Tha thứ rất tàn nhẫn
Khi tha thứ, chúng ta cảm thấy yếu ớt, nhu nhược, có cảm giác phản bội lại chính mình, phải đầu hàng, chịu thua trước đối phương. Chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé, đáng thương và thảm hại.
Tiểu thuyết gia Cynthia Ozick đã vạch rõ sự trái ngang của tha thứ: “Tha thứ rất tàn nhẫn. Nó quên đi nạn nhân. Nó phủ nhận cái đúng của nạn nhân. Nó khuất lấp nỗi đau khổ và cái chết. Nó nhận chìm quá khứ. Nó nuôi dưỡng sự nhạy cảm bằng cái giá của sự lãnh đạm đối với nạn nhân”.
Henry Clay Frick và Andrew Carnegie là hai đại gia trong ngành công nghiệp Mỹ đầu thế kỷ XX. Họ từng là đôi bạn thân thời niên thiếu nhưng đã trở thành kẻ thù của nhau trong những thập niên cuối đời. Một hôm, Carnegie gởi cho Frick một thông điệp, hỏi xem liệu hai người có thể gặp mặt nhau giải quyết mâu thuẫn không. Carnegie cho biết cả hai đều đã già hết rồi và thời gian sống không còn bao lâu nữa. Đọc xong những dòng chữ đó, Frick hồi âm ngay cho ông bạn cũ: “Tôi sẽ gặp ông ở địa ngục”.
Những gì ta thấy là tận trong thâm tâm của Frick, ông không hề gan dạ, dũng cảm tí nào cả. Ông sợ tha thứ, sợ cảm giác bất an, sợ thú tội, sợ sự ăn năn hối cải, sợ luôn cảm giác bối rối, lúng túng và lòng tốt của chính ông.
Không phải là đại gia trong ngành công nghiệp nhưng bạn và tôi, chúng ta có thể là những đại gia của lòng thù hận và giận dữ khi xung đột với người khác, đặc biệt với những người chúng ta thương yêu. Dù người ấy có khẩn cầu, van xin: “Mình ơi, hãy mở cửa làm lành nhau đi”, chúng ta vẫn đứng bên trong với tâm trạng nặng nề mà nói rằng: “Tôi sẽ gặp cô ở địa ngục”. Chúng ta cảm thấy an toàn hơn khi từ chối lời van xin hơn là mở cửa ra và bỏ vũ khí xuống. Chúng ta biết mình không sống theo những điều đã răn dạy con cái. Chúng ta không phải là vĩ nhân mà chỉ là những tên ích kỷ.
Làm sao có thể đẩy lùi sự ích kỷ và cái tôi chứ? Điều mà chúng ta thường làm là thù hận và trả thù. Tha thứ chặn đứng hành động đó. Nó khiến mối bất hòa giảm xuống cực điểm.
Nếu Hamlet nói với ông bố dượng rằng: “Đừng bận tâm, bố ạ, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Chúng ta sẽ tiếp tục sống, bố nhé”; nếu Othello nói rằng: “Nỗi ghen tuông của tôi chả đâu vào đâu. Tôi yêu Desdemona và tôi sẽ tha thứ cho cô ấy tất cả”... thì những vở kịch này có lẽ sẽ thất bại. Tuy nhiên, những tác phẩm bất hủ kia vẫn cứ được diễn trên sân khấu qua hàng thế kỷ.
Shakespeare hiểu được cuộc sống. Ông hiểu được con người. Hầu hết chúng ta đều không tha thứ, ít nhất cho đến khi quá muộn. Chúng ta khó có thể ngăn chặn được cảm xúc giận dữ khi bị chọc tức. Nổi giận và xuôi theo cảm xúc quả thật thoải mái. Trả được thù mới là anh hùng và gan dạ! Thế giới này là thế giới của kẻ mạnh. Nếu chúng ta không “nuốt” đối thủ trước, chẳng chóng thì chầy, chúng ta sẽ bị “nuốt”.
Trong trường hợp này, tha thứ là một ý kiến hay nhưng tác dụng ngược, khiến cho chúng ta tiều tụy, héo mòn. Nếu không trả thù, chúng ta sẽ bị lợi dụng. Sẽ chẳng ai quan tâm đến việc chúng ta có đạo đức như thế nào đâu, chúng ta rồi sẽ bị thất bại trong trò chơi của cuộc đời. Tha thứ chỉ để dành cho những kẻ nhu nhược, yếu đuối và khờ dại.
Thế nhưng, hầu hết chúng ta đều xem thường một sự thật rất quan trọng: Khi ghét ai đó, chúng ta mới chính là người bị tổn thương.
Tự hủy hoại mình khi theo đuổi sự hận thù
Tha thứ, cũng như từ bỏ và đoạn tuyệt, rất khó thực hiện và gây cảm giác tồi tệ cho ta. Nhưng chúng có thể cải thiện sức khỏe của ta cả về thể chất, tình cảm lẫn tâm linh. Nhiều người trong chúng ta tránh né việc tha thứ vì nó khiến họ đau đớn. Nhưng nếu không học cách tha thứ và cởi bỏ, chúng ta chính là người phải trả giá. Ta sẽ hứng chịu đau khổ theo nhiều cách khác nhau trong suốt cuộc đời mình. Mối quan hệ, công việc và sức khỏe của ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngược lại, ta sẽ có tất cả, chỉ bằng cách tha thứ mà thôi.
Khi cứ tiếp tục chất chứa lòng thù hận hay giận dữ, chúng ta sẽ trở nên yếm thế, ít tin tưởng, ít hy vọng, hay gây gỗ hơn và do đó, ít gặt hái được thành công hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Sự giận dữ sẽ thống trị suy nghĩ của ta khiến ta trở nên khó gần gũi trong mắt mọi người xung quanh.
Trong công việc, vì năng lượng tinh thần của ta bị phân tán vào những điều tiêu cực nên năng suất, hiệu quả làm việc giảm sút. Càng thù ghét đối thủ, cái giá chúng ta trả càng cao, càng bị ám ảnh, lo lắng nhiều hơn. Chúng ta tự hủy hoại mình khi theo đuổi sự hận thù.
Nhưng sống trong xã hội ngày nay, hầu hết chúng ta đều không mặn mòi lắm với sự tha thứ vì có vẻ như điều đó cản trở ta rất nhiều. Tha thứ vẫn được xem là hành động rất cao đẹp nhưng lại thiếu thực tế.
Theo Dám tha thứ