịch vì chán nản công việc hiện tại, nhưng đồng thời cũng kì vọng chuyến đi ấy sẽ mở ra nhiều điều mới mẻ. Chính cách giao thoa đó khiến ta đôi lúc không thể nhận diện đâu là động lực tiêu cực cần loại bỏ.

Điển hình như, một người phụ nữ bị giam cầm trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nhưng lại có động lực cam chịu nó vì hàng ngàn lí do. Hay một người vốn không được đồng nghiệp tôn trọng nhưng có động lực “bình thản” vì sợ bị cô lập. Những động lực tiêu cực ấy dần ăn mòn tinh thần, đẩy não bộ rơi vào trạng thái bị động. Chúng ta cần bài trừ từ trong trứng nước để chúng không thể quấy nhiễu và hủy hoại nỗ lực tích cực mà ta đang vun trồng.

Vậy chúng ta cần làm gì để gieo được những động lực tốt?

Điều này phụ thuộc vào góc nhìn cá nhân – cũng chính là người bạn thầm lặng của động lực. Việc đặt ra mục tiêu phấn đấu đã khó, nhưng để duy trì nó lại càng khó hơn. Bởi lẽ, chúng ta thường dễ bị dao động từ các tác nhân bên ngoài hoặc so sánh trải nghiệm của mình với người khác. Khi đó, động lực bị lung lay và rơi vào giếng sâu tuyệt vọng. Để khắc phục điều đó bản thân ta không thể làm gì khác ngoài việc dồn hết tâm trí để tạo ra sức bật tinh thần, kích thích khả năng trỗi dậy của động lực sau nhiều biến cố.

Thay vì nói thất bại, ta có thể nói rằng chưa thành công. Chính góc nhìn dồi dào ấy tiếp thêm động lực, giúp con người khai phá sức mạnh của nội lực, thôi thúc con người hành động để làm chủ “trò chơi” số phận của chính mình.


Gửi bình luận
(0) Bình luận