Khi não bộ là “kẻ thù” của chính chúng ta
Một điều thú vị là, trong khi con người vẫn thường ai oán đấng linh thiêng về sự xui rủi của bản thân, ít ai biết được rằng, chính não bộ mới là “thủ phạm” thực sự khiến ta vô tình đóng sập biết bao cánh cửa cơ hội.
Có bao giờ bạn trở nên lo sợ, băn khoăn và nhanh chóng khước từ trước những điều “quá tốt để có thể trở thành hiện thực” như một lời đề nghị thăng tiến bất ngờ hay tình yêu từ một người quá mức hoàn hảo? Có bao giờ, trước một thử thách đã từng thất bại trong quá khứ, dẫu bản thân đã trưởng thành và tiến bộ rất nhiều, bạn vẫn sợ hãi và từ chối đối diện?
Những cảm xúc và hành động này xuất phát từ cơ chế tự vận hành của não bộ.
Cơ chế tự vận hành được lập trình để điều khiển con người hành động trong một khuôn mẫu an toàn và tránh va chạm với các sự kiện mới nhằm bảo toàn tối đa năng lượng của não bộ nói riêng và cơ thể nói chung. Dù xuất phát từ mục đích tốt nhưng chính cơ chế này lại kìm hãm con người tiếp cận với những cơ hội đầy tiềm năng để đạt được mục tiêu mình đề ra.
Không chỉ vậy, về lâu dài, vì không thể vượt qua những thất bại cũ và thường xuyên phủ nhận khả năng của bản thân khi đối diện với các thử thách mới, con người dần mất đi sự tự tin, đồng thời bị bỏ lại giữa một xã hội ai cũng không ngừng phát triển.
Rõ ràng, cơ chế tự vận hành của não bộ được tạo nên để bảo vệ con người, nhưng đây cũng chính là thử thách lớn nhất mà tạo hóa dành riêng cho chúng ta, để quyết định rằng ai có thể vươn lên, đạt được ước mơ của mình.
Khi đã hiểu được cơ chế vận hành của não bộ, bạn sẽ phát hiện ra rằng việc thay đổi tư duy sẽ giúp bạn thay đổi cuộc đời. Trong “Nội lực”, Tara Swart nhiều lần đề cập đến “tư duy dồi dào”. Theo cô, để uốn nắn lại cách não bộ suy nghĩ, con người cần hướng đến một tư duy dồi dào. Đó là quy tắc đầu tiên và cũng là quy tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng nội lực.
Việc không ngừng nhắc nhở não bộ về ưu điểm của bản thân là cách để ta chỉ ra cho não bộ về những kỹ năng, kiến thức ta có thể vận dụng để đối phó, hoặc ít nhất là cân nhắc về khả năng để đối phó với khó khăn trước mắt.
Tin tưởng vào chính mình cũng củng cố sự tự tin và lòng can đảm để ta hiểu rằng, mọi “món quà’’ mà ta ngỡ rằng bản thân vô tình có được thực chất là kết quả của bao nỗ lực, cố gắng. Rằng cơ hội thăng tiến ngày hôm nay là kết quả của bao ngày nỗ lực không ngừng cho công việc và tình yêu của đối phương thực chất là sự rung động trước tấm lòng chân thành, tốt bụng của bạn.
Không ngừng tin tưởng bản thân là cách để nhắc nhở não bộ thay vì lo lắng, sợ hãi và đóng sập mọi cánh cửa, hãy trở nên cởi mở đánh giá, đón nhận và đối diện với mọi cơ hội cũng như thử thách. Dần dần, nó sẽ trở thành thói quen đè lấp lên cách vận hành tự động trước đó và bạn sẽ nhanh nhạy, tự tin hơn để xây dựng nên một cuộc sống hạnh phúc.
Niềm tin có thể thay đổi cả thế giới
Trong cuốn sách “Nội lực”, từ những chương đầu tiên khi nói về tư duy dồi dào của những người thành công, tiến sĩ Tara Swart đã khẳng định lối tư duy này về bản chất là tin tưởng về tiềm năng của chính mình. Chính niềm tin vào tiềm năng này là một trong những động lực to lớn giúp con người đạt được mục tiêu mà mình hướng tới, và rồi, thúc đẩy xã hội đi đến những cột mốc to lớn tiếp theo.
Vì não bộ con người vốn được lập trình với cơ chế tự vận hành, nên không chỉ bạn mà biết bao người ở ngoài kia cũng đang tự đánh lừa bản thân bằng cách kìm hãm chính mình trong “vùng an toàn”. Nhưng chỉ cần một người tin tưởng vào bản thân để phá vỡ những rào cản ấy, niềm tin sẽ lan tỏa và tạo ra “hiệu ứng domino” to lớn có thể thay đổi xã hội này.
Trong “Nội lực” có một câu chuyện khiến tôi vô cùng ấn tượng. Trước năm 1954, nhiều chuyên gia cho rằng việc chạy liên tục một dặm trong quãng thời gian dưới bốn mươi phút là bất khả thi và gây nguy hiểm với cơ thể con người. Thế nhưng, vận động viên và nhà thần kinh học người Anh, Roger Bannister, đã đạt được kỷ lục đó. Và chỉ vài tháng sau khi kỷ lục của ông được ghi nhận, vô số vận động viên khác đã chinh phục chặng đường này, thậm chí là với thời gian ngắn hơn.
Rõ ràng, niềm tin vào khả năng của bản thân không chỉ giúp Roger Bannister bức phá giới hạn, nó còn trở thành chìa khóa khai mở cho vô vàn vận động viên khác. Đây không phải là ví dụ duy nhất, vì niềm tin vào năng lực của bản thân thực chất đã giúp nhiều người phá vỡ những “sự thật” mà cả nhân loại từng tin vào. Đó là “nguồn lực” để Galileo khẳng khái khẳng định “Trái Đất xoay quanh mặt trời”; là động lực để con người đặt những bước chân đầu tiên trên Mặt Trăng; là sức mạnh để những bệnh nhân nan y ngỡ như đã đi vào cửa tử giành giật lại sinh mệnh của mình và rồi trở thành niềm hy vọng cho cả nền y học toàn thế giới; và là ý chí để cho vô vàn dân tộc thoát khỏi ách thống trị nô lệ.
Tôi tin rằng, sự giới hạn trong cách mỗi người nhìn nhận về năng lực của bản thân có thể dẫn đến những giới hạn trong sự phát triển của nhân loại. Tôi cũng tin rằng, sức mạnh của con người là vô hạn, và chỉ cần có niềm tin, chúng ta có thể vượt qua mọi giới hạn để làm được những điều ngỡ như không thể.