Đầu tiên, bạn cần hiểu rằng nợ từ lâu đã ăn sâu vào lịch sử của loài người chúng ta. Một số nhà nhân chủng học tin rằng nhân loại có nợ từ rất lâu trước khi có tiền. Người ta phát hiện nhiều bằng chứng rằng ở Lưỡng Hà cổ đại, khoảng 8.000 đến 800 năm trước Công nguyên, các giao dịch trong giai đoạn này được tiến hành dựa trên tín dụng.
Bạc không chỉ được sử dụng bởi các quan chức trong đền thờ, mà còn thường được dùng như một phương pháp kế toán để tính các khoản nợ. Tuy nhiên, bạc không phải là hình thức phổ biến để chi trả hay mua bán. Những món nợ trong thời này có thể được trả bằng bất cứ thứ gì người ta có, chẳng hạn như lúa mạch. Ví dụ, khi một người Babylon đến một quán rượu địa phương ở Lưỡng Hà, họ được ghi nợ và sẽ thanh toán vào thời điểm thu hoạch.
Các nhà lý luận đã đề ra lý thuyết tín dụng cũng cho rằng tiền thật ra là một dạng nợ trá hình. Nó giống như những phiếu thưởng mà hồi còn nhỏ bạn thu thập được từ các máy trò chơi điện tử. Bạn có thể đổi phiếu tại gian hàng đổi thưởng để lấy bút chì hay những thứ đồ chơi bằng nhựa.
Trong cuộc sống hằng ngày, có lẽ bạn sẽ không quá thoải mái khi nghe nhắc về nợ. Tuy nhiên, trong cuốn sách “Tài chính cho mọi người”, tác giả Paco de Leon đã khẳng định nợ là phần quan trọng trong sự phát triển chung của nhân loại.
Cô viết: “Chừng nào nhân loại còn tìm kiếm sự tăng trưởng và tiến bộ, thế hệ sau còn muốn có chất lượng cuộc sống tốt hơn thế hệ trước, chúng ta còn ở trong guồng quay khoái lạc và sự chênh lệch giàu nghèo còn tồn tại, chừng đó chúng ta còn mắc nợ. Lý do là vì không phải ai cũng đủ khả năng để chi trả cho giáo dục hay mua một tài sản lớn như nhà mà không cần vay mượn. Đây đơn giản là thực tế cuộc sống”.
Nhìn chung, cả nợ lẫn tiền đều nguy hiểm như lửa hay rượu. Một mặt, lửa cho chúng ta ánh sáng, hơi ấm và nấu chín thức ăn. Nhưng mặt khác, nếu không được kiểm soát, lửa có thể có hại và gây ra sự tàn phá không thể cứu vãn.
Nợ giúp các doanh nghiệp kiếm được số tiền mà nếu không có nó thì họ không thể nào kiếm được. Nợ giúp các gia đình sống trong những ngôi nhà họ chưa đủ khả năng mua. Nhưng tất nhiên, tình trạng bội chi và các hoạt động cho vay trái pháp luật, không được kiểm soát hay có lãi suất cắt cổ… có thể tạo ra gánh nặng nợ nần không cần thiết, như cuộc khủng hoảng nhà ở năm 2008.
Lúc này, nếu bạn đang có một món nợ nào đó và cảm thấy khó chịu với mớ hỗn độn đằng sau thì tác giả Paco kêu gọi bạn hãy nhìn nhận khoản nợ đó theo một góc độ khác. Bạn có thể xem nó là một phần trong hành trình đã làm nên con người của bạn ở hiện tại. Nó đã giúp bạn khi bạn không có tiền và đã cải thiện cuộc sống bạn ở một khía cạnh nào đó. Hoặc trong một tình huống khác, bạn có thể sử dụng nợ một cách có ý thức và chiến lược để biến nó thành một công cụ hiệu quả: vay vốn kinh doanh để tăng doanh thu, thế chấp để mua nhà và đăng ký khoản vay sinh viên để tiếp cận giáo dục.
Khi được sử dụng để tài trợ cho thứ gì đó có thể tăng giá trị trong tương lai, nợ có vai trò như một công cụ. Bạn có thể gọi đây là khoản nợ thông minh.