Sau đây là một số hậu quả có thể dự đoán được do căng thẳng kinh niên:
1. Năng lượng cung cấp cho hệ miễn dịch bị hạn chế.
Một cơ thể liên tục bị căng thẳng giống như một quốc gia đang có chiến tranh, và toàn bộ tiền của, lực lượng và tài nguyên đều phải dồn cả ra tiền tuyến (các đường dẫn thần kinh được sử dụng trong tình huống "chiến hay chạy" đầy căng thẳng). Còn ai ở lại giữ gìn an ninh cho phố xá? Bạn làm thế nào để đối phó với các băng đảng địa phương và các "tế bào khủng bố"? Bạn không thể. Những kẻ gây rối lẻn vào, xâm lấn và sau đó biểu hiện ra thành bệnh. Vào thời điểm bạn triệu hồi được quân đội từ tiền tuyến trở về thì tổn hại đã xảy ra và khi đó, bạn sẽ phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để khắc phục tình trạng.
2. Năng lượng cung cấp cho hệ tiêu hóa và các cơ quan nội tạng bị cắt giảm.
Khi cơ thể nhận được tín hiệu "có sư tử đang đến gần", nó liền rút bớt máu từ các cơ quan nội tạng để chuyển đến các cơ bắp nhằm giúp chúng ta sống sót khi bị tấn công. Khi cơ chế đó hoạt động, các cơ quan nội tạng là nơi hứng chịu thiệt hại nhiều nhất. Lưu lượng máu đến các cơ quan bị cắt giảm để được ưu tiên chuyển đến các cơ bắp lớn đang nhận nhiệm vụ "mau đưa tôi thoát khỏi đây". Điều này cũng có nghĩa là năng lượng và chất dinh dưỡng cung cấp cho những cơ quan chủ yếu như tim, phổi, não bị cắt giảm. Hãy hình dung cơ chế này như cách nền kinh tế vận hành trong thời chiến – không còn ngân sách cho giáo dục, tu sửa đường sá hay chương trình thiếu thực phẩm.
3. Lượng đường huyết tăng giảm như tàu lượn siêu tốc.
Cortisol giống như chiếc thẻ tín dụng. Trong tình huống căng thẳng, cơ thể cần năng lượng ngay lập tức, vì vậy cortisol được giải phóng giống như quẹt thẻ tín dụng để nhu cầu chi tiêu được thỏa mãn ngay tức thì. Cortisol giúp cơ thể rút năng lượng từ kho dự trữ glycogen trong gan để đáp ứng nhu cầu tức thì, nhưng điều này để lại một số hậu quả nghiêm trọng. Khi lượng đường huyết tăng vọt, tuyến tụy nhận biết điều này và sẽ giải phóng insulin để hấp thụ lượng đường đó và chuyển hóa vào trong các tế bào.
Tuy nhiên, sau một thời gian cơ thể thường xuyên sống trong tình trạng lượng cortisol lên xuống đột biến thất thường, mức insulin gia tăng cấp thời thường xuyên vượt quá sự giải phóng đường, tạo ra cảm giác đói khiến chúng ta tiêu thụ đường hoặc carbohydrate nhiều hơn để cân bằng lại. Tình trạng này biểu hiện thành trạng thái ủ rũ, dễ cáu gắt, đau đầu và mệt mỏi toàn thân.
4. Gây hại đến não.
Điều tồi tệ nhất khi chúng ta để tình trạng căng thẳng kéo dài kinh niên chính là việc lưu lượng máu di chuyển đến vùng vỏ não ở thùy trán bị cắt giảm. Đây là phần não giúp chúng ta khác biệt với loài khỉ. Nó giúp chúng ta tư duy trừu tượng, giải quyết vấn đề, nhận thức và lý luận đạo đức bậc cao. Đó là phần não có vai trò làm vô hiệu những cơn bốc đồng bản năng.
Theo các truyền thống cổ xưa, vùng não này được gọi là con mắt thứ ba, cần được nuôi dưỡng và chăm sóc. Mất đi khả năng vận dụng đúng đắn vùng vỏ não trước trán, chúng ta không thể tận dụng được phần não giúp ngăn chặn những mong muốn bốc đồng có hại cho cơ thể. Sống trong tình trạng căng thẳng kinh niên khiến chúng ta không tiếp cận được vùng não này của mình, làm cho chúng ta ngày càng trở nên bốc đồng và thiếu nhận thức đúng đắn.
Căng thẳng là một căn bệnh của thời hiện đại, khi mà những áp lực tài chính, trách nhiệm, con cái, hóa đơn, chó mèo, … và đủ thứ chuyện linh tinh vẫn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải đối mặt và giải quyết chúng như thế nào để cơ thể không có chỗ trống cho những căng thẳng.
Bạn đọc sẽ học được cách thoát khỏi những khủng hoảng của con người chốn thành thị để tìm thấy chính mình và sống một cuộc đời trọn vẹn qua cuốn sách Tu giữa đời thường .