Vào năm 1980, nhà kinh tế học Richard Thaler là người đầu tiên chỉ ra rằng hiệu ứng chi phí chìm là một hiện tượng phổ biến. Ông mô tả nó như một lỗi nhận thức mang tính hệ thống, khiến con người suy xét đến mọi nỗ lực, tiền bạc, thời gian và bất kỳ nguồn lực nào khác mà họ đã đổ vào một nhiệm vụ nào đó khi cần đưa ra quyết định liệu có nên tiếp tục và dồn thêm nguồn lực cho nó hay không.
Hiểu một cách đơn giản, khi cần phải quyết định có tiếp tục hay không, chúng ta thường cân nhắc đến những gì mình đã bỏ ra. Chúng ta làm thế vì một suy nghĩ phi lý rằng cách duy nhất để “thu hồi vốn” cho chi phí đã mất là tiếp tục theo đuổi mục tiêu. Nhiều thí nghiệm và nghiên cứu thực tiễn ở nhiều phạm vi khác nhau đã chứng minh cho giả thuyết của Thaler.
Để minh họa, bạn hãy xem xét một thí nghiệm đơn giản như sau: Một ban nhạc bạn yêu thích sắp có buổi diễn ngoài trời ở thành phố bạn sinh sống. Vào ngày tổ chức, trời đổ mưa lớn và chương trình dự kiến sẽ kéo dài suốt đêm. Một người bạn nói với bạn rằng họ có dư một vé và mời bạn đi xem cùng. Bạn đang mệt mỏi và việc đứng nhiều giờ dưới mưa lớn khả năng lớn sẽ làm bạn bị sốt. Hẳn bạn có thể dễ dàng từ chối và nghĩ sẽ đi xem vào lần tới.
Bây giờ đổi một góc độ khác, giả dụ rằng bạn là người đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua vé xem nhạc đó. Tình huống đêm nhạc vẫn như trên và bạn vẫn đang cảm thấy mệt mỏi, nhưng lúc này bạn có đi không?
Trong tình huống thứ nhất, bạn hoàn toàn tỉnh táo trong việc quyết định có nên đi xem buổi diễn hay không. Bạn chưa bỏ tiền mua vé và cũng chưa dự định sẽ đi. Bạn chỉ cần cân nhắc tổn hại và lợi ích trong tương lai: cảm giác mệt mỏi, khó chịu khi phải ở ngoài trời hàng giờ trong điều kiện thời tiết bất lợi so với niềm vui khi được xem ban nhạc yêu thích trình diễn trực tiếp. Tuy nhiên, trong tình huống thứ hai, khả năng mọi người đi xem buổi diễn cao hơn nhiều, vì họ không muốn lãng phí số tiền mà họ đã bỏ ra để mua vé.
Nếu xem xét kỹ càng, việc bạn dùng tiền của mình để mua vé chỉ nên đóng vai trò rất nhỏ, thật ra là không có vai trò gì, vì khoản tổn thất ấy đã chìm rồi, tiền đã rời khỏi túi. Nhưng chúng ta lại thường nghĩ rằng: “Nếu không đi, mình sẽ lãng phí số tiền đã bỏ ra mua vé”. Tiền vé càng cao thì hiệu ứng này càng mạnh mẽ. Thử hình dung chiếc vé ấy không phải là 2 triệu mà là 12 triệu, thậm chí là hơn thì sao?
Tác giả Annie Duke cho biết tất cả chúng ta đều chịu tác động của hiệu ứng chi phí chìm, dù nhiều hay ít. Nó khiến chúng ta xây dựng những con đường chẳng đến đâu nhưng không muốn bỏ đi vì không muốn mất trắng những gì đã đổ vào đó. Con đường chẳng dẫn đến đâu ấy có thể là khi bạn nhất quyết không bỏ ngành đang học dù không hề thấy vui với nó, bởi vì bạn đã tốn công theo học lâu nay và đã bỏ quá nhiều thời gian. Nó cũng có thể là lúc bạn buộc mình phải xem cho hết một bộ phim dù nó dở tệ, chỉ vì đã lỡ dành thời gian để xem nó…
Như Annie Duke đã đúc kết trong cuốn sách “Từ bỏ”: “Khi dấn thân vào một nỗ lực nhất định, chúng ta cũng tích lũy các mảnh vụn – tức thời gian, tiền bạc, và công sức. Đầu tư càng nhiều, khối kết tụ càng lớn, thì cam kết của chúng ta càng leo thang, khiến cho việc từ bỏ càng trở nên khó khăn. Rồi chính quyết định duy trì khiến chúng ta đầu tư nhiều hơn nữa ấy càng khiến ta có nhiều khả năng sẽ tiếp tục nếu lại đến lúc phải cân nhắc việc từ bỏ. Cứ như thế, cán cân lại càng nghiêng về phía duy trì”.