Nếu bạn đang loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào trên hành trình phát triển bản thân và thúc đẩy động lực nội tại của những người xung quanh, thì cuốn sách “Sao ta làm điều ta làm" của hai tác giả Edward L.Deci và Richard Flaste chính là cuốn cẩm nang giúp bạn khám phá ra hướng đi phù hợp và bền vững để làm chủ cuộc đời mình cũng như xây dựng một xã hội mà ở đó mỗi cá nhân đều tự có ý thức trách nhiệm hơn.
Dù đã đưa ra rất nhiều giải pháp như khen thưởng và áp dụng vô vàn quy tắc để kiểm soát, nhưng các bậc cha mẹ vẫn luôn mệt mỏi với việc nhắc nhở con cái vâng lời, thầy cô giáo đau đầu với việc làm sao để học trò của mình chăm chỉ và tiếp thu tốt hơn, những người quản lý thì bế tắc với việc nhân viên thiếu trách nhiệm trong công việc, hay những lãnh đạo cấp cao rơi vào trạng thái khủng hoảng khi nhận thấy các hành vi tha hoá, mất trật tự trong xã hội ngày càng nhiều.
Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng chỉ cần thẳng tay trừng trị, thi hành kỉ luật sẽ khiến những người xung quanh hành xử tốt hơn. Rằng khen thưởng hay sự đe doạ sẽ khiến mọi người tuân thủ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cách làm đó cũng hiệu quả, và trong một vài trường hợp những con người ấy sẽ bị đẩy đến chỗ hành động một cách vô trách nhiệm hơn.
Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những thứ được gọi là giải pháp dựa trên nguyên tắc cứng nhắc, đang làm vấn đề trở nên trầm trọng, hơn là cải thiện nó.
Thay vì tiếp cận với sự khiển trách, áp đặt người khác phải cư xử có trách nhiệm hơn. Hai tác giả Edward L.Deci & Richard Flaste của cuốn sách “Sao ta làm điều ta làm” đã có một góc nhìn và xử lý vấn đề hoàn toàn khác biệt. Đó là bắt đầu trước hết với việc đặt câu hỏi “Tại sao con người lại hành xử một cách vô trách nhiệm - vì sao họ lại hành xử bạo lực, cư xử một cách thiếu lành mạnh,...”
Cách tiếp cận này tập trung vào động lực ẩn dưới sự vô trách nhiệm của họ, giải thích những tác động xã hội ảnh hưởng đến động lực đó. Rồi sau đó, chỉ ra những yếu tố có thể dẫn dắt con người hành xử có trách nhiệm hơn. “Sao ta làm điều ta làm" bàn về động lực của con người và nó được sắp xếp xoay quanh sự phân biệt quan trọng trong hành vi, giữa việc nó là tự chủ hay bị kiểm soát mà ra.
Hầu hết mọi người dường như đều nghĩ rằng nguồn động lực có sức ảnh hưởng lớn nhất đều xuất phát từ bên ngoài chúng ta, rằng nó là điều gì đó mà một người có kỹ năng tạo cho người khác. Nhưng hai tác giả trong cuốn sách này lại cho rằng, sự tự thúc đẩy, thay vì động lực thúc đẩy từ bên ngoài, mới là trung tâm của sự sáng tạo, trách nhiệm, hành vi lành mạnh và thay đổi lâu dài. Cách cư xử khéo léo hay áp lực từ bên ngoài đôi lúc có thể đem lại sự tuân thủ, nhưng cùng với sự tuân thủ đó, nhiều hậu quả tiêu cực sẽ xuất hiện, bao gồm cả thôi thúc bất tuân.
Vậy nên, thay vì đặt ra câu hỏi “Làm thế nào người ta có thể thúc đẩy người khác?” câu hỏi chính xác nên là “Làm thế nào người ta có thể tạo ra những hoàn cảnh mà trong đó người khác sẽ tự thúc đẩy chính mình?”
Thông qua cuốn sách này, chúng ta sẽ biết tại sao chúng ta làm những việc mình làm, và làm thế nào để thúc đẩy hành vi có trách nhiệm - làm việc sao cho đạt hiệu suất, học hành sao cho vui vẻ, làm sao để thay đổi hành vi một cách lành mạnh về lâu dài - để làm lợi cho xã hội cũng như chính bản thân mình.
Cuốn sách được chia làm 4 phần chính, thông qua 4 phần ấy chúng ta sẽ rút ra được những bài học và câu trả lời cho câu hỏi mà chính tên sách đã đặt ra, rằng “Sao ta làm điều ta làm?”.
Phần 1: Tầm quan trọng của sự tự chủ và bản lĩnh giúp nắm rõ được sức mạnh của sự tự chủ
Phần 2: Vai trò của sự kết nối liên cá nhân giúp tìm hiểu mối kết nối giữa ta và xã hội
Phần 3: Mọi thứ vận hành như thế nào chính là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi làm sao để thúc đẩy sự tự chủ của bản thân?
Phần 4: Kết luận phân tích ý nghĩa tự do của con người trong xã hội, đặc biệt là một xã hội mang tính kiểm soát.
Sự tự chủ là nhiên liệu cho sự trưởng thành và khoẻ mạnh, bởi vì nó cho phép con người thấy được họ đang là chính mình, là nhân tố khởi xướng hành động của chính họ. Năng lực được nhận thức, hay quyền làm chủ mà không có sự tự chủ là chưa đủ. Nếu mỗi cá nhân chỉ hành động vì bị kiểm soát và yêu cầu phải làm một điều gì đó, về căn bản họ đã đánh mất tính tự chủ, và về lâu dài những hành động của họ sẽ đi chệch quỹ đạo cũng như trở nên khó kiểm soát, hay nguy hiểm hơn là vô trách nhiệm. Những cá nhân sống không có sự tự chủ sẽ trở thành những con rối mất dây điều khiển, lạc mất bản ngã của chính mình.
Theo hai tác giả Edward L.Deci & Richard Flaste, để thúc đẩy sự thể hiện và giải quyết vấn đề tối ưu, con người cần phải được thúc đẩy từ bên trong, tức là phải có được sự tự chủ. Điều tưởng chừng đơn giản nhưng đang không được chú trọng từ trong gia đình, trường học tới ngoài xã hội. Thông qua “Sao ta làm điều ta làm?” tầm quan trọng của tự chủ để làm chủ hành động và cuộc đời được hai tác giả làm rõ từ các nghiên cứu khoa học và những ví dụ thực tiễn sẽ giúp cha mẹ, thầy cô, các nhà quản lý và toàn xã hội nhìn nhận được con đường đúng đắn trong việc thúc đẩy mỗi cá nhân thay vì sử dụng những biện pháp cứng nhắc trước nay vẫn áp dụng là “Phần thưởng và kiểm soát".
Bạn đã từng nhìn thấy hình ảnh của những chú hải cẩu vỗ các chi vào nhau, vẫy chào đám đông và uốn lượn như một nàng tiên cá trong đài phun nước bao giờ chưa? Đó là những hình ảnh dễ thương và được xem là gắn liền với những chú hải cẩu. Thế nhưng, trên thực tế, chúng chỉ làm vậy khi người cho thú ăn xuất hiện với một túi cá trên tay. Khi người cho ăn rời đi, thì những hành động ấy cũng biến mất theo.
Các nhân viên cho thú ăn đã sử dụng “phần thưởng" một cách vô cùng hiệu quả để khơi lên những hành vi họ mong muốn. Bạn có thể nghĩ rằng: Nếu việc trao phần thưởng mang lại hiệu quả như vậy, thì ta có thể áp dụng nó một cách rộng rãi để khiến mọi người xung quanh làm việc hiệu quả và có trách nhiệm hơn. Vì cứ thưởng cho những hành vi mà ta mong đợi và khả năng hành vi đó được lặp lại sẽ cao hơn.
Nhưng hoá ra vấn đề lại không đơn giản như vậy. Qua một loạt các nghiên cứu thực tiễn, hai tác giả Edward L.Deci và Richard Flaste đã chỉ ra rằng lối tư duy tự chủ, trao quyền tự quyết định và lựa chọn cho người khác sẽ đem lại nhiều giải pháp tốt hơn, khả thi hơn việc áp đặt. Phần thưởng trao không đúng cách sẽ khiến người ta hiểu nó như một phương tiện ép buộc. Nhiều bậc cha mẹ, thầy cô, nhà quản lý,… sử dụng phần thưởng như một cách để thị uy với người khác. Họ trao thưởng với ý định kiểm soát - hay nói một cách hoa mỹ là “tạo động lực" - khiến người nhận có khả năng sẽ xem việc nhận thưởng như bị kiểm soát.
Khi phần thưởng được trao đi theo cách kiểm soát người khác, về căn bản đã gây ra một tác động tiêu cực lên động lực nội tại, chúng khiến người ta cảm thấy thêm áp lực và ít thích thú hơn. Kiểm soát bằng phần thưởng sẽ phá huỷ nỗ lực thúc đẩy người khác và cùng lúc đó huỷ hoại chính thứ động lực mà họ đang mong muốn thúc đẩy.
Ủng hộ sự tự chủ, thứ hoàn toàn đối lập với sự kiểm soát, có nghĩa là ta đứng ở góc nhìn của người khác và nỗ lực từ góc nhìn đó. Là tích cực khuyến khích tự khởi xướng, thử nghiệm và trách nhiệm. Theo Edward L.Deci và Richard Flaste, khuyến khích tự chủ bao gồm giảm thiểu áp lực bằng cách tránh những ngôn từ mang tính kiểm soát và cho phép lựa chọn càng nhiều càng tốt, đòi hỏi phải tinh tế hơn và cũng khó khăn hơn. Nhưng thông qua cuốn sách này, dù ở vị trí nào bạn cũng có thể có được góc nhìn sáng suốt khi quyết định đưa ra phần thưởng cho người khác và nắm được ý nghĩa của việc sử dụng phần thưởng. Bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng và lợi ích đường dài của thúc đẩy sự tự chủ thay vì hy vọng những phần thưởng ngắn hạn sẽ làm nên kì tích dài hơi.
Bạn có bao giờ tự hỏi: Tại sao quá nhiều trẻ em trong các trường học có vẻ đang học hành một cách uể oải và thiếu động lực? Tại sao một số người sống có trách nhiệm chỉ bởi khát khao tuyệt vọng muốn tránh bị chê bai? Và tại sao một khác lại cư xử như những kẻ thô lỗ, hỗn xược và phá hoại?
Câu trả lời cho những câu hỏi này chính là mối kết nối giữa cá nhân và xã hội. Cụ thể là các môi trường mang tính kiểm soát đòi hỏi, gây áp lực, kích động, phỉnh phờ con người để họ hành động, suy nghĩ, hay cảm nhận theo những cách đặc thù. Đây là những môi trường thúc đẩy sự tự động hoá - những người suy luận theo kiểu công cụ, tuân thủ các mệnh lệnh, theo một nghĩa nào đó chỉ sống nửa chừng, nhưng đôi lúc họ lại cảm thấy thôi thúc bất tuân kiểm soát.
Trong một gia đình, một tập thể và rộng hơn là xã hội con người có thể bị ép buộc phải từ bỏ hay che giấu con người thật của chính mình để được coi là phù hợp với các tiêu chuẩn xã hội. Họ có thể cảm thấy buộc phải từ bỏ quyền tự chủ và bản ngã. Trong khi gia đình, trường học và xã hội coi đó là bày tỏ tình yêu thương, thì trên thực tế họ đang nỗ lực kiểm soát các cá nhân đó với sự yêu thương có điều kiện. Và đôi khi tình yêu thương này sẽ nhận lại sự bất tuân thay vì sự chấp thuận.
Hai tác giả còn cho biết các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những bối cảnh xã hội mang tính kiểm soát sẽ làm suy yếu và triệt tiêu sự phát triển bản ngã đích thực của mỗi cá nhân. Càng đặt ra những quy luật ép buộc, kiểm soát thì kết quả sẽ đi ngược lại với những gì ta kì vọng. Theo Edward L.Deci và Richard Flaste, đã đến lúc ngừng việc dựa vào sự kiểm soát, mà cần bắt đầu thực hiện nhiều cách tiếp cận khuyến khích tự chủ hơn.
Cũng trong cuốn sách này, hai tác giả đề cập đến sự thúc đẩy ngoại tại và nội tại. Trong đó động lực nội tại được đánh giá là vô cùng quan trọng trong việc giúp mỗi cá nhân phát triển và sống có trách nhiệm hơn. Và để có được động lực nội tại, con người cần phải hiểu được rằng bản thân mình có đủ năng lực và sự tự chủ; họ cần phải cảm thấy rằng họ có sức ảnh hưởng và khả năng tự quyết. Và người khác cũng có thể thúc đẩy nội tại cho một cá nhân khác bằng cách khơi gợi ý thức tự chủ thay vì kiểm soát và ép buộc.
Xã hội đặt ra nhiều yêu cầu, kiểm soát với mỗi cá nhân từ khi họ sinh ra cho đến khi trưởng thành. Xã hội cũng kì vọng những nguyên tắc đã đặt ra ấy sẽ đưa con người ta vào quy củ và nề nếp hơn, mà quên mất rằng mỗi cá nhân cũng cần có quyền tự chủ để phát triển. Thay vì kiểm soát, gia đình, nhà trường và xã hội nên khuyến khích để mỗi cá nhân tự nhận thức được hành vi của mình, từ đó sống có trách nhiệm hơn.
Hai tác giả cũng khẳng định đây là một quá trình không dễ dàng, vì nhiều người đang lầm tưởng giữa hai khái niệm buông thả, dễ dãi và khuyến khích tự chủ. Khuyến khích tự chủ không phải là để mặc cho ai đó làm điều họ muốn mà nó đòi hỏi phải luôn rõ ràng, kiên định, lập ra các giới hạn theo cách thức đầy thấu hiểu và đồng cảm.
Khi đã nhận thức được tầm quan trọng của sự tự chủ, điều bạn cần tìm hiểu tiếp theo chính là “Làm thế nào để thúc đẩy tính tự chủ của mỗi cá nhân trong một xã hội vốn có sự kiểm soát?”
Sau khi phân tích tính cá nhân và cả mối liên kết giữa cá nhân với xã hội, đồng thời nêu rõ tầm quan trọng của tính tự chủ Phần 3 của “Sao ta làm điều ta làm?” sẽ là phần trọng tâm chỉ cho bạn thấy làm thế nào để bạn có thể thúc đẩy tính tự chủ cho người khác và cho cả chính bản thân mình.
Bằng cách đưa ra một loạt những ví dụ thực tiễn thay vì những llí thuyết khô khan, “Sao ta làm điều ta làm?" sẽ giúp bạn đọc dễ dàng hình dung được cách áp dụng những phương thức qua từng ví dụ. Từ những ví dụ đó, bạn có thể chọn ra phương pháp khuyến khích phù hợp cho chính mình hay cho con cái, học sinh, và cấp dưới của mình…
Là giáo viên, cha mẹ hay người quản lý biết khuyến khích tự chủ, bạn sẽ tạo ra được một khối liên minh với học sinh, con cái hay nhân viên của mình. Thông qua những đề mục chính như “Quyết định làm gì và làm như thế nào?”, “Thiết lập những giới hạn khuyến khích tự chủ?”, “Thiết lập giới hạn và đánh giá năng lực”, “Quản lý phần thưởng và sự công nhận", “Chấp nhận và trở ngại"... bạn đọc có thể nắm chắc được những phương pháp thúc đẩy sự tự chủ và giúp chính mình cũng như những người xung quanh làm chủ cuộc đời và hành xử có trách nhiệm hơn.
Phải thừa nhận rằng, môi trường xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến sự tự chủ và phát triển của con người. Nhưng cũng có rất nhiều cá nhân mặc dù động lực, hành vi hay hạnh phúc của họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi môi trường xã hội quanh, nhưng cũng thật ấn tượng khi họ có thể sống một cách tự chủ bất chấp việc trải qua quá trình giáo dục hằn rõ áp lực, hỗn loạn, bạo hành hay bị bỏ rơi. Thông qua cuốn sách này, bằng việc phân tích bối cảnh xã hội từ Châu Á đến Châu Âu, hai tác giả cũng đưa ra nhiều giải pháp giúp bạn có thể học được cách sống tự chủ trong một xã hội đầy kiểm soát bằng cách tìm kiếm sự ủng hộ đặc biệt hay nhìn nhận ưu điểm của chính môi trường này để thúc đẩy sự phát triển.
“Sao ta làm điều ta làm" là cuốn sách chứa đầy hy vọng, vì nó cho biết chúng ta có thể làm gì cho chính mình, cho con cái, nhân viên, bệnh nhân, học sinh và các vận động viên,... hay đúng hơn là những gì chúng ta có thể làm cho xã hội… Cuốn sách cung cấp tất cả những gì bạn cần để quản lý bản thân hiệu quả hơn, trách nhiệm hơn, tạo ra chính sách xã hội giàu ý nghĩa, và giúp những người xung quanh trở nên tốt hơn bằng cách thúc đẩy chính sự tự chủ của họ.
Quyển sách này sử dụng những phương pháp khoa học để tìm hiểu cơ sở tạo động lực cho mỗi cá nhân thay vì hướng đến phần thưởng và sự kiểm soát, áp đặt mà từ trước đến nay chúng ta vẫn mặc định là hiệu quả. Phần thưởng và sự kiểm soát có thể là con đường ngắn nhất và nhanh nhất để đạt được sự tuân phục trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, con đường ngắn nhất đó lại không phải điều mà chúng ta hy vọng thúc đẩy.
Trong một xã hội với những quy tắc, áp đặt khó có thể xoá bỏ trong thời gian ngắn, thì những người ở ví trí cao hơn, những người có khả năng giúp đỡ mọi người hơn cần thấu hiểu những gì mình có thể làm để thúc đẩy động lực nội tại cho người khác, giúp họ tự phát triển sự tự nhận thức và sống có trách nhiệm hơn.
Nếu bạn đang loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào trên hành trình phát triển bản thân và thúc đẩy động lực nội tại của những người xung quanh, thì cuốn sách “Sao ta làm điều ta làm" của hai tác giả Edward L.Deci và Richard Flaste chính là cuốn cẩm nang giúp bạn khám phá ra hướng đi phù hợp và bền vững để làm chủ cuộc đời mình cũng như xây dựng một xã hội mà ở đó mỗi cá nhân đều tự có ý thức trách nhiệm hơn.