Thật ra, bí quyết sống thanh thản trong cả thời loạn lạc lẫn thời bình đã được khám phá từ rất lâu rồi. Đó là stoicism – chủ nghĩa khắc kỷ.
1. Vậy, chủ nghĩa khắc kỷ là gì?
Vắn tắt thì đó là một trường phái triết học cổ đại có vai trò quan trọng, xuất hiện tại Athens vào khoảng năm 301 trước Công nguyên, người khởi xướng là Zeno, một thương gia Phoenicia đến từ thành phố Citium, Cyprus.
Sứ mệnh của chủ nghĩa khắc kỷ là rèn luyện tinh thần con người cứng rắn và bình tĩnh hơn khi đối mặt với những nỗi đau và áp lực trong cuộc sống.
Quan điểm của chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng, sở dĩ ta đau khổ là vì ta đã chọn sai cách trong việc nhận định các vấn đề. “Khắc kỷ” không có nghĩa là nghiêm ngặt hay khổ hạnh. Trái lại, chủ nghĩa này cho rằng để tiến tới hạnh phúc, chúng ta cần sống hòa hợp với bản chất con người và thế giới.
2. Mục tiêu của chủ nghĩa khắc kỷ là gì?
Khắc kỷ là một triết thuyết tập trung vào việc dạy chúng ta làm thế nào để trở nên ưu tú, làm thế nào để trở thành những con người tốt hơn và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chủ nghĩa khắc kỷ khái quát cuộc sống làm 3 phần:
- Những gì ta có thể kiểm soát
- Những điều ta không thể kiểm soát
- Những gì ta có thể kiểm soát một phần
Lời khuyên của khắc kỷ là hãy tập trung vào nhóm 1, phớt lờ nhóm 2 và lên kế hoạch cho nhóm 3.
3. Nền tảng của quan điểm khắc kỷ là gì?
Nó dựa trên tiền đề rằng bản chất cơ bản của chúng ta là lý tính, đức hạnh cao quý nhất là sự khôn ngoan và điều xấu xa nhất là sự dại dột hay ngu dốt. Con người được trời phú cho sự hiểu biết có ý thức, chúng ta được Tự nhiên mời làm người quan sát và diễn giải vũ trụ.
Và các nhà Khắc kỷ tin rằng nhiệm vụ cơ bản của chúng ta trong cuộc đời là phải làm điều đó thật tốt, bằng cách thu thập một cách tốt nhất các kiến thức và hiểu rõ những điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Tóm lại là đạt được sự thông tuệ về nghệ thuật sống, hay nói một cách hoa mỹ là “khôn ngoan”.
4. Tư tưởng chính của chủ nghĩa khắc kỷ là gì?
Chủ nghĩa Khắc kỷ định nghĩa mục tiêu chính yếu của cuộc sống là “sống hòa hợp với Tự nhiên”, hoặc thuận theo Tự nhiên.
Một mặt, người Khắc kỷ nỗ lực sống theo bản chất người của chính mình, như những sinh vật vốn có lý trí và tính xã hội, bằng cách trở nên xuất sắc về trí tuệ, công bằng và đạt đến đức tính tự chủ. Mặt khác, thuận theo Tự nhiên cũng có nghĩa là chấp nhận vị thế của chúng ta như một phần của cái toàn thể, bản chất của vũ trụ, đón nhận số phận của mình vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Tuy nhiên, hai nhiệm vụ này bổ sung cho nhau vì chúng ta cần đức hạnh để có thể vượt lên nghịch cảnh và đón nhận bất cứ điều gì cuộc sống mang lại.
Và do đó, khắc kỷ mang đến cho chúng ta một quan điểm sống mới, một phương pháp để rèn luyện và thực hành mỗi ngày, chúng ta tôn trọng những quy luật bất biến, chúng ta lên kế hoạch cho những sự biến đổi, chúng ta đã có sự chuẩn bị, vì thế, mỗi biến cố xảy ra, chúng ta chấp nhận, chúng ta tự do, chúng ta thanh thản.
Chủ nghĩa khắc kỷ - Từ tự chủ đến bình an - Hiểu đúng về đức hạnh của người Khắc kỷ.