Tất cả chúng ta đều có cả mớ hóa đơn cần được thanh toán trong tháng, vậy nên một khoản dự phòng sẽ trở nên hữu ích nếu ta gặp vấn đề trong thời gian thanh toán, chẳng hạn như lúc nào đó các hóa đơn của bạn đồng loạt đến hạn vào đầu tháng.
Theo đó, một khoản dự phòng lý tưởng sẽ tương đương với mức chi phí của cả tháng, nhưng nếu bạn có ít hơn cũng không sao. Để xây dựng được khoản dự phòng, bạn có thể gửi thêm một ít tiền vào tài khoản Hóa đơn & Cuộc sống cho đến khi bạn đủ chi phí dự phòng cho một tháng. Hoặc một phương pháp “khắc khổ” hơn là cắt giảm mạnh, thậm chí là hoàn toàn không chi tiêu cho khoản Giải trí & Hưởng thụ trong một hoặc ba tháng. Sự thiếu thốn có thể khiến bạn khó chịu thời gian đầu nhưng một khoản dự phòng sẽ có ích cho bạn về lâu dài.
Nếu bạn định ra ngoài tận hưởng một đêm giải trí để thả lỏng bản thân thì hãy bỏ thẻ ghi nợ của bạn ở nhà. Bởi vì sự cám dỗ có mặt ở khắp nơi trong khi khả năng kiềm chế của chúng ta là có hạn. Trong những lúc vui vẻ, chúng ta thường dễ đưa ra những quyết định thiếu căn nhắc. Do vậy, đừng để bản thân rơi vào những hoàn cảnh dễ bị cám dỗ và đưa ra các quyết định tồi tệ. Khi đó, các khoản tiền của bạn sẽ không dễ dàng bị thâm hụt, đồng thời, bạn cũng kiểm soát được chi tiêu tốt hơn.
Guồng quay khoái lạc (đôi khi được gọi là hiệu ứng thích nghi với khoái lạc) là khái niệm cho rằng chúng ta sẽ duy trì những mức độ hạnh phúc tương đối ổn định bất kể các sự kiện chúng ta gặp phải là tích cực hay tiêu cực. Một người trong guồng quay khoái lạc sẽ cố gắng tìm kiếm hạnh phúc bằng cách không ngừng theo đuổi niềm vui, thay vì tìm kiếm sự đủ đầy thông qua một cuộc sống có ý nghĩa.
Lâu nay chúng ta vẫn duy trì một niềm tin sai lầm rằng thỏa mãn những ham muốn của bản thân sẽ duy trì những cảm giác tích cực như hạnh phúc và thỏa mãn. Đây là một cái bẫy của chủ nghĩa tiêu dùng. Mua sắm một chút có thể khiến bạn thấy vui hơn về lâu dài, nhưng mua sắm vô độ thì không.
Trong cuốn sách Tài chính cho mọi người, tác giả Paco de Leon chia sẻ: “Nếu nghĩ rằng cảm giác đủ đầy và niềm hạnh phúc của bản thân chỉ có thể đến từ niềm vui bên ngoài, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong guồng quay khoái lạc và không bao giờ thấy đủ, cho dù ta kiếm được bao nhiêu tiền, nắm bao nhiêu quyền lực và có địa vị cao đến đâu”.
Thay vì tìm kiếm hạnh phúc qua sự khoái lạc, chúng ta có thể áp dụng cách tiếp cận an lạc (eudaimonic approach). Hiểu ngắn gọn, nó là cách theo đuổi hạnh phúc thông qua sáu phương diện: (1) khám phá bản thân, (2) chủ động phát triển những tiềm năng tốt nhất, (3) có ý thức về mục đích và ý nghĩa cuộc sống, (4) đầu tư nhiều nỗ lực để theo đuổi sự xuất sắc, (5) tích cực tham gia nhiều hoạt động và (6) tận hưởng các hoạt động như những cách để thể hiện bản thân”.
Một phương pháp để đối phó với guồng quay khoái lạc là tạm thời bước ra nó bằng cách ngừng mua những món không thiết yếu trong một khoảng thời gian, có thể là một tháng, vài tháng hoặc thậm chí là một năm.
Một phương pháp khác là bạn vẫn ở trong guồng quay khoái lạc nhưng theo một cách khác. Bạn hãy ghi lại danh sách những thứ muốn mua và đặt ra quy tắc về thời gian chờ cho món đồ đó. Bắt bản thân phải chờ đợi một khoảng thời gian là một cách tốt để rèn luyện cho bộ não của bạn quen với việc trì hoãn sự thỏa mãn.
Theo thống kê từ Ngân hàng Thế giới, trong năm 2017, 24,1% dân số thế giới sống dưới mức 3,2 đô-la một ngày và 43,6% sống dưới mức 5,50 đô-la một ngày. Trong cùng năm, khi tình trạng nghèo cùng cực trên toàn cầu đã giảm, vẫn còn 689 triệu người sống dưới mức 1,9 đô-la một ngày. Sống dưới mức 1,9 đô-la một ngày có nghĩa là họ phải chật vật trang trải với không tới 700 đô-la một năm. Khi so sánh với số liệu thống kê đó, xét về mặt kinh tế, bạn thấy mình vẫn là người có cuộc sống tương đối dư dả so với rất nhiều người. Vì lẽ đó, thay vì đầu tư vào những món đồ vật chất không cần thiết, hãy đầu tư cho cuộc sống tâm hồn của bạn trở nên phong phú.
Phương pháp quản lý tài chính không đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn, thay vào đó, bạn chỉ mất thời gian và công sức để thiết lập và vận hành hệ thống. Không có lý do gì để bạn nghĩ mình không thể làm được. Việc phân loại các danh mục chi tiêu của bạn chỉ đòi hỏi một ít nỗ lực, điều mà bạn có thừa khả năng thực hiện.
Nếu bạn biết quản lý tài chính của mình, khoản tiền tiết kiệm của bạn sẽ tăng lên trong khi những khoản chi tiêu không cần thiết sẽ giảm xuống đáng kể. Từ đó, bạn sẽ giảm thiểu những lo âu, phiền toái không cần thiết và có thời gian để tập trung cho những dự định lớn hơn.