Người viết cuốn sách này là Pedram Shojai, một tu sĩ Đạo giáo, bậc thầy khí công, bác sĩ Đông y, đồng thời là người sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện về vấn đề chăm sóc sức khoẻ. Ông cũng là CEO của Well.org đồng thời là biên tập viên của Be More! Magazine.
Pedram có phòng khám Đông y với nhiều chi nhánh. Và trong quá trình thực hành chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân, ông nhận ra được nhiều vấn đề của người dân thành thị, từ stress đến thiếu hụt thời gian, dư thừa cân nặng cho đến bất ổn về kinh tế, mất kết nối với chính mình và với thiên nhiên hay với cả người bạn đời.
Quyển sách này được đúc kết từ hàng ngàn phiên gặp gỡ giữa Pedram Shojai và các bệnh nhân của ông, với mục đích đưa minh triết phương Đông cổ xưa vào cuộc sống của những người bình thường ở thời hiện đại một cách gần gũi và thiết thực nhất.
Có thể nói các phương pháp y tế bổ sung của Pedram Shojai hỗ trợ tương đối toàn diện về cả tinh thần lẫn thể chất, kết hợp cả tâm lý, vận động và dinh dưỡng, nhờ tác giả vốn là bậc thầy khí công, đồng thời là một người thực hành tâm linh với những trải nghiệm từ chính bản thân mình.
“Tu giữa đời thường” không đưa ra quá nhiều chi tiết học thuật. Tuy vậy, những lập luận và trích dẫn của tác giả sẽ giúp bạn nhặt ra được điều gì đó cần thiết, thú vị. Chẳng hạn, tác giả nhắc đến trường hợp nào cơ thể ưu tiên tập trung lưu lượng máu vận hành ở phần não phía trước hay phía sau và tại sao. Phần não phía sau được cài đặt cho những phản ứng tức thì như tự vệ trong tình huống khẩn cấp kiểu “chiến hay chạy” (fight or flight). Trong khi đó, phần não phía trước, đặc biệt là phần vỏ não ở thuỳ trán, tập trung điều khiển việc tiêu hoá thức ăn, chữa lành, giúp chúng ta tư duy trừu tượng, giải quyết vấn đề, nhận thức và lý luận đạo đức bậc cao.
Đặc biệt, tác giả không chỉ nêu ra vấn đề mà còn hướng dẫn người đọc thay đổi chế độ ăn uống, chế độ tập luyện, thay đổi những thói quen sinh hoạt không lành mạnh đã ăn sâu, bám rễ. Nhờ những “kế hoạch hành động” ấy, cấu trúc não bộ hay cách thức tư duy của chúng ta thay đổi. Nói cách khác, Pedram Shojai đã giúp bệnh nhân của mình thực hiện được bài toán nan giải: thay đổi bên trong sẽ kéo theo những thay đổi bên ngoài.
Làm thế nào để bạn không rơi vào cách tư duy phản ứng phòng vệ dễ khiến cho chính mình và người đối diện đều căng thẳng? Làm sao bạn có thể tự do về cả tâm thức lẫn tài chính nếu bạn không thể chủ động dành ra được 5-10 phút thư giãn hay tập thở cho đúng, trọn vẹn với thực tại mà không trốn tránh nó, hoặc đơn giản là nhìn sâu vào vấn đề của mình? Khi hiểu vấn đề của mình nằm ở đâu, bạn sẽ biết cách để thay đổi như thế nào. Nhờ đó mà tình hình sẽ được cải thiện.
Cũng phải nói thêm, những bài tập khí công mà Pedram Shojai đưa ra là những bài tập cơ bản đã được tập luyện từ hàng bao thế kỷ, được thực chứng là mang lại nội lực cũng như sự bình an, thư thái không chỉ cho những người tập luyện khí công lâu năm hay các võ sinh mà còn hiệu quả cho những người bình thường mới bắt đầu trải nghiệm.
Shojai không lên gân hay trốn tránh thực tại, tác giả nhìn ra vấn đề và mang đến những giải pháp liên hoàn, bổ sung cho nhau. Những thay đổi nhỏ, toàn diện mang đến hiệu quả lâu bền, mạnh mẽ. Chỉ cần bạn cài đặt và bật được chiếc công tắc tỉnh thức từ những gợi ý mà tác giả đưa ra, bạn sẽ không còn như cũ nữa. Với việc cài cắm kế hoạch hành động ở khắp nơi trong không gian sống hiện tại của chính mình, có thể bạn sẽ thấy thú vị với từng động tác đứng lên, ngồi xuống. Suy cho cùng thì như tác giả đã nói, tĩnh không phải đứng yên một chỗ mà là hoà điệu cùng với sự biến dịch của toàn vũ trụ.
Đọc sách, bạn còn được truyền cảm hứng về lối sống gần gũi với thiên nhiên, trở về với nguồn cội sâu thẳm bên trong chính mình. Ồ, hoá ra người ta có thể kết nối với linh hồn cây cỏ để tìm đến mật mã sự sống. Hoá ra các vi khuẩn trong cơ thể người có lượng mã và thông tin di truyền lớn hơn so với ADN của các tế bào cơ thể. Hoá ra chúng ta hoàn toàn có thể “đứng lên từ nơi vấp ngã”.
Một khi đã tìm ra được chiếc công tắc chuyển đổi của chính mình, bạn sẽ không còn phải vất vả đối phó hay chạy trốn nữa. Phiên bản bình an, chánh niệm, tự do, hạnh phúc hoá ra cũng là chuyện nằm trong tầm tay. Kế hoạch hành động bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất.