Trong cuốn sách “Nội lực”, Tara Swart cho biết não bộ giữ vai trò rất lớn trong cuộc đời mỗi người. Nó kiểm soát cuộc đời chúng ta, từ sự tự tin, các mối quan hệ, lòng tự trọng, cho đến lòng kiên trì, óc sáng tạo và nhiều thứ nữa.
Mỗi phần ngàn giây, 89 tỷ tế bào thần kinh của chúng ta đều đang lý giải và phản ứng với nguồn thông tin khổng lồ. Các tế bào thần kinh hoạt động liên tục, tạo kết nối, xây dựng những đường dẫn thần kinh khi chúng tổ hợp các cảm xúc, hành động, ký ức và các kết nối.
Điều này xảy ra phần lớn ở cấp độ tiềm thức và chúng ta luôn hành động dựa trên cái được gọi là “vòng lặp phản hồi” này. Chúng ta liên tục điều chỉnh và tái điều chỉnh phản ứng của mình trước một kích thích được ghi nhận bởi não. Khi các thông tin từ thế giới bên ngoài thâm nhập vào não, chúng ta sẽ phản hồi chúng dựa trên những khuôn mẫu nhận thức. Dần dần chúng khắc sâu vào não bộ khi chúng ta trưởng thành, và ta sẽ càng trở nên cứng nhắc và tù túng hơn trong cách hành xử.
Từ việc ngày nào cũng đi theo một lộ trình đến nơi làm việc (thậm chí gần như không thèm để ý đến khung cảnh xung quanh) cho đến việc cứ đâm đầu vào những mối quan hệ giống hệt nhau (mà chẳng đem lại hạnh phúc), chúng ta cứ sống phần lớn đời mình theo cơ chế “tự vận hành” này. Chúng ta làm như vậy mà không chút nghi ngờ, bởi vì qua sự lặp lại, điều này trở thành lối tư duy mặc định trong bộ não. Tara Swart nhấn mạnh: “Ta làm một việc gì đó càng lâu thì lại càng ít đặt nghi vấn về nó, dù cho đó là màu sắc yêu thích hay người bạn đời mà mình chọn.”
Cứ theo cơ chế tự vận hành như thế nghĩa là cuộc sống của bạn cứ tiếp diễn theo những khuôn mẫu giống nhau, điều này được coi là hiệu quả đối với bộ não, vì nó cần tiêu tốn ít năng lượng hơn. Tương tự, não bộ được thiết lập theo hướng né tránh những thay đổi bị nó xem là “mối đe dọa”, đồng thời tạo ra một phản ứng căng thẳng trước mối đe dọa đó để ngăn chặn ta mạo hiểm. Nó chọn sự hài lòng tức thời và phương cách ít trở ngại nhất, bất chấp ta có muốn nó làm vậy hay không.
Trong cơ chế tự vận hành, chúng ta không thắc mắc những thói quen nền tảng và cố hữu này xuất phát từ đâu và liệu chúng có còn hữu ích nữa hay không. Ta cũng không suy nghĩ nhiều và cứ để cuộc sống xảy đến với mình, mặc định rằng có nhiều thứ vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhưng mỗi một việc chúng ta làm lại gia cố các khuôn mẫu và đường dẫn trong bộ não, qua đó củng cố các hành vi mang tính tự động. Khi làm vậy, chúng lại càng thuyết phục ta tin rằng cuộc đời cứ thế trôi qua và con người gần như bất lực, không kiểm soát được nó.
Tuy nhiên, dựa trên những kiến thức về khoa học thần kinh, Tara Swart cho thấy ta hoàn toàn có thể chiếm lại quyền kiểm soát tâm trí của mình bằng cách tái thiết những đường dẫn của não bộ để tạo ra những thay đổi tích cực và lâu dài cho cuộc sống. Đây được gọi là Nội lực.
Theo Tara Swart, Nội lực là một thứ tinh vi, phức tạp và đáng kinh ngạc, nó là toàn thể bộ não của chúng ta – chứ không chỉ có phần vỏ não hay khả năng lập kế hoạch và ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Trọng tâm của Nội lực là giúp phát triển nhận thức về hoạt động của những đường dẫn thần kinh và khuôn mẫu quyết định nên phản ứng vô thức của con người trước các nguy cơ hay tình huống trong đời sống. Việc nhận thức rõ hơn những phản ứng và hành vi của bản thân có thể giúp ta định hình cách đối phó với những thử thách mà mình gặp phải trong cuộc sống.
Bởi lẽ, cuộc sống đâu nhất thiết chỉ bao gồm sợ hãi, tiếc nuối hay âu lo về được mất. Mỗi người chúng ta đều có khả năng tận dụng não bộ của mình để sống một cuộc đời trọn vẹn, mạnh mẽ và không có sự tủi thẹn hay buồn phiền. Thông qua sự kết hợp giữa những di sản văn hóa của mình với lĩnh vực khoa học thần kinh và y học hiện đại, Tara Swart sẽ dẫn dắt bạn đọc tiếp cận trọn vẹn tiềm năng của bộ não để có thể sống một cuộc đời vô cùng khác biệt so với cách mình vẫn sống bấy lâu nay.