Thế giới ngày càng phát triển, nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc. GDP liên tục lên cao, thì bên cạnh đó sự chạy đua trong công việc, những áp lực vô hình trong cuộc sống. Từ áp lực tiền bạc đến áp lực tinh thần, từ áp lực sự nghiệp đến áp lực tình cảm cá nhân, cũng bắt đầu đè bẹp chúng ta. Tất cả những điều đó ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc sống, nó khiến con người chán nản, thất vọng, stress, trầm cảm và đôi khi gây ra những hậu quả khôn lường.
Vậy làm sao để ta có thể tìm đến sự yên bình trong tâm trí giữa môi trường sống ngày càng đủ đầy về vật chất nhưng cũng đang trở nên eo hẹp về tinh thần như vậy?
Những bài học được đúc kết một cách đơn giản và gần gũi từ những nền văn hóa khác nhau trong 4 quyển sách nhỏ dưới đây chính là di sản về niềm vui sống thuần túy. Tất cả sẽ giúp bạn tìm kiếm, khám phá hạnh phúc thường trực, giúp bạn quân bình tâm trí, "tự chữa lành" cho mình, đồng thời đạt được sự an yên từ trong tâm hồn, từ chính nội tâm của bản thân.
Người Nhật còn có đặc trưng tính cách tinh tế, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Những sự vật, sự việc tưởng chừng nhỏ bé, những khoảnh khắc thoáng qua luôn được nắm bắt và giữ lại, cho thấy sự quý giá của hiện tại, niềm hạnh phúc trong từng phút giây.
Đó chính là khái niệm ikigai của người Nhật. Trong đó, "iki" có nghĩa là cuộc sống, và "gai" có nghĩa là giá trị hoặc sự xứng đáng. Ta có thể hiểu ikigai là niềm vui của con người trong cuộc sống hàng ngày, những giá trị khiến ta cảm thấy cuộc đời tươi đẹp.
“Tôi nghĩ ikigai sẽ giúp tôi không bao giờ buồn chán cho đến tận cuối đời”
Dai Tamesue - nhà vô địch chạy vượt rào Dai Tamesue của Nhật Bản
Ikigai không chỉ liên quan tới công việc, ikigai có thể là sở thích, là những người thân yêu, hay đơn giản chỉ là khoảng thời gian tụ họp vui vẻ cùng gia đình, bạn bè, hay một mình thưởng thức dòng thời gian chậm rãi trôi qua bên một tách trà ấm nóng dưới tàn hoa đang rơi trong một ngày đẹp trời nào đó…
Ikigai không chỉ xuất phát từ nội tâm bên trong, mà còn là thứ kết nối bạn với thế giới bên ngoài, chẳng hạn các hoạt động giải trí, chụp ảnh, làm bánh, hay những việc làm thiện nguyện…v.v Ikigai không đơn thuần là niềm vui riêng mà còn là được sẻ chia cùng người khác, phục vụ cộng đồng, cho đi mà không cần nhận lại.
Đan Mạch là một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất trên thế giới, trong khi đây là một xứ sở nhỏ bé với mùa đông lạnh lẽo kéo dài cùng những đêm trường âm u ảm đạm, vậy bí quyết sống hạnh phúc của người Đan Mạch là gì? Đó chính là phong cách sống Hygge - tìm kiếm hạnh phúc từ những điều nhỏ bé.
Hygge là sự hòa hợp giữa các giác quan: thị giác, khứu giác, vị giác, thính giác và cảm giác. Bạn có thể cảm nhận được hygge khi chiêm ngưỡng một không gian đẹp với các món đồ nội thất mềm mại, hygge cũng ở đó khi khứu giác bạn nhận biết một mùi hương quen thuộc: mùi cà phê ấm nóng, mùi hoa hồng dại thoảng qua trong không khí, mùi sách mới tinh khi bạn lật giở từng trang, mùi món ăn mẹ nấu tỏa ra từ căn bếp… Hygge là cảm giác khi bạn nghe tiếng nhạc du dương phát ra từ chiếc cassette cũ, khi trùm chăn nghe tiếng mưa rơi tí tách bên trên những tàn lá bên ngoài cửa sổ, hoặc tiếng ai đó hát nhẹ nhàng, lẫn tiếng cười thân thuộc.
"Hygge là cảm giác thư giãn, thả lỏng, hạnh phúc, thoải mái, hài lòng, đồng thời cũng chan chứa yêu thương."
Người Đan Mạch tận hưởng hygge trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Họ có những hoạt động nhỏ hay những cuộc sum vầy như cùng hái hoa giọt tuyết trong mùa xuân, làm rượu và các món ăn mùa hè từ những loại quả mọng, đi dạo ngắm lá vàng vào mùa thu, quây quần bên nhau và đẩy lùi bóng tối với những cuộc trò chuyện dưới ánh đèn vàng ấm áp bên cây thông được trang trí đủ màu trong Giáng sinh tuyết rơi lạnh giá. Hygge chính là niềm hạnh phúc đơn giản từ những điều nhỏ bé hiện diện quanh năm, trong mỗi phút giây cuộc sống.
Đôi khi càng có quá nhiều thứ, bạn lại càng cảm thấy không hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự không nằm ở việc có bao nhiêu tài sản mà nằm ở một tâm hồn biết đủ, biết tự hài lòng với những gì mình có. Vừa đủ - biết đủ chính là tự do, cũng là hạnh phúc.
Lagom là một tính từ người Thụy Điển dùng để chỉ sự vừa phải, không quá nhiều mà cũng chẳng quá ít - chỉ vừa đủ. Lagom còn là việc giữ cân bằng cuộc sống, cân bằng các mối quan hệ đồng thời cân bằng được cả thế giới bên trong mình. Sự vừa đủ mà người Thụy Điển thể hiện ở phong cách sống lagom chính là việc tối giản hóa mọi thứ trong cuộc sống:
- Chú trọng tính hữu dụng của đồ đạc, dọn dẹp và loại bỏ những đồ ít dùng hoặc không dùng tới, chỉ mua những thứ thực sự cần thiết.
- Nội thất bài trí gọn gàng tiết kiệm không gian, giúp việc lau chùi dễ dàng. Ngoài ra, bảo vệ môi trường xung quanh, tái chế, sử dụng lại đồ cũ, hạn chế mua sắm, tránh dùng đồ nhựa…
- Chế độ ăn uống lành mạnh, đơn giản mà vẫn đủ chất dinh dưỡng, tận dụng nguyên liệu sẵn có, tránh lãng phí đồ ăn thừa, trồng rau củ để tự cung cấp thực phẩm…
"Hãy sống như loài mèo, sống như một cọng cỏ ở thảo nguyên và sống LAGOM như một người Thuỵ Điển."
Ngoài việc cân bằng vật chất, họ cũng "lagom" cả trong tinh thần như tham gia các hoạt động ngoài trời: đi bộ hay đạp xe một vòng bờ hồ, cắm trại, hòa mình vào thiên nhiên. Ngoài ra, họ không kịch tính hóa hay thổi phồng cảm xúc, mà đón nhận và nhìn vào chúng một cách đơn giản nhất có thể.
Người Đan Mạch có hygge, người Thụy Điển có lagom, còn thế giới khâm phục người Phần Lan vì tinh thần sisu ẩn trong nghệ thuật sống của họ, tinh thần ấy giúp họ chấp nhận nghịch cảnh, vượt qua mọi khó khăn.
Phần Lan là một quốc gia thầm lặng và khiêm nhường, nhưng lịch sử của đất nước này đã trải qua những chặng đường khốn khó, những năm tháng gian nan và môi trường sống khắc nghiệt. Tất cả đã tôi luyện và hun đúc nên tinh thần quật cường, lòng dũng cảm và ý chí sắt đá của con người nơi đây.
Khi bạn tự thách thức bản thân và phát huy tinh thần sisu, sisu có thể giúp bạn đạt được kết quả tuyệt vời, đồng thời vượt qua hoàn cảnh và vun đắp sự kiên cường.
Trong thâm tâm mỗi người Phần Lan luôn có chỗ cho sisu như một sức mạnh vô hình lan tỏa, bao gồm quyết tâm, nghị lực, sự ngoan cường. Thuật ngữ sisu là sự hòa trộn của lòng can đảm, sự dẻo dai, tinh thần bền bỉ, nhẫn nại. Sisu xuất hiện khi bạn đương đầu với một thử thách vượt quá khả năng của mình.
Sisu không chỉ đến khi chúng ta vấp phải nghịch cảnh mà còn xuất hiện khi chúng ta ở trong sự bình yên, nhàn rỗi. Chẳng hạn thể thao là thú vui giải trí cơ bản của người Phần Lan, cảm hứng sisu có thể đến từ hoạt động câu cá trên băng, tắm hồ mùa đông (nhảy vào hồ nước lạnh như băng), thể hiện thái độ tiến lên bất chấp thời tiết, vứt bỏ vùng an toàn thoải mái vốn có để dấn thân vào tự nhiên, đối mặt với sự thiếu thốn tiện nghi.
Sisu là một đặc điểm mang tính phổ quát. Người Phần Lan đã định nghĩa và đặt tên cho nó, nhưng bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể khám phá và dùng ý chí để thực hiện tinh thần sisu. Có thể chính bạn cũng đã vận dụng tinh thần sisu vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình rồi. Sisu luôn hiện diện trong bạn, sisu biểu tượng cho niềm tin của con người với trái tim kiên định và quả cảm, sẵn sàng vượt qua tất cả.
Bộ sách tổng hợp phong cách sống từ các nước trên thế giới: Lagom, Sisu, Hygge, Ikigai
Chúng ta không cần phải tìm kiếm hạnh phúc từ những nơi chốn xa xôi. Hạnh phúc ở ngay bên cạnh chúng ta, miễn là ta mang một trái tim chân thành và một tâm hồn rộng mở để có thể nhìn thấy. Hạnh phúc là niềm vui khi ta đón một ngày mới, hân hoan với ý nghĩ ngày hôm nay ta sẽ làm gì và ta hẳn sẽ có một ngày tốt đẹp (ikigai); hạnh phúc là những điều nhỏ bé ấm áp mà ta cảm nhận được trong cuộc sống thường nhật (hygge) hay đơn giản chỉ là ta hài lòng với những gì mình có, đơn giản hóa cuộc sống theo cách tự nhiên nhất (lagom). Hạnh phúc cũng là khi ta biến nỗi đau hay những gian truân trong cuộc đời thành một điều gì đó để đi qua và ngẫm nghĩ chứ không phải để bỏ cuộc, buông xuôi (sisu). "Cuộc sống này muôn hình vạn trạng: có hài lòng, có buồn bã, có ngất ngây, có u sầu, tất cả chúng đều hiện hữu. Không chỉ những điều tốt đẹp mà mọi cảm xúc đều có ý nghĩa". Laura Jane Williams.
Theo Trí Thức Trẻ