Từ “khắc kỷ” (stoic) thường được dùng để chỉ những người có tính cách nghiêm nghị, lý trí đến khô khan, vô cảm. Thực tế, thuật ngữ “khắc kỷ” có nguồn gốc sâu xa từ Chủ nghĩa Khắc kỷ - một trường phái triết học Hy Lạp hướng con người đến cuộc sống hạnh phúc bằng cách mưu cầu trí tuệ và đức hạnh.
Lịch sử của Chủ nghĩa Khắc kỷ
Chủ nghĩa Khắc kỷ được khởi xướng bởi Zeno xứ Citium tại Athens vào khoảng năm 301 trước Công nguyên. Sau đó, trường phái triết học này được phát triển và mở rộng bởi các triết gia lừng lẫy của Hi Lạp và La Mã như Seneca, Epictetus và Hoàng đế Marcus Aurelius.
Thuyết Khắc kỷ cổ đại vốn bao gồm ba nhánh chủ đề đan bện vào nhau: Vật lý học, Logic học và Đạo đức học. Theo phép ẩn dụ thời xưa, nếu Triết học là một khu vườn, thì Logic học là bức tường bảo vệ bao quanh, Vật lý học là đất đai màu mỡ và cây cối, còn Đạo đức học là hoa trái chín muồi - tượng trưng cho đức hạnh của con người.
Trong suốt chiều dài 500 năm, chủ nghĩa này đã có nhiều biến đổi trong đường hướng nghiên cứu lẫn áp dụng thực tiễn. Đến cuối thời La Mã, Đạo đức học trở thành chủ đề trung tâm, và các bài viết cổ thuộc nhánh này là nguồn tài liệu chính còn tồn tại đến ngày nay. Thời hiện đại, Đạo đức học Khắc kỷ có ít nhiều liên quan đến hoạt động trị liệu tâm lý, ví dụ như Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (Cognitive Behavioral Therapy) được xem là lấy cảm hứng từ trường phái triết học này.
Donald Robertson là nhà trị liệu tâm lý chuyên về chứng lo âu. Ông viết tác phẩm “Chủ nghĩa Khắc kỷ” dựa trên mối quan hệ có nhiều điểm tương đồng giữa triết học cổ đại và trị liệu tâm lý hiện đại, phân tích phương pháp sử dụng hiểu biết lý tính để vượt qua các vấn đề cảm xúc mà con người hiện đại thường đối mặt.
Chủ nghĩa Khắc kỷ trong đời sống hiện đại
Ở xã hội ngày nay, xe cộ, máy tính, điện thoại thông minh giúp con người ít phải “động tay động chân”; Internet là biển kiến thức có sẵn chỉ bằng vài cú nhấp chuột; thức ăn ngon, quần áo đẹp và các loại phương tiện giải trí không còn là thứ xa xỉ mà đã tràn ngập đến mức dư thừa. Sống trong môi trường như vậy, nhiều người cảm thấy những hoạt động đòi hỏi sự nỗ lực và tính kỷ luật như miệt mài học tập và làm việc suốt nhiều năm tháng, luyện tập thể thao đến vã mồ hôi hay ăn theo chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt là sự tự hành xác, là đánh mất tự do.
Thả mình vào lối sống dễ dãi, con người không được rèn luyện để sẵn sàng đối mặt với những khó khăn như sự túng thiếu, tai nạn, bệnh tật hay mất đi người thân - những tai ương vốn có thể xảy ra với bất kỳ ai như một phần tự nhiên của cuộc sống. Khi đó, họ dễ rơi vào khủng hoảng và rối loạn.
Như nhận định của Socrates: chúng ta chỉ nên “ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”, khi nói khép mình vào kỷ luật, ý của các triết gia này là hướng đến sức mạnh tinh thần và tư duy lý trí để không rơi vào cạm bẫy của vui thú lầm lạc. Như lòng quả cảm của dũng sĩ Hercules - người đã khước từ lời hứa hẹn về cuộc sống xa hoa của “nữ thần xấu xa” Kakia để chọn lấy con đường gian khổ của “nữ thần đức hạnh” Aretê; và rồi cuối cùng, sau những gian khổ, chàng đã được thần Zeus tôn lên địa vị của một vị thần bất tử.
Tương tự, không ít người chạy marathon chia sẻ rằng họ từng không thể đi bộ từ nhà đến siêu thị mà không thở nặng nhọc, thật khó tin là giờ đây họ có thể chạy liên tục 42km bất kể nắng mưa. Hoặc, những người bị béo phì kiên trì theo đuổi kế hoạch giảm cân với thời gian tính bằng năm, chiến thắng mọi cơn thèm đồ ngọt luôn chực chờ quyến rũ. Như thép được tôi luyện qua thời gian, thành quả từ hành trình nghị lực này không chỉ là sức khỏe thể chất, mà còn là ý chí mạnh mẽ và bền bỉ để không bỏ cuộc trước khó khăn trong mọi khía cạnh đời sống và công việc.
Tác giả phác thảo bao quát về lịch sử của các học thuyết và sử dụng rất nhiều trích dẫn có giá trị từ các triết gia cổ đại để giới thiệu cho bạn đọc về Chủ nghĩa Khắc kỷ. Tuy nhiên, đây không phải là một cuốn sách phê bình triết học, mà đây là cuốn cẩm nang về nghệ thuật sống được viết theo quan điểm của một nhà trị liệu tâm lý, muốn tìm hiểu gốc rễ các vấn đề cảm xúc của con người. Như lời của triết gia La Mã Musonius Rufus, chúng ta không nên sử dụng triết học như là đơn thuốc trị bệnh nhất thời, mà hãy tư duy triết học như một lối sống. Bằng nỗ lực thay đổi cốt lõi tư duy để định danh bản chất mình là một sinh vật có lý trí, con người sẽ có quyền năng điều khiển số phận của chính mình.