‘Nỗi đau này không thuộc về bạn’ - Để chấm dứt các sang chấn liên thế hệ

TRẦN MẶC22/01/2024 09:00
‘Nỗi đau này không thuộc về bạn’ - Để chấm dứt các sang chấn liên thế hệ

Mark Wolynn cho rằng hầu hết chúng ta đều mang theo trong mình ít nhất một vài tàn dư của các sang chấn gia đình. Nếu ta không thay đổi khuôn mẫu này một cách có ý thức, những tổn thương này có thể lan truyền suốt nhiều thế hệ.

Nói một cách đơn giản, thông qua mẹ, chúng ta kế thừa một số khía cạnh trong quá trình làm mẹ của bà ngoại. Những sang chấn bà ngoại từng gặp phải - những đau đớn, buồn khổ, khó khăn mà bà từng trải qua trong thời thơ ấu hoặc khi chung sống với chồng hay nỗi mất mát khi những người yêu thương qua đời sớm - ở chừng mực nào đó, tất cả những điều này đều được chầm chậm truyền vào quá trình bà thụ thai và sinh ra mẹ của chúng ta. Nếu ta nhìn ngược về trước thêm một thế hệ nữa, quá trình trên hẳn cũng diễn ra đúng như vậy trong quá trình bà ngoại được hoài thai.

Có thể các chi tiết của những biến cố đã góp phần định hình nên cuộc đời của chúng ta sẽ mờ nhòa, song ta luôn có thể cảm nhận được một cách sâu sắc tác động của chúng. Theo Mark Wolynn, bên cạnh những gì chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ, cách chúng ta đã được nuôi dạy cũng có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chúng ta với bạn đời, với bản thân, và đến cách chúng ta nuôi dạy con cái của mình. Các bậc cha mẹ thường có xu hướng nuôi dạy con cái theo đúng cách họ được nuôi dạy thuở nhỏ, bất kể đó có phải là một cách nuôi dạy tốt hay không.

Những khuôn mẫu này dường như được cài cắm trong não bộ và đã bắt đầu định hình từ trước khi ta ra đời. Trong quá trình mang thai, mức độ gắn bó giữa mẹ và con có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển mạch thần kinh của đứa trẻ.

Trong “Nỗi đau này không thuộc về bạn”, Mark Wolynn lý giải: “Khi một người mẹ mang trong mình một sang chấn được di truyền, hoặc từng trải qua sự chia cắt với mẹ mình, thì mối quan hệ âu yếm mới hình thành giữa cô và đứa con của mình có thể bị ảnh hưởng, thậm chí khả năng cao bị cắt đứt. Khi sự gắn bó mẹ con trong giai đoạn đầu đời bị gián đoạn – do một lần nằm viện lâu ngày, một kỳ nghỉ mát không đúng lúc hay một sự chia tách kéo dài – thì đứa trẻ có thể gặp phải những tổn hại nghiêm trọng. Bởi những gì gắn liền và trở thành hiện thân của người mẹ, từ mùi hương, cảm giác, xúc chạm, giọng nói, cho đến hương vị – tất cả những gì mà đứa bé vốn thân thuộc và lệ thuộc vào – lại đột ngột biến mất”.

Ngoài ra, tác giả cũng cho biết tình trạng sự gắn bó với mẹ trong giai đoạn đầu đời bị gián đoạn có thể diễn ra rất lâu trước khi chúng ta được thai nghén. Tác động của chuyện này có thể được lưu lại trong vùng vô thức của ta, sống trong thân thể ta như những ký ức cơ thể và một lúc nào đó có thể được kích hoạt bởi những sự kiện tương đồng, như khi ta bị ruồng rẫy hoặc bị bỏ rơi.

Khi tình huống này xảy ra, ta có thể cảm thấy hoàn toàn xa lạ với chính mình. Những suy nghĩ quay cuồng trong đầu ta có thể trở nên quá sức chịu đựng, và ta có thể cảm thấy bị choáng ngợp, thậm chí kinh hãi trước những cảm xúc đang ồ ạt tuôn trào trong cơ thể mình. Bởi đã diễn ra từ trước đó quá lâu, các sang chấn thường ẩn kín ngoài phạm vi ý thức của ta. Chúng ta biết mình đang gặp phải vấn đề gì đó, nhưng không sao chỉ rõ được cụ thể “chuyện gì đã xảy ra”. Ta chỉ có thể đoán chừng rằng vấn đề nằm ở bản thân, rằng có gì đó bên trong ta “không ổn”.

Mang cảm giác sợ hãi và lo lắng, ta thường sẽ cố kiểm soát môi trường xung quanh để tìm lại cảm giác an toàn. Lý do là bởi ta có quá ít khả năng kiểm soát khi còn nhỏ và vì thế ta cũng thường không có được một nơi chốn an toàn cho những cảm xúc mãnh liệt mà mình trải qua. Nếu ta không thay đổi khuôn mẫu này một cách có ý thức, những tổn thương trong việc gắn bó có thể lan truyền suốt nhiều thế hệ.

Hellinger - nhà trị liệu tâm lý lừng danh người Đức - tin rằng cơ chế đằng sau những nỗi đau lặp đi lặp lại này là phản ứng trung thành vô thức, và ông xem lòng trung thành vô thức chính là nguyên nhân của hầu hết những nỗi thống khổ trong các gia đình. Vì không nhận thức được gốc rễ của những triệu chứng mình gặp phải vốn thuộc về một thế hệ đi trước, ta thường cho rằng nguồn cơn vấn đề đến từ trải nghiệm đời sống của chính mình, vậy là ta đi vào ngõ cụt, bất lực trong việc tìm giải pháp.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025