Vào tháng Mười Một, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra thuận lợi hơn, và nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, vốn gây ra nhiều căng thẳng, cũng sắp kết thúc sau khi ứng cử viên Đảng Dân chủ kiêm cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Thị trường chứng khoán toàn cầu kết thúc năm 2020 ở mức cao kỷ lục sau khi tăng 16% trong ba tháng cuối năm, một phần nhờ thành công của các công ty công nghệ.
Ngược với xu hướng tích cực ở các thị trường lớn khác, nền kinh tế Anh đã giảm 11% trong năm 2020, mức giảm GDP lớn nhất kể từ năm 1709 và là mức tệ nhất trong số các nước G7. So với Anh, các nước châu Âu lục địa có tình hình tốt hơn. Chỉ số chứng khoán Dax của Đức tăng trưởng nhẹ, giúp chỉ số Stoxx 600 của toàn châu Âu chỉ giảm 1,6% trong năm 2020.
Tiền điện tử là loại tài sản trải qua những biến động lớn hơn tất cả các tài sản khác, cả về lợi nhuận lẫn tổn thất. Được mệnh danh là “mẹ của mọi loại bong bóng”, giá Bitcoin đã tăng 300% trong năm 2020, tăng từ khoảng 14.000 đô-la vào ngày 03/11/2020 lên mức kỷ lục 34.000 đô-la vào ngày 03/01/2021. Nhưng tính chất dễ biến động của loại tiền điện tử này cũng đã khiến nó giảm tới 20% giá trị chỉ trong vài ngày đầu tiên của năm mới.
Đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đạt nhiều đỉnh cao hơn nữa. Ngày 7 tháng Một, các chỉ số Dow Jones, S&P 500, NASDAQ đều vượt kỷ lục trước đó: Dow Jones vượt 31.000 điểm, S&P 500 chốt phiên ở mốc trên 3.800, trong khi NASDAQ lập kỷ lục mới khi tăng đến hơn 13.000 điểm. Song song với Mỹ, các thị trường mới nổi cũng chứng kiến giá trị cổ phiếu tăng đáng kể và đã bước vào thị trường giá lên trong những tuần đầu tiên của năm 2021. Đến ngày 10 tháng Hai, chứng khoán toàn cầu tăng trưởng ở mức cao nhất mọi thời đại và đã phục hồi hơn cả những tổn thất do đại dịch, tất cả là nhờ kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn trong năm tới.
Trong khi thị trường chứng khoán phục hồi nhanh chóng thì các nền kinh tế lại không như vậy, và đó là lý do vì sao đại dịch Covid-19 có thể được gọi là một cuộc đại khủng hoảng.
Tháng Mười Một năm 2020, Zambia trở thành nước đầu tiên vỡ nợ, và họ không phải là quốc gia duy nhất rơi vào tình trạng này. IMF ước tính khoảng 60% quốc gia thu nhập thấp có nguy cơ gặp khó khăn về nợ nần, nghĩa là họ có thể không trả được nợ và cần được giải cứu.
Ngược lại, các nền kinh tế tiên tiến có thể vay tiền để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ Covid giúp họ phục hồi. Việc vay mượn này diễn ra ngay cả khi mức nợ chính phủ đã tăng nhanh và chỉ mới bắt đầu ổn định sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Năm 2020, các quốc gia phát triển đã chi khoảng 9% GDP để ứng phó với đại dịch, gần gấp đôi chi phí chống dịch của các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Tính trung bình, nền kinh tế của các nước đang phát triển đã suy giảm gấp hai lần so với các nước phát triển. Đến đầu năm 2022, các nền kinh tế lớn hầu hết đã phục hồi về mức trước đại dịch, nhưng các nền kinh tế nhỏ vẫn tiếp tục suy thoái do ít khả năng tiếp cận vắc-xin và ít cơ hội vay mượn hơn. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều có thể ứng phó với Covid-19 hiệu quả.
Thật khó rút ra nhiều bài học từ một cuộc khủng hoảng tài chính do đại dịch toàn cầu gây ra. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này lại càng cho thấy rõ hơn rằng không có sự bùng nổ nào mà không đi kèm với suy thoái.
Tâm trạng phấn khích giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng suốt mười một năm liền đã kết thúc vào tháng Ba năm 2020. Chỉ riêng trong năm 2019, chỉ số Dow Jones đã ghi nhận hai mươi hai mức cao kỷ lục. Giá cổ phiếu tăng cao nhờ chiếc phao cứu sinh là dòng tiền giá rẻ mà các ngân hàng trung ương cung cấp suốt một thập niên nhằm kích thích nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi đại dịch xảy ra, các ngân hàng trung ương trên thế giới thậm chí còn bơm thêm tiền mặt và cắt giảm lãi suất sâu hơn, từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi.
Trong thời gian phong tỏa, thị trường chứng khoán đi lên cũng là nhờ các công ty công nghệ, thương mại điện tử và dược phẩm phát triển mạnh do hoạt động mua sắm trực tuyến tăng cao, cùng các nguồn tài trợ đổ vào nghiên cứu và sản xuất vắc-xin. Công nghệ di động được phổ biến rộng rãi trong một thập niên qua đã giúp thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ theo cách mà các công ty dot-com từng hình dung ra từ hai mươi năm trước.
Khi cổ phiếu công nghệ tăng vọt, người ta lo ngại về nguy cơ bong bóng vỡ. Cuối cùng, chính đại dịch đã dẫn đến một số vụ sụp đổ thị trường chỉ trong một ngày lớn nhất lịch sử. Tuy nhiên, nhờ chi phí vay thấp, xu hướng mua sắm trực tuyến và làm việc từ xa tăng lên, thị trường chứng khoán Mỹ không chỉ phục hồi mà còn đạt đỉnh cao mới ngay sau đợt sụp đổ lịch sử đó.
![]() |
Kết quả của cuộc khủng hoảng Covid-19 phụ thuộc vào khả năng cung cấp vắc-xin và hiệu lực của các loại vắc-xin, ngoài ra còn dựa trên năng lực của các chính phủ khi ngăn chặn thiệt hại kinh tế lâu dài bằng cách duy trì việc làm cho người dân. Việc các quốc gia châu Âu tiếp tục kéo dài chương trình tạm nghỉ có hưởng lương sang giai đoạn phục hồi là nhằm giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, các nước đang phát triển với nguồn tài chính hạn chế sẽ khó làm được như vậy.
Ngược lại, các nền kinh tế phát triển cũng có thể sử dụng ngân sách phục hồi để hỗ trợ cho các mục tiêu dài hạn như phát triển nền kinh tế xanh và giải quyết các vấn đề dai dẳng như năng suất thấp. Trong đại dịch Covid-19, IMF đã khuyến khích các quốc gia có đủ năng lực tài chính nên đi vay để đầu tư, nghĩa là chuyển trọng tâm từ thắt chặt ngân sách sang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tận dụng lãi suất thấp.
Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” tháng Mười năm 2020, IMF ước tính rằng trong những thời kỳ bất ổn như đại dịch toàn cầu, đầu tư 1% GDP vào cơ sở hạ tầng công cộng có thể làm tăng 2,7% GDP và tăng tỷ lệ việc làm lên 1,2% sau hai năm, đồng thời giúp thúc đẩy đầu tư tư nhân. Điều này có nghĩa là mỗi 1 triệu đô-la đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền thống có thể tạo ra từ hai đến tám việc làm.
Tuy nhiên, nếu khoản đầu tư hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng cho kinh tế xanh – chẳng hạn như lĩnh vực năng lượng tái tạo hoặc nghiên cứu và phát triển – thì mỗi 1 triệu đô-la mà chính phủ đầu tư có thể tạo ra từ năm đến mười bốn việc làm. Việc đầu tư vào nền kinh tế xanh có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn do nhu cầu vốn thấp hơn và sử dụng công nghệ cao hơn so với cách làm truyền thống.
Ngoài ra, chi tiêu chính phủ cũng có thể giúp nền kinh tế thích ứng với những thay đổi công nghệ và hoạt động hiệu quả hơn. Ví dụ, việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có thể cải thiện khả năng truy cập internet tốc độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh trực tuyến và làm việc từ xa; việc cải thiện hệ thống giao thông sẽ giúp mọi người làm việc theo mô hình kết hợp (giữa làm việc từ xa với làm tại văn phòng) dễ dàng hơn và hỗ trợ cho hoạt động giao hàng của thương mại điện tử.
Nói tóm lại, muốn tạo công ăn việc làm, hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và thúc đẩy năng suất, chính phủ cần tập trung chi tiêu rất nhiều cho cả nhu cầu ngắn hạn lẫn mục tiêu dài hạn. Các biện pháp này góp phần đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế bất thường nhất do đại dịch gây ra sẽ có kết cục tốt hơn.
Lược trích từ cuốn sách "Đại địa chấn kinh tế" (The great crashes: Lessons from global meltdowns and how to prevent them) của Giáo sư Linda Yueh