Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram - Facebook và Instagram từng khác nhau như thế nào? 

Quin18/04/2023 08:00
Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram - Facebook và Instagram từng khác nhau như thế nào? 

Cuộc đấu tranh với “công ty mẹ” để giữ vững các giá trị văn hóa và đảm bảo lợi ích của người dùng đã kéo dài dai dẳng, cuối cùng kết thúc với sự ra đi của hai nhà sáng lập Instagram. Vậy Facebook và Instagram từng khác nhau như thế nào? 

Facebook dùng thuật toán và tránh để yếu tố con người tác động đến quyết định nội dung trên newsfeed. Trong khi đó, các nhân viên Instagram thích tự mình chọn ra các tài khoản yêu thích, dựa trên các mối quan tâm cá nhân.

Facebook đề cao hoạt động “quy mô lớn” - thu hút nhiều người dùng hơn với ít nỗ lực của nhân viên hơn. Trong khi đó, vì không có sức mạnh kỹ thuật để xây dựng các hệ thống lớn như Facebook, nên Instagram đã làm ra những thứ mang đậm dấu ấn cá nhân hơn.

Instagram muốn mọi thứ được xem xét và thiết kế cẩn thận trước khi phát hành cho công chúng. Họ tập trung vào con người, không phải con số. Nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế không phải là DAUs (daily active users) - “người dùng hoạt động hằng ngày” - một chỉ số mà Facebook quan tâm. Instagram không muốn giới hạn con người ở những gì người ta thích và không thích; Instagram muốn giới thiệu cho người dùng những thứ họ chưa từng thấy. 

Khi mới bị Facebook thâu tóm, nhóm nhân viên kỳ cựu đã xác định được ba giá trị của Instagram, tất cả đều bao gồm các ghi chú rất rõ ràng về những khác biệt về văn hóa so với Facebook. 

Điều quan trọng nhất là “ưu tiên cộng đồng”: Tất cả các quyết định của họ nên tập trung vào việc duy trì cảm giác thích thú và thoải mái của người dùng, thay vì chỉ tập trung đẩy mạnh đà tăng trưởng. 

Tiêu chí thứ hai là “vấn đề về sự giản tiện”. Trước khi ra mắt bất kỳ sản phẩm mới nào, các kỹ sư phải suy nghĩ xem họ có đang giải quyết một vấn đề cụ thể của người dùng hay không, và những thay đổi họ đưa ra là cần thiết hay sẽ khiến ứng dụng trở nên phức tạp hơn. Triết lý này đối lập với “Tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ” của Facebook, công ty luôn chú trọng việc xây dựng để phát triển nhiều hơn là sự hữu ích hay lòng tin. 

Và giá trị cuối cùng là “truyền cảm hứng sáng tạo”: Instagram sẽ nỗ lực định hình ứng dụng này như một đơn vị nghệ thuật và có trách nhiệm hướng dẫn người dùng, vận dụng chiến lược kiểm duyệt để đề xuất những người dùng nổi bật nhất và tập trung vào những nội dung chân thực, có ý nghĩa. 

Giá trị này chống lại sự giả tạo của hoạt động quảng cáo tự phát xuất hiện ở những tài khoản Instagram có nhiều lượt theo dõi. Đây cũng là một chiến lược rất khác so với cách tiếp cận cá nhân hóa bằng thuật toán của Facebook. 

Các nhà sáng lập Instagram từng cho rằng “thời gian trực tuyến” thật ra không phải là thước đo đáng để theo đuổi, vì họ biết con đường đó đã dẫn Facebook đến đâu. Facebook đã phát triển thành một nền tảng đầy rẫy các video do những tay chuyên nghiệp sản xuất nhằm câu lượt tương tác. 

Đáng tiếc, khi về một nhà với Facebook, cuộc đấu tranh với “công ty mẹ” để giữ vững các giá trị văn hóa và đảm bảo lợi ích của người dùng đã kéo dài dai dẳng, cuối cùng kết thúc với sự ra đi của hai nhà sáng lập Instagram. Ngày nay, các giá trị ban đầu ngày một phai mờ dần và Instagram ngày càng trở nên giống Facebook hơn bao giờ hết…

👉Toàn bộ hành trình đó được tường thuật lại một cách chi tiết, hấp dẫn và thấu đáo trong “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram”. Sách được viết bởi phóng viên Bloomberg News, đã đạt danh hiệu “sách kinh doanh của năm” (Financial Times, 2020) và “sách hay nhất năm” (bình chọn bởi Fortune, The Economist và NPR).

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 30/10/2024