Instagram - Triết lý và thực tế
Năm 2010, Kevin Systrom và Mike Krieger, hai nhà đồng sáng lập ra mắt ứng dụng chia sẻ ảnh có tên là Instagram, với một tính năng đơn giản nhưng hấp dẫn: làm cho bất cứ thứ gì bạn chụp được trông đẹp hơn nhờ các bộ lọc (filter) giúp cải thiện chất lượng hình ảnh. Nó dành cho cộng đồng những người yêu thích nhiếp ảnh. So với các ứng dụng khác, Instagram chiếm ít thời gian của người dùng hơn, bởi nó thúc đẩy người dùng ra ngoài trải nghiệm và chụp lại chính những khoảnh khắc trải nghiệm đó.
Systrom và Krieger đã tận dụng sự ủng hộ của giới nghệ sĩ và người nổi tiếng, đưa nền tảng này phổ biến tới công chúng. Instagram lập tức được lan truyền nhanh chóng. Từ 25.000 người dùng trong ngày ra mắt, chỉ sau 6 tuần con số này đã vọt lên 2 triệu , và không ngừng tăng.
Instagram trở thành một trong những công ty khởi nghiệp đầu tiên phát triển mạnh mẽ trên nền tảng điện toán đám mây của Amazon . Và Instagram cũng là cách dễ dàng nhất để chia sẻ ảnh trên Twitter. Ưu điểm của chiến lược này là một ngày nào đó Instagram cũng sẽ trở thành một gã khổng lồ. Song, để được như vậy, các nhà sáng lập sẽ phải thực hiện nhiều thỏa hiệp đau lòng. Nhưng trước mắt, họ phải giải quyết hàng loạt rắc rối sau thành công ban đầu như: sự cố máy chủ, quá tải với các vấn đề liên quan đến hỗ trợ khách hàng… Lúc này, Instagram chỉ có trong tay đội ngũ vỏn vẹn 13 nhân viên.
Trong vòng chưa đầy 2 năm, ứng dụng này đã hướng đến con số thu hút 1 tỉ người dùng. Quá trình phát triển Instagram cũng là quá trình hai nhà đồng sáng lập Systrom và Krieger xác định nên làm gì với sức mạnh chi phối mà sản phẩm của họ đang tác động lên sự chú ý của người dùng. Và đó cũng là lúc Instagram được các công ty công nghệ khác dòm ngó, trong đó có ‘ông trùm Facebook”. Lúc đó, Zuckerberg đã nhìn ra Instagram là đối thủ cạnh tranh của mình và có ý định thâu tóm.
Năm 2012, sau nhiều đắn đo, Systrom và Krieger đã quyết định bán Instagram cho Facebook. Mark Zukerberg mua lại Instagram với giá 1 tỉ đô la, với thỏa thuận: Để duy trì vẻ đẹp và thương hiệu của Instagram, hai nhà sáng lập ở lại để điều hành ứng dụng của họ như một công ty riêng biệt bên trong “gã khổng lồ Facebook”. Quá trình điều hành Instagram như “một công ty riêng biệt” đó, họ luôn cố gắng ủng hộ chiến lược đề cao sự sáng tạo và hợp tác với người nổi tiếng, chống lại triết lý phát triển bằng mọi giá của Facebook. Nhưng sự gắng gượng của họ không kéo dài được quá lâu.
Triết lý nào rồi cũng nhường chỗ cho lợi nhuận
Trong giai đoạn đầu, Zuckerberg vẫn thực hiện lời cam kết trao cho Instagram sự độc lập nhất định. Systrom cố gắng khiến Instagram trở thành một phần quan trọng của Facebook mà không đánh mất quyền tự chủ tương lai của mình, tiếp tục theo đuổi những giá trị của Instagram. Nhóm nhân viên kỳ cựu xác định 3 giá trị của Instagram: ưu tiên cộng đồng, sự giản tiện, truyền cảm hứng sáng tạo. Systrom cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu Instagram dựa dẫm quá nhiều vào Facebook . Dù muốn lớn mạnh nhưng anh không muốn trở thành Facebook, không muốn áp dụng kiểu phương châm “phát triển bằng mọi giá” của Facebook.
Systrom rất lo lắng về việc đánh mất những giá trị đã khiến Instagram trở nên đặc biệt. Anh muốn ứng dụng được biết đến với thiết kế chu đáo, tính đơn giản và các bài đăng chất lượng cao. Nhưng Instagram phát triển quá nhanh, với đội ngũ nhỏ bé của mình, anh không thể có được cả hai.
Năm 2014, đã đến lúc Zukerberg cho rằng Instagram đã đủ lớn để trở nên hữu ích, đã đến lúc ứng dụng này mang về doanh thu cho Facebook để bù đắp phần nào khoản tiền thâu tóm họ đã bỏ ra. Zukerberg đưa ra con số Instagram có thể đạt doanh thu 1 tỉ đô la vào năm 2015, và thúc giục Systrom tăng tần suất quảng cáo hoặc số lượng khách hàng quảng cáo trên Instagram, và Facebook sẽ giúp Instagram tiếp cận khách hàng quảng cáo theo giải pháp của Facebook.
Điều Systrom lo ngại là nếu không thận trọng, nước đi đó có thể hủy hoại thương hiệu mà Instagram đã tạo dựng, “vì đó có vẻ là những quảng cáo chỉ dành cho mạng xã hội Facebook khi rất nhiều nội dung trong số đó sử dụng từ ngữ rẻ tiền và lời lẽ câu tương tác - những thứ sẽ xung đột với tính thẩm mỹ của Instagram và những gì người dùng mong đợi được trải nghiệm trên ứng dụng này”.
Giữa những mâu thuẫn, Instagram vẫn cố gắng tiếp tục con đường riêng của mình, có kế hoạch kinh doanh theo kiểu của mình (với sự hỗ trợ về công nghệ quảng cáo của Facebook) đội ngũ tiếp tục lao động miệt mài, không ngừng cải thiện các tính năng và có nhiều bước phát triển vượt bậc.
Năm 2017, khi Instagram đã có hàng tỉ đô la doanh thu, có tầm nhìn và sản phẩm chiến lược của riêng mình, hướng đến đạt con số 1 tỉ người dùng, thì Facebook rơi vào khủng hoảng. Và đó cũng là lúc Zukerberg không muốn để Instagram quên mất họ đang làm việc cho ai. Zukerberg nghĩ anh đã trao rất nhiều tự do và sự hỗ trợ cho Instagram, đã đến lúc Instagram bắt đầu trả lại. Tác giả dẫn lời một cựu giám đốc Instagram là “Facebook giống như một cô chị muốn diện đẹp cho cô em đi dự tiệc nhưng không hề muốn cô em xinh hơn mình”.
Cuối năm 2017, Zukerberg yêu cầu Systrom lập một liên kết dễ thấy trong ứng dụng Instagram để dẫn người dùng của Systrom đến Facebook. Còn trên bảng tin của Facebook, trong bảng điều hướng nơi có tất cả đường dẫn đến các thuộc tính khác của mạng xã hội này, Zukerberg đã xóa đi liên kết dẫn tới Instagram.
Việc gì đến phải đến. Mùa hè 2018, khi Instagram đạt mốc 1 tỉ người dùng hàng tháng, Zuckerberg ra lệnh dừng tất cả hoạt động hỗ trợ Instagram. Không còn sự hỗ trợ của Facebook, tốc độ tăng trưởng của Instagram chậm lại. Sau đó, Instagram đã phải “chơi theo lối chơi của Facebook” và áp dụng một số chiến lược mà họ đã đầu tư nhiều tâm sức để tránh. Cuối tháng 9, cả hai nhà đồng sáng lập Instagram là Systrom và Krieger cùng từ chức. “Mọi thứ đều tan tành ở mức 1 tỉ”. Họ nhận ra, không phải lúc nào bạn cũng đạt được những gì mình mong muốn, ngay cả khi bạn đã chạm đến đỉnh cao của sự thành công trong kinh doanh.
Trong những tháng sau, khi các nhà sáng lập Instagram rời đi, ứng dụng của họ được đổi tên thành “Instagram từ Facebook”. Năm 2019, Instagram đã mang về khoản doanh thu xấp xỉ 20 tỉ đô la, hơn 1/4 tổng doanh thu của Facebook. Nhưng sau cột mốc 1 tỉ người dùng, ứng dụng mà họ phát triển nhằm tạo ra những ảnh hưởng văn hoá to lớn đã mắc kẹt trong những rắc rối của doanh nghiệp về cá tính, lòng tự tôn cá nhân và các ưu tiên.
Tác giả quyển sách cho rằng “Nếu lịch sử của Facebook có thể nói lên bất kỳ điều gì, đó chính là cái giá thật sự của vụ thâu tóm đã đổ lên vai của chính người dùng Instagram”. Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram cung cấp một góc nhìn độc đáo về sức tác động to lớn của Instagram đối với xã hội; làm nổi bật mối quan hệ giữa chúng ta với công nghệ; cho thấy khát khao đạt đến sự hoàn hảo của con người; phơi bày cuộc chiến giữa các công ty công nghệ khi tranh giành loại hàng hóa có giá trị cao nhất: thời gian và sự chú ý của người dùng.
Câu chuyện cho thấy lý tưởng của các nhà sáng lập bị tác động như thế nào bởi việc tạo ra lợi nhuận. Ai cũng có triết lý và những nhu cầu lợi ích của mình. Đọc sách, chúng ta sẽ thấy nỗi trăn trở của những người trong cuộc, những cái giá phải trả cho sự thành công, cho sự sáng tạo, phát triển. “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram” là một ví dụ. Nó cung cấp cho ta nhiều thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, triết lý hữu ích.
Và sẽ còn vô vàn ví dụ như thế trong tiến trình phát triển của nhân loại để con người cùng buồn, vui.
Sarah Frier là một phóng viên của Bloomberg News, chuyên viết về các công ty công nghệ lớn. Nghiệp vụ, kiến thức, thông tin và kinh nghiệm có được đã giúp tác giả chuyển tải câu chuyện tưởng khô khan một cách lôi cuốn, bằng giọng văn tường thuật mượt mà, xâu chuỗi ngồn ngộn chất liệu thực tế và lời kể của nhiều người trong cuộc.
Sách dựa trên nhiều lời kể, vì vậy có những thông tin khó kiểm chứng đầy đủ hết, nhưng như tác giả đã nêu, “ sách là nổ lực lớn nhất của tôi nhằm mang đến cho bạn một hình ảnh chân thực về Instagram, không áp dụng bất kỳ bộ lọc nào ngoài bộ lọc của chính tôi”. Đó là sự khách quan, sự cẩn trọng cần có của một tác giả là nhà báo khi mang đến cho chúng ta câu chuyện này.