Trên thực tế, các nhà Khắc kỷ cổ đại mong muốn thay thế Cảm xúc “xấu” và “không lành mạnh” bằng Cảm xúc “tốt” và “lành mạnh”, tức những Cảm xúc gắn liền một cách tự nhiên với khôn ngoan và đức hạnh.
Diogenes Laertius nói bản thân các Cảm xúc tốt như niềm vui và niềm hân hoan không phải là đức hạnh, chúng chỉ tạm thời xảy ra như hệ quả của đức hạnh. Nói đúng ra thì mặc dù chỉ có nhà Hiền triết hoàn hảo mới có những “Cảm xúc tốt”, nhưng các nhà Khắc kỷ cũng nói về những người đang trong quá trình tiến tới việc đạt được chút ít những Cảm xúc này. Vì không có hình thức cảm xúc đau đớn hoặc buồn khổ nào là chủ động, lý trí và lành mạnh nên những Cảm xúc ấy chỉ rơi vào ba phạm trù:
1. Niềm vui hay niềm hân hoan (chara) là một cảm xúc “phấn khởi” có lý trí (cảm xúc tích cực), như một điều tốt đích thực, là sự thay thế cho khoái lạc phi lý trí. Niềm vui lành mạnh có thể ở dạng hân hoan, vui vẻ, thanh thản.
2. Thận trọng hay suy xét chừng mực (eulabeia) là ác cảm có lý trí đối với những điều thật sự xấu xa và có hại, là sự thay thế lành mạnh cho nỗi sợ phi lý trí. Nó có thể được thể hiện ở dạng ý thức về phẩm giá và tự trọng hay sự trong sạch và thánh thiện – nó thậm chí có thể được xem là một hình thức chánh niệm.
3. Thiện ý (boulêsis) là khát khao có lý trí muốn trở nên thật sự tốt đẹp và có ích, là cái thay thế cho sự thèm muốn phi lý. Thiện ý lành mạnh này có thể ở dạng lòng thương mến, sự tốt bụng, lòng nhân từ, mong muốn cho bản thân và cho người khác phát triển theo đức hạnh và có lẽ liên quan tới quan niệm về tình yêu và lòng thương mến tự nhiên (philostorgia) của người Khắc kỷ.
Seneca giải thích rằng niềm vui của người Khắc kỷ đến từ việc suy ngẫm về các hành động đức hạnh của mình, điều mà tất cả chúng ta đều có thể trải nghiệm, mặc dù chỉ là thoáng qua khi so với niềm vui xuất phát từ bên trong của một nhà Hiền triết hoàn hảo (Letters, 76). Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng không như những người theo thuyết Epicurus, những người coi cảm xúc vui sướng (và không có nỗi đau) là điều tốt đẹp chính yếu trong đời, cảm giác “vui vẻ” không phải là động cơ của người Khắc kỷ khi hành động theo con đường đức hạnh. Người Khắc kỷ không được đảm bảo sẽ trải nghiệm cảm xúc vui vẻ trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi họ hành động nhanh mà không có cơ hội để suy ngẫm, và các cảm giác tương tự có thể nảy sinh từ các nguyên nhân (thiếu đạo đức) khác. Thật ra, ngay cả bị tước bỏ những cảm xúc tốt đẹp này, người Khắc kỷ vẫn không ngần ngại đối diện với sự bất hạnh bằng danh dự, coi những hành động hợp lý này là bổn phận và phần thưởng của mình.
Các nhà Khắc kỷ hiểu rõ rằng đức hạnh phải là phần thưởng tự thân, nếu không sẽ xuất hiện vết nứt trong pháo đài đạo đức, dẫn tới nguy cơ sụp đổ dưới áp lực. Các cảm xúc tốt đẹp hay Cảm xúc lành mạnh là một kiểu phần thưởng phụ thêm, chúng không thể được coi là động cơ chính cho hành động vì chúng không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Người Khắc kỷ phải sẵn sàng hành động bằng lòng can đảm và sự chính trực bất chấp cảm xúc của mình chứ không chiều theo chúng, ngay cả khi nỗi sợ và khao khát kéo họ về hướng ngược lại.
Nói cách khác, khi tiếng còi xung trận vang lên, người anh hùng Khắc kỷ không thể chờ tia sáng ấm áp của cảm xúc tích cực tới rồi mới xông vào trận đánh. Mặc dù theo cùng mỗi đức hạnh vẫn thường có sự trỗi dậy của cảm giác vui vẻ, thì đức hạnh vẫn là phần thưởng tự thân và là điều duy nhất tự nó đã đáng để khát khao.
Bạn muốn tìm hiểu hơn về những triết lý và các phương pháp thực hành sống khắc kỷ - một phương pháp sống tuy không phải mới lạ nhưng lại mang đến những kết quả rất hay mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng được, bạn có thể tìm đọc cuốn sách: Chủ nghĩa khắc kỷ - Từ tự chủ đến bình an.